Hội người mù thành phố Thanh Hóa - Nơi giúp đỡ những người khiếm thị
Ngày 25/10/1982, Hội Người mù thành phố Thanh Hóa được thành lập với 13 hội viên. Qua 41 năm hoạt động và phát triển, đến nay, Hội đã phát triển gần 300 hội viên. Từ khi ra đời và đi vào hoạt động đến nay, Hội Người mù TP Thanh Hóa là nơi tập hợp, đoàn kết, giúp đỡ, tạo công ăn, việc làm và thu nhập ổn định cho hội viên và người lao động, qua đó, khẳng định vị thế và năng lực của người mù được xã hội trân trọng và thừa nhận, biết đoàn kết, tự tin, chủ động vươn lên làm chủ bản thân, làm chủ cuộc sống.
Cơ sở sản xuất tăm tre thu hút đông đảo hội viên.
Dân gian có câu “Giàu 2 đôi mắt, khó đôi bàn tay”, đúng vậy với những người khiếm thị, cuộc sống của họ thật khó khăn và thiệt thòi, họ đã không chịu khuất phục trước số phận mà vẫn vươn lên mọi khó khăn, thử thách làm chủ cuộc sống của mình trở thành người có ích cho xã hội. Từ chỗ sống tự ty, khép mình trong gia đình, khi được vào Hội, người mù được học chữ, học nghề, có công ăn việc làm, tham gia các hoạt động xã hội, trình độ nhận thức, hiểu biết kiến thức xã hội được nâng, người mù đã có niềm tin, lạc quan, xoá bỏ mặc cảm tật nguyền, chủ động vươn lên hoà nhập cuộc sống. Thông qua hoạt động Hội đã tạo ra một lớp người mù mới, có học vấn và tay nghề vững vàng, khơi dậy tiềm năng, trí lực của người mù để họ phát huy và đóng góp nhiều hơn cho hoạt động Hội.
Hội người mù thành phố Thanh Hóa quan tâm tặng quà cho các hội viên.
Với ý trí "vượt khó, vươn lên", năm 1994 Hội quyết định đưa nghề tầm quất cổ truyền vào làm dịch vụ. “Vạn sự khởi đầu nan”, với sự kiên trì, chịu khó của tập thể cán bộ hội viên nên nghề tầm quất dần đã có khách hàng, thu nhập của người lao động làm nghề tầm quất được cải thiện rõ rệt, năm sau cao hơn năm trước. Riêng 5 năm trở lại đây, doanh thu của hội đạt gần 20 tỷ đồng, lương bình quân đạt 4 triệu đồng/người/tháng. Trong lao động sản xuất đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, vượt khó vươn lên gắn bó với hội, nhiều hội viên và người lao động nghề tầm quất cổ truyền nói riêng có tay nghề cao, tích cực trong lao động sản xuất nên đã có thu nhập đến 7 - 8 triệu đồng/ tháng.
Chứng kiến đôi bàn tay thoăn thoắt, dắn dỏi với những bài tập tẩm quất cho khách chúng tôi mới cảm nhận được mọi tâm huyết chị Đỗ thị Thúy, sinh năm 1966, phường Đông Cương dành cho nghề. Chị Thúy bị khiếm thị bẩm sinh cả 2 đôi mắt. Từ khi ý thức được bản thân, chị luôn sống trong mặc cảm, tủi thân, nhưng được Hội người mù thành phố Thanh Hóa đến động viên, chia sẽ chị đã không đầu hàng số phận và xin nhập hội vào năm 2000. Do có sức khỏe, chị học nghề tẩm quất và trở thành một tay “đấm bóp” cứng của Hội, được nhiều khách hàng tin tưởng, lựa chọn. Trung bình lương hàng tháng của chị đạt từ 6-8 triệu đồng, có tháng lương của chị đạt gần 10 triệu đồng”.
Nhằm giúp các hội viên có điều kiện phát triển kinh tế, trong những năm qua, ngoài các chính sách ưu đãi của Nhà nước, Hội người mù thành phố Thanh Hóa đã sử dụng nguồn vốn từ quỹ Quốc gia việc làm qua Ngân hàng Chính sách xã hội tín chấp nguồn vốn cho các hội viên vay phát triển kinh tế, với tổng dư nợ hàng trăm triệu đồng. Nguồn vốn vay đã được các hội viên sử dụng đúng mục đích, phát huy tốt hiệu quả, từng bước thoát nghèo với các mô hình như chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng hoa, trồng rau và mở cửa hàng kinh doanh buôn bán nhỏ...Nhiều gia đình hội viên đời sống trước đây còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn nhờ được vay vốn, biết làm kinh tế đã dần cải thiện được đời sống, từng bước thoát nghèo và vươn lên ở mức khá giả, mua sắm được tiện nghi sinh hoạt đắt tiền, làm nhà kiên cố và có điều kiện lo cho con cái ăn học, tiêu biểu như gia đình anh Nguyễn Văn Tiếp, anh Lê Duy Hiền phường Quảng Tâm, gia đình anh Nguyễn Hữu Huấn, chị Lê Thị Nhâm phường Long Anh, Chị Đỗ Thị Thúy, anh Lê Thanh Huân phường Đông Cương, anh Võ Thanh Hùng phường Phú Sơn..
Ngoài việc thực hiện hiệu quả các nội dung tuyên truyền, giáo dục văn hóa, văn nghệ - thể thao cũng là hoạt động không thể thiếu trong đời sống tinh thần của Hội Người mù thành phố, góp phần giáo dục tư tưởng cho hội viên, khơi dậy tinh thần lạc quan, yêu đời, xóa bỏ tự ti, mặc cảm, xây dựng ý chí phấn đấu, hòa nhập cộng đồng. Hàng năm, Hội cũng thường xuyên quan tâm, khuyến khích phong trào văn hóa, văn nghệ, qua đó, khích lệ anh chị em vượt qua tật nguyền của bản thân, vươn lên học tập, lao động, sống có ích cho gia đình và xã hội.
Song song với các hoạt động hội, Công tác chăm lo quan tâm đến đời sống, vật chất, tinh thần cho các hội viên cũng được Hội chú trọng. Với mục tiêu: “Vì Hạnh phúc người mù”, hàng năm từ nguồn kinh phí hỗ trợ của UBND TP, vốn tích luỹ từ sản xuất, dịch vụ và các nguồn huy động hợp pháp khác, hội đã tổ chức thăm và trao hàng trăm suất quà tết cho hơn 650 hội viên và người mù thành phố. Bên cạnh hỗ trợ 1 bữa ăn/ngày cho người lao động, thường xuyên tổ chức cho hội viên đi thăm quan, du lịch, nghỉ mát, hàng tháng, hội còn trích quỹ phúc lợi đóng BHXH, BHYT đầy đủ cho cán bộ, hội viên đang công tác tại Hội. Trong năm năm gần đây, Hội đã chi phúc lợi gần 2,8 tỷ đồng, trao 54.540kg gạo cho 3.250 lượt hội viên. Từ kết quả sản xuất, dịch vụ, vay vốn giải quyết việc làm và chăm sóc đời sống hội viên mà tỷ lệ hộ nghèo đã giảm rất rõ rệt, chỉ còn 0,06% hội viên nghèo.
Lãnh đạo thành phố Thanh Hóa tặng hoa cho Hội người mù thành phố.
Với những thành tích đạt được trong suốt 41 năm qua, hội viên người mù thành phố Thanh Hóa đã được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành của Trung ương và tỉnh. Nhiều cá nhân đã được Chủ tịch Hội Người mù tỉnh, thành phố Thanh Hóa tặng bằng khen, giấy khen vì đã có thành tích tham gia hoạt động hội, các phong trào thi đua và hoạt động sản xuất kinh doanh. Những kết quả trên là niềm tự hào và là động lực để các thế hệ người mù thành phố Thanh Hóa tiếp tục phấn đấu đạt được nhiều thành quả lớn hơn trong sản xuất kinh doanh.
Nhiều cá nhân được khen thưởng.
Để các hội viên Hội Người mù thành phố Thanh Hóa có thêm nhiều việc làm, nâng cao mức sống, giảm nghèo bền vững, thì ngoài các chính sách ưu đãi của Nhà nước, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần có các chính sách ưu tiên đối với các hội viên người mù, đặc biệt là các hội viên có hoàn cảnh khó khăn, nhằm giúp họ vượt lên số phận, hòa nhập với cộng đồng, giống như lời Bác Hồ dạy “tàn nhưng không phế”.
Thanh Xuân
- Niềm vui mang nguồn điện đến mọi nhà
- Chuyện về nữ cựu thanh niên xung phong hết lòng vì cộng đồng
- Vai trò của truyền thông trong công tác tuyên truyền
- Những người gắn bó với truyền thanh cơ sở
- Cô giáo Nguyễn Thị Nghiêm, Bí thư chi bộ - Hiệu trưởng tấm gương học tập và làm theo Bác
- Bí thư chi bộ gương mẫu trong học tập và làm theo Bác
- Trần Thị Thu Phương - Nữ cán bộ đoàn nhiệt huyết, sáng tạo
- Những nữ công nhân môi trường góp phần làm sạch đường phố
- Vai trò của nữ giới trong lãnh đạo quản lý
- Chị Tống Thị Thọ - Chủ tịch công đoàn gương mẫu