date
Đường dây nóng:

Trường học hạnh phúc - nơi của an toàn, yêu thương và tôn trọng

Đăng lúc: 00:00:00 31/05/2023 (GMT+7)

Lấy cảm hứng từ mô hình "Happy School" của tổ chức Văn hoá - Giáo dục và Khoa học Liên Hợp Quốc (UNESCO), mô hình "Trường học hạnh phúc"đã được Công đoàn giáo dục Việt Nam ban hành Công văn số 312/CĐN ngày 12/11/2019 hướng dẫn công đoàn trường học tổ chức và tham gia xây dựng Trường học hạnh phúc theo “Kế hoạch nâng cao năng lực ứng xử sư phạm đạo đức nhà giáo người lao động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới” và được Bộ GD&ĐT phát động rộng khắp các tỉnh thành trên toàn quốc. Từ năm học 2020-2021, thành phố Thanh Hoá bắt đầu triển khai và nhanh chóng nhân rộng tại 155 cơ sở giáo dục trên địa bàn. Trọng tâm mô hình này là xây dựng "Trường học hạnh phúc - giáo viên hạnh phúc - học sinh hạnh phúc".

IMG-2235.PNG
Trường tiểu học Ba Đình tổ chức chuyên đề trường học hạnh phúc.

Tại thành phố Thanh Hóa, ngành giáo dục đã chỉ đạo các nhà trường bám sát các tiêu chí của Trường học hạnh phúc của UNESCO và hướng dẫn của Công đoàn Giáo dục Việt Nam xây dựng kế hoạch và tuyên truyền rộng rãi đến 100% cán bộ quản lí, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh. Ngành đã phổ biến, hướng dẫn cách làm cho CBQL, GV, NV các nhà trường từng bước thực hiện các nội dung xây dựng trường học hạnh phúc phù hợp với điều kiện của nhà trường theo các tiêu chí, tiêu chuẩn quy định. Bồi dưỡng nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi CBGVNV, học sinh và phụ huynh trong việc xây dựng trường học hạnh phúc, nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, xây dựng đạo đức nhà giáo với môi trường giáo dục, an toàn, thân thiện. Triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo” ; “Dân chủ - kỷ cương - tình thương - trách nhiệm”; phát huy các phong trào thi đua “Hai tốt”, “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, xây dựng từng tiết học hạnh phúc, giờ chơi hạnh phúc, bữa ăn hạnh phúc, lớp học hạnh phúc tạo nên một môi trường làm việc thuận lợi, hạnh phúc bằng cách đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, tạo sức hấp dẫn đối với học sinh, đổi mới công tác quản lý nhẹ nhàng hiệu quả, thuyết phục giáo viên, khơi dậy đam mê trong đội ngũ các nhà giáo tâm huyết với công việc.

IMG-2239.PNG
Các em học sinh chăm sóc chậu hoa trước cửa lớp học của mình.

Cùng với sự đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông 2018, dạy học theo hướng phát triển phẩm chất năng lực của học sinh được thay thế cho hình thức dạy học truyền thụ kiến thức, quá trình tổ chức, thực hiện mô hình trường học hạnh phúc có rất nhiều thuận lợi bởi những yêu cầu đổi mới mang tính chất tương đồng, các nhà trường trên địa bàn thành phố đã xây dựng nhiều chương trình hành động thiết thực, đặc biệt chú trọng trang bị những kỹ năng mềm thiết yếu cho học trò như: kỹ năng tự vệ, kỹ năng về phòng chống cháy nổ, kỹ năng tự chăm sóc bản thân, kỹ năng chống xâm hại tình dục, kỹ năng phòng chống ma túy và tệ nạn xã hội… Các nhà trường cũng kịp thời biểu dương những hành động đẹp, việc làm tốt của cán bộ, giáo viên, học sinh nhằm tạo thêm động lực thúc đẩy và hướng đến những điều tốt đẹp nhất đó là xây dựng giá trị đạo đức con người. Tập thể các nhà trường luôn duy trì, đẩy mạnh phong trào thi đua “Hai tốt”, kết hợp chặt chẽ “dạy chữ” với “dạy người” và “dạy nghề” gắn với nhiệm vụ, mục tiêu giáo dục của nhà trường. Trong xây dựng kế hoạch dạy học của tổ/nhóm chuyên môn, giáo viên các nhà trường đều chú trọng giáo dục đạo đức và giá trị sống, rèn luyện kỹ năng sống, hiểu biết xã hội, thực hành pháp luật; tăng cường các hoạt động nhằm giúp học sinh vận dụng kiến thức liên môn học vào giải quyết các vấn đề thực tiễn...

IMG-2242.JPG
Trường tiểu học Minh Khai 1 thực hiện chuyên đề giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.

Để đội ngũ giáo viên thắp sáng ngọn lửa đam mê nghề nghiệp, giáo viên và học sinh trong các nhà trường trên địa bàn thành phố đã và đang xây dựng môi trường học đường theo 3 giá trị cốt lõi của tiêu chí Trường học hạnh phúc: yêu thương, an toàn, tôn trọng, hướng đến một môi trường sư phạm văn minh, thân thiện. Đặc biệt vào thời gian nghỉ giữa tiết, sau các buổi học, học sinh cùng nhau tập nhảy, múa, tự do sáng tác tranh hội họa và thích thú khi được đọc sách, truyện tranh, truyện lịch sử… trong một không gian xanh, chan hòa với thiên nhiên của hệ thống thư viện xanh. Thông qua các hoạt động ngoại khóa, hoạt động tập thể, hoạt động trải nghiệm đã tạo nên không gian học tập và sân chơi bổ ích để học sinh tích lũy kỹ năng và cơ hội phát triển toàn diện.

IMG-1637.JPG
Trường THCS Tân Sơn thực hiện chuyên đề giáo dục pháp luật cho học sinh.

Từ việc triển khai thực hiện mô hình trường học hạnh phúc, ngành giáo dục và đào tạo thành phố đã phát hiện, tôn vinh và biểu dương, khen thưởng nhiều tập thể, cá nhân về việc xây dựng môi trường sư phạm; những tấm gương nhà giáo tận tụy, mẫu mực, có thành tích trong giảng dạy, nghiên cứu, học tập và sáng tạo để lan tỏa trong các nhà trường, trong địa phương và tới cộng đồng xã hội với Slogan “ Thầy cô hạnh phúc thay đổi cả thế giới”.

IMG-2246.JPG
Đông đảo các em học sinh tham gia cuộc thi rung chuông vàng tại sân tượng đài anh hùng dân tộc Lê Lợi.

Các nhà trường đã xây dựng bộ quy tắc ứng xử, tổ chức tốt các chuyên đề về thực hành quy tắc ứng xử, nâng cao năng lực ứng xử, đạo đức nhà giáo, 100% học sinh có hoàn cảnh đặc biệt đều được quan tâm, chia sẻ, động viên và hỗ trợ kịp thời;Tổ chức thực hiện lớp học sáng, xanh, sạch, đẹp, đảm bảo an toàn, không có tai nạn thương tích, không có bạo lực học đường. Tất cả giáo viên áp dụng tốt phương pháp và hình thức tổ chức dạy học tích cực để tạo hứng thú, phù hợp theo phương pháp “Giáo dục lấy học sinh làm trung tâm”. Tổ chức các hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa tăng cường thể lực và nuôi dưỡng cảm xúc tích cực cho học sinh.

Trong mọi hoạt động giáo dục, tất cả CBGVNV đều thực hiện phương châm mỗi thầy cô giáo là tấm gương sáng cho học sinh noi theo, chú trọng phương pháp giáo dục học sinh bằng hình thức nêu gương. 100% các trường tổ chức tốt nội dung sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn một cách sáng tạo; động viên, khuyến khích giáo viên tự học - tự rèn luyện, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, rèn luyện tác phong sư phạm để giáo viên tổ chức nhiều hoạt động hữu ích, hấp dẫn và lôi cuốn học sinh. Mọi hoạt động liên quan đến dạy học, đến công tác quản lí được bàn bạc cởi mở, lắng nghe, thấu hiểu, đối thoại tích cực, tạo môi trường dạy học dân chủ hiệu quả. Các trường cũng đã thành lập và duy trì các “Nhóm nhà giáo cùng nhau phát triển”,  “ Nhóm các nhà giáo hạnh hạnh phúc” ngay từ các tổ chuyên môn để có thể hỗ trợ nhau khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Ngoài ra các nhà trường đã làm tốt công tác động viên, giúp đỡ, chia sẻ, tạo cơ hội để giáo viên và học sinh đều được phát triển tối đa năng lực của bản thân, không ai bị bỏ lại phía sau, không ai bị lãng quên.

IMG-1663.JPG
Bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng cho các em học sinh.

Xây dựng mô hình trường học hạnh phúc là một quyết tâm lớn của ngành giáo dục thành phố Thanh Hoá trong công cuộc đổi mới phương pháp dạy và học nhằm đáp ứng tốt hơn những yêu cầu, đòi hỏi mà xã hội, đất nước đang đặt ra. Việc học hỏi, tìm tòi, nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện mô hình trường học có tên gọi “Trường học hạnh phúc”, đó là những việc làm mà thầy và trò các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố Thanh Hoá đang nỗ lực thực hiện nhằm xây dựng một môi trường học tập thân thiện, lành mạnh, văn minh  để “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” bởi các cơ sở giáo dục xác định xây dựng trường học hạnh phúc là một chặng đường dài, không có điểm dừng, đòi hỏi sự thay đổi về thái độ và hành động của nhà trường - gia đình - và toàn xã hội. Mỗi sự thay đổi một tín hiệu mừng, góp phần tạo ra môi trường học tập hạnh phúc cho học sinh. Đây được xem là đích đến của toàn ngành giáo dục. Bởi suy cho cùng, giáo dục chỉ thật sự thành công khi đào tạo ra những công dân hạnh phúc.

 

Thu Hiền