date
Đường dây nóng:

Tâm sự của những người yêu thương trẻ bằng cả trái tim

Đăng lúc: 00:00:00 17/11/2023 (GMT+7)

Nếu như “trái ngọt” của hầu hết những giáo viên khác là sự thành công, đỗ đạt của học trò, thì với những giáo viên của giáo dục chuyên biệt, “trái ngọt” có khi chỉ là một nụ cười, một ánh mắt, một sự tiến bộ dù rất nhỏ của trẻ. Những ngày này, khi cả nước đang hướng đến tri ân, tôn vinh công lao đóng góp của nhà giáo thì với những giáo viên dạy trẻ chuyên biệt thì họ yêu thương trẻ bằng cả trái tim của mình.

IMG_7002.JPG
Cô Mai Thị Trúc hướng dẫn trẻ lắp ghép đồ chơi.

Với nhiều người, ấn tượng đầu tiên khi bước vào một lớp học chuyên biệt  là cảm giác bất an. Sự bất an đó đến từ những tiếng khóc, những tiếng la hét, những ánh mắt sợ hãi, những sự lộn xộn, mất kiểm soát... của học sinh, nhất là những học sinh khiếm khuyết về thần kinh, trí tuệ. Ấy vậy mà những giáo viên của các lớp học này lại có thể dễ dàng kiểm soát tình hình và gắn bó lâu dài với công việc đó. "Phép màu" của họ chính là sự kiên nhẫn đáng ngưỡng mộ.

IMG_7004.JPG
Cô Mai Thị Trúc cùng làm hoa nhân ngày nhà giáo Việt Nam với trẻ tự kỷ.

Chia sẻ về hành trình đến với công việc này, cô Mai Thị Trúc – chủ cơ sở giáo dục hòa nhập Ban Mai (phường Đông Sơn) tâm sự: “Sau khi tốt nghiệp khoa Ngữ văn trường Đại học Hồng Đức, có 1 thời gian được tiếp túc với trẻ tự kỷ, xuất phát từ tình thương và mục tiêu tìm hiểu sâu hơn về những trẻ khiếm khuyết này, vậy là tôi quyết định theo học tiếp 4 năm khoa giáo dục đặc biệt trường sư phạm Hà Nội. Ra trường, gắn bó với lớp học chuyên biệt được 2 năm, do điều kiện cá nhân, tôi về quê cùng với 1 cộng sự mở lớp mầm non giáo dục trẻ hòa nhập cho đến nay”. Qua tìm hiểu, được biết, hiện tại cơ sở giáo dục hòa nhập Ban Mai đã hoạt động được 10 năm, mỗi năm chăm sóc, dạy dỗ và nuôi dưỡng khoảng 35 đến 40 trẻ, trong đó có nhiều cháu phải can thiệp theo giờ. Cơ sở giáo dục hòa nhập này hiện có khoảng 9 giáo viên chuyên chăm sóc và can thiệp hỗ trợ các cháu bị khuyết tật, tự kỷ, nhiều cháu ở tận Bỉm Sơn những bố mẹ vẫn luôn đồng hành cùng các cô giáo nơi đây để can thiệp hỗ trợ các cháu.

Cô giáo Trúc chia sẻ: “Những học sinh tình trạng nặng thường đến lớp trong tình trạng mất kiểm soát hành vi, thiếu hợp tác, không những gây mất trật tự mà còn không tự chủ được vệ sinh. Có những tiết học dành phần lớn thời gian để giải quyết những vấn đề ngoài chương trình. Học sinh  mỗi em một kiểu, nên giáo viên  phải thật sự bao quát và linh hoạt. Thời gian đầu mới nhận, dạy mãi không thấy các em tiến bộ, nhiều giáo viên cũng nản lắm”.Chính sự kiên trì của gia đình và chính các cô giáo đã giúp cho nhiều cháu được hòa nhập đúng nghĩa, trở thành những công dân có ích cho gia đình và xã hội.

IMG_7006.JPG
Cô giáo Trung tâm giáo dục chuyên biệt Bầu Trời Xanh can thiệp trẻ theo giờ.

Tương tự, như Trúc, cô Quánh Thị Thao và Trần Thị Dung là 2 người bạn đều tốt nghiệp khoa tâm lý học, trường Đại học Hồng Đức, sau khi ra trường đi làm một vài năm trải nghiệm thực tế, tích lũy được kinh nghiệm, 2 người cùng nhau mở Trung tâm giáo dục chuyên biệt Bầu Trời Xanh (phường Quảng Thành). Trao đổi  với chúng tôi, chị Trần Thị Dung tâm sư: “Nếu hỏi điều gì khiến tôi tự hào nhất, suy nghĩ đầu tiên xuất hiện trong đầu của tôi chính hình ảnh những em học sinh tiến bộ sau thời gian được dạy dỗ. Có những bạn đã có thể tự chăm sóc cho bản thân sau thời gian đồng hành cùng cô. Quả thật, khi chứng kiến những thay đổi, dù rất nhỏ, của các em, tôi lại như được tiếp thêm động lực để gắn bó với  nghề”. Chị Dung tâm sự thêm:  “Tình trạng của trẻ có nặng, có nhẹ, nhưng ở mức độ nào cũng cần sự kiên trì, bền bỉ. Với những trường hợp nặng, đồng hành với trẻ là một hành trình nhiều thử thách cho cả giáo viên  và phụ huynh”. Hiện tại trung tâm giáo dục chuyên biệt Bầu Trời Xanh cơ sở thành phố Thanh Hóa có 60 học sinh, trong đó có 25 cháu bán trú, số còn lại giáo viên thực hiện can thiệp theo giờ tại trung tâm.

IMG_7005.JPG
Cô giáo trung tâm giáo dục chuyên biệt Bầu Trời Xanh hướng dẫn trẻ chơi các trò chơi.

Những tâm sự rất mộc mạc, giản dị những thực tế của cô Trúc, cô Dung cũng là tậm sự chung của các cô giáo dạy trẻ chuyên biệt. Một 20/11 nữa lại đến, có lẽ không nhiều giáo viên giáo dục chuyên biệt nhận được những tấm thiệp kèm lời chúc từ học trò của mình. Một khi đã quyết định ở lại và gắn bó với vai trò giáo viên đặc biệt này, có lẽ họ cũng không trông đợi nhiều những niềm vui như thế. Với họ, một ngày đi dạy bình thường và những tiến bộ nhỏ của các con bị khuyến khuyết, tự kỷ, có lẽ đã là một “điều kỳ diệu” rất lớn.

 

Thu Hiền