date
Đường dây nóng:

Vinh quang sự nghiệp “trồng người”

Đăng lúc: 00:00:00 18/11/2022 (GMT+7)

Trong bất kỳ thời điểm lịch sử nào, dù xã hội có phát triển và đổi thay, "tôn sư trọng đạo" vẫn là một truyền thống, một nét đẹp trong văn hóa của dân tộc Việt Nam. Nhân dân ta luôn coi việc học như quốc kế sinh tồn, quyết định sự hưng thịnh của quốc gia, dân tộc. Bởi vậy, người thầy luôn được xã hội kính trọng, tôn vinh. Họ là những kỹ sư tâm hồn, những người chiến sỹ trên mặt trận văn hóa và với thiên chức của mình, nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý.

Từ sự lan tỏa của tinh thần Hiến chương Nhà giáo, cách đây 40 năm, ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 167,  chính thức lấy ngày 20/11 hàng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam. Đây là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đối với những người đã và đang đóng góp bao công sức, bao tâm huyết cho sự nghiệp trăm năm trồng người. Đây cũng là dịp để các thế hệ học trò bày tỏ tình cảm kính trọng, lòng tri ân sâu sắc với các thầy cô – những người chở đò cần mẫn trên dòng sông tri thức.

1.jpg
Tư liệu các thế hệ nhà giáo Việt Nam đã không ngừng khai tâm, mở trí cho các thế hệ học trò.

Ôn lại lịch sử, chúng ta không thể không ghi nhớ công lao của các thế hệ nhà giáo đã không ngừng khai tâm, mở trí cho các thế hệ học trò. Các thế hệ nhà giáo Việt Nam luôn phát huy truyền thống yêu nước, hy sinh cho nền độc lập, tự do của dân tộc. Trong cuộc trường kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, từ những lớp Bình dân học vụ diệt giặc dốt đến những lớp học ban đêm, những lớp học dưới hầm sâu, dưới tầm bom đạn Mỹ, chúng ta đã xây dựng nên một nền giáo dục thời đại mới. “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, hàng ngàn thầy, cô giáo của thành phố Thanh Hóa đã “xếp bút nghiên” hăng hái lên đường chiến đấu. Nhiều thầy giáo, cô giáo và học sinh đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân của mình cho cách mạng, cho nền hòa bình của dân tộc.

7.jpg
Cô và trò được giảng dạy và học tập trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

Sau ngày đất nước thống nhất, bước vào thời kỳ hội nhập và phát triển, đội ngũ thầy giáo, cô giáo cả nước nói chung, thành phố Thanh Hóa nói riêng đã tiếp nối truyền thống, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cao cả của nghề dạy học là dạy chữ, dạy người. Biết bao thế hệ nhà giáo với lòng nhiệt huyết, đam mê nghề dạy học, yêu trường, mến trẻ, trở thành những tấm gương lao động quên mình, hoàn thành sứ mệnh vinh quang “trồng người cho thế hệ tương lai”. Đội ngũ nhà giáo luôn gương mẫu hưởng ứng và thực hiện tốt các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, thi đua “Dạy tốt - học tốt”, “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”, “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học vàsáng tạo”... đóng góp to lớn trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho quê hương, đất nước.

2.jpg
Trường mầm non Hoằng Quang mới được đầu tư xây dựng khang trang, to đẹp.

Trong những năm qua, cùng với sự phát triển không ngừng của đô thị tỉnh lỵ, hệ thống giáo dục thành phố Thanh Hóa đã phát triển rộng khắp và thực hiện cải cách, thống nhất theo hệ thống giáo dục quốc dân. Quy mô, mạng lưới trường lớp các cấp học, ngành học và đội ngũ giáo viên được củng cố và phát triển, đáp ứng nhu cầu học tập ngàycàng cao của các thế hệ học sinh thành phố. Cơ sở vật chất, trường, lớp và thiết bị dạy học, cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin tiếp tục được quan tâm đầu tư theo hướng kiên cố hoá, chuẩn hoá và hiện đại, đáp ứng tốt yêu cầu nâng cao chất lượng dạy học, đổi mới giáo dục và xu hướng chuyển đổi số trong giáo dục. Nếu như năm học 2011 - 2012, toàn thành phố chỉ có 63 trường, đến năm học 2022-2023 thành phố Thanh Hóa đã có 155 trường với gần 3.400 giáo viên, trong đó có 122 trường công lập; 33 trường ngoài công lập; đã có 129 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 83,2%.

3.jpg
Học sinh được học bằng các phương tiện nghe, nhìn hiện đại.

Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp được quan tâm xây dựng cả về số lượng và chất lượng, cơ bản được bố trí đủ về số lượng, cân đối về cơ cấu bộ môn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. 100% giáo viên có trình độ chuyên môn đạt chuẩn góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; trong đó trình độ chuyên môn trên chuẩn các bậc học trung bình đạt trên 23%.Thành phố có 02 Nhà giáo Nhân dân, 15 Nhà giáo ưu tú; 42 tập thể và 11 cá nhân được Nhà nước tặng Huân chương lao động; 38 tập thể và 33 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; 47 tập thể và 45 cá nhân được Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen;19 nhà trường được tặng Cờ thi đua Chính phủ…Nhiều nhà giáo cả một đời cống hiến tâm lực, trí lực cho sự nghiệp trồng người, đến lúc về nghỉ chế độ, vẫn tiếp tục miệt mài lặng thầm gieo tri thức, kinh nghiệm và giá trị của nền giáo dục cho các cháu thiệt thòi, hoàn cảnh còn nhiều khó khăn. Trong mỗi ước mong của các thầy cô vẫn nhennhóm một điều giản dị: muốn được là một nấc thang trên bước đường đi tới vinh quang của các thế hệ học trò.

6.jpg
Các em học sinh trường tiểu học Ba Đình tham quan phòng truyền thống của nhà trường.

Được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự phối hợp hỗ trợ của các ban ngành thành phố, đội ngũ nhà giáo thành phố Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dạy và học, xây dựng trường chuẩn quốc gia, xã hội hóa giáo dục, phổ cập giáo dục, công tác giáo dục đạo đức, kỹ năng sống trong nhà trường…Chất lượng và hiệu quả giáo dục tiếp tục được duy trì, ổn định vàtừng bước nâng lên theo hướng thực chất và bền vững. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Có gì vẻ vang hơn là đào tạo thế hệ sau này góp phần xây dựng CNXH và Chủ nghĩa cộng sản; người thầy giáo tốt – thầy giáo xứng đáng là thầy giáo – là người vẻ vang nhất. Dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Đâylà một điều rất vẻ vang”. Giáo dục thành phố chúng ta tự hào với những “trái ngọt hoa thơm” mà các thế hệ thầy cô giáo đã gieo mầm, nuôi dưỡng với nhiều học sinh đạt giải cấp quốc tế, quốc gia; nhiều học sinh là thủ khoa các trường Cao đẳng, Đại học.

4.jpg

5.jpg
Đội ngũ thầy cô giáo được vinh danh tại hội nghị điển hình tiên tiến của ngành giáo dục thành phố giai đoạn 2015-2022.

Nhìn lại truyền thống vẻ vang của nhà giáo Việt Nam,chúng ta thêm tự hào, trân quý và biết ơn những đóng góp của các thế hệ nhà giáo lão thành, các nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo ưu tú, các nhà giáo tiêu biểu qua các thời kỳ đã và đang viết nên bảng vàng thành tích cho Ngành giáo dục thành phố Thanh Hóa hôm nay.

Phát huy truyền thống của Nhà giáo Việt Nam, các thế hệ nhà giáo thành phố Thanh Hóa sẽ  tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, quyết tâm cùng với cả thành phố phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng thành phố Thanh Hóa trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh hàng đầu cả nước, là đô thị thông minh,văn minh, hiện đại. Và với phương châm “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt”, chúng ta hãy cùng thắp lên ngọn lửa tự hàovà niềm tin về những nhà giáo của một dân tộc anh hùng, những con người đang ngày đêm âm thầm cống hiến cho sự nghiệp cao cả trồng người để Tổ quốc mãi mãi xanh tươi, vững bền.

 

Thu Hiền