date
Đường dây nóng:

Chuyện của những người thầy dạy nghề lái xe ô tô

Đăng lúc: 00:00:00 11/12/2023 (GMT+7)

Tình cờ một hôm ngồi trò chuyện với đám bạn lâu ngày mới gặp nhau, trong câu chuyện của các bạn, nhiều người chia sẻ về tâm tính của mình trước khi học lái xe ô tô. Có bạn nói: trước khi học lái xe ô tô, tôi là một người đi xe máy khá ẩu. Nhưng sau khi học lái, từ những bài học mà tôi được học từ thầy dạy lái xe của mình, tôi đã thay đổi, nghiêm chỉnh hơn, điềm tĩnh hơn khi tham gia giao thông”. Cũng có bạn nói: “Trước khi học lái xe ô tô, tôi khá chủ quan khi tham gia giao thông. Chính thầy dạy lái đã chỉ rõ cho tôi những nguy hiểm có thể xảy ra trên đường và hướng dẫn cho tôi những bài học về văn hoá tham gia giao thông.

Từ những chia sẻ và những lời giới thiệu đầy tôn trọng của các cựu học viên, tôi có cơ hội được lắng nghe câu chuyện làm nghề của những người thầy dạy lái xe ô tô đầy trách nhiệm và tâm huyết. Để đào tạo ra những học viên chất lượng, những người thầy này cũng có rất nhiều điểm chung.

IMG_7401.jpg
Thầy giáo Phạm Việt Cường – Trưởng khoa lý thuyết trường trung cấp nghề giao thông vận tải Thanh Hóa.

Chia sẻ với chúng tôi, thầy giáo Phạm Việt Cường – Trưởng khoa lý thuyết trường trung cấp nghề giao thông vận tải Thanh Hóa, người có 11 năm trực tiếp dạy thực hành lái xe ô tô thổ lộ: “Dù học viên đông hay ít thì tôi vẫn luôn phân loại học viên thành những nhóm khác nhau như nhóm học viên tiếp thu nhanh, nhóm học viên thường bị áp lực tâm lý, nhóm học viên thích thử thách…Từ đặc điểm đó, tôi chọn cách truyền đạt và lên giáo án riêng phù hợp. Điểm chung trong giáo án ở các nhóm chính là thái độ bình tĩnh, kiên nhẫn khi truyền đạt trong mọi tình huống”.

IMG_7403.jpg
Thầy giáo Phạm Việt Cường tại Đại hội chi bộ khoa Lý thuyết lần thứ VII, nhiệm kỳ 2022-2025.

Với 23 năm trong nghề, 11năm trực tiếp dạy thực hành  với phương pháp “bắt mạch” tâm lý học viên, thầy Phạm Việt Cường đã rút ra kinh nghiệm rằng: Giáo viên càng căng thẳng thì học trò càng áp lực, càng áp lực càng khó tiếp thu. Bởi vậy, tôi luôn cố gắng tạo một môi trường thân thiện, cởi mở và thoải mái nhất với tất cả học viên”. Thoải mái, nhẹ nhàng với học viên nhưng thầy Cường luôn có nguyên tắc, kỷ luật trong nghề học viên phải chấp hành mọi quy định về an toàn giao thông, dù người đó là ai hay đang ở đâu.

IMG_7404.JPG
Năm 2011 thầy giáo Phạm Việt Cường được Bộ trưởng Bộ giao thông vật tải tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc nhiệm vụ năm 2009-2010.

“Không như những ngành nghề hay lĩnh vực khác, lái xe liên quan đến tính mạng con người nên cần phải học thật, thi thật,  kết quả thật. Hơn nữa, ý thức tham gia giao thông cần được rèn luyện thành thói quen hàng giờ, hàng ngày. Nếu chỉ đặt mục tiêu bằng lái mà không màng đến an toàn giao thông thì hậu quả, hệ lụy sau này sẽ rất khủng khiếp. Không chỉ truyền dạy kỹ năng, kiến thức, ý thức, thầy Cường và đội ngũ giáo viên của Trường trung cấp nghề giao thông vận tải Thanh Hóa đã góp phần không nhỏ trong xây dựng văn hoá tham gia giao thông một cách văn minh.

Kể về quá trình gắn bó với nghề của mình, thầy Cường chia sẻ: Vốn tốt nghiệp trường Công nhân kỹ thuật lâm nghiệp I Trung ương với chuyên ngành sữa chữa ô tô, sau đó theo các năm với những nỗ lực hoàn thiện của bản thân, thầy Cường đã theo học hàm thụ lái xe các hạng, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm…Trải qua các vị trí công tác khác nhau, từ thợ sữa chữa ô tô của Nhà máy cơ khí giao thông Thanh Hóa đến tham gia các dự án đường hầm giao thông quốc gia, rồi về làm cán bộ kỹ thuật, giáo viên thực hành của trường trung cấp nghề giao thông vận tải cho đến nay đã giữ vai trò vị trí là trưởng khoa lý thuyết của nhà trường.

IMG_7406.JPG
Năm 2022 khoa Lý thuyết do thầy Phạm Việt Cường làm trưởng khoa đã được Giám đốc Sở giao thông vật tải tặng Giấy khen.

Trong quá trình hoạt động của mình, thầy giáo Phạm Việt Cường luôn trách nhiệm, nhiệt tình và tâm huyết với nghề. Thầy là 1 trong những thành viên có nhiều đóng góp trong việc thực hiện Thông tư số 04 của Bộ Giao thông vận tải. Theo đó Khoa lý thuyết đã được BGH Nhà trường giao tổ chức thực hiện việc lắp đặt, quản lý và khai thác dữ liệu về thiết bị giám sát thời gian và quãng đường (DAT) học thực hành lái xe – Bổ sung đưa vào giảng dạy phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông. Triển khai việc tập huấn giáo viên, biên soạn chương trình, bài giảng và tổ chức thực hiện tốt đưa vào giảng dạy phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông, đáp ứng yêu cầu đặt ra trong công tác đào tạo và sát hạch cấp GPLX ô tô.  Đặc biệt khi dịch Covid -19 diễn biến phức tạp, thầy Cường đã đưa ra nhiều giải pháp để vừa chống dịch vừa đảm bảo công tác đào tạo.

Nhờ những nỗ lực của bản thân, thầy Cường đã được các cấp, các ngành tặng nhiều giấy khen;  liên tục nhiều năm là chiến sỹ thi đua cơ sở; năm 2011 được Bộ giao thông vận tải tặng Bằng khen.  

IMG_7408.jpg
Thầy giáo Phạm Văn Hà - Giáo viên tổ thực hành Trung tâm dạy nghề, đào tạo và sát hạnh lái xe – Học viện Cảnh sát Nhân dân.

Khác với chia sẻ của thầy Phạm Việt Cường, thầy giáo Phạm Văn Hà – giáo viên tổ thực hành Trung tâm dạy nghề, đào tạo và sát hạnh lái xe – Học viện Cảnh sát Nhân dân lại cho rằng: “Nếu muốn dạy lái xe ô tô thì có trình độ chuyên môn thôi thì chưa đủ” bởi thầy giáo đào tạo lái xe không có sách bút, phấn bảng, chỉ có sự tận tụy, không quản ngày đêm, mưa nắng để đưa những “chuyến đò” qua sông.  Thầy Hà tâm sự: Làm thầy dạy “vần vô lăng” khá đặc biệt vì thời gian học ngắn nên sau khi lấy bằng hiếm khi thầy trò gặp lại nhau, nhưng đi đến đâu trong tỉnh thì thầy đều được học viên nhớ đến.

IMG_7407.JPG
Thầy giáo Phạm Văn Hà trực tiếp dạy thực hành cho học viên.

14 năm gắn bó với nghề, thầy Hà đã trực tiếp đào tạo cho gần 1000 học viên. Công việc của người thầy đặc biệt này là trên từng cây số trên chiếc xe tập lái, khi ở bên lái chính hướng dẫn học viên, lúc ở bên ghế phụ và chân sẵn sàng đạp phanh phụ khi học viên luống cuống không xử lý được tình huống trên những cung đường thực hành. Sau khi biết kết quả thi đỗ, cũng là lúc thầy trò tạm biệt nhau. Thầy Hà tâm sự: Đối với học viên đủ mọi lứa tuổi, thành phần khác nhau nên để các học viên có kết quả tốt nhất, với trách nhiệm của mình, thầy Hà luôn sát sao, quan tâm đến khả năng, tâm lý của từng người, bám sát chương trình đào tạo, hỗ trợ phụ đạo cho các học viên nhất là các ngày chuẩn bị thi sát hạch.

IMG_7409.JPG
Thầy giáo Phạm Văn Hà được Trung tâm dạy nghề, đào tạo và sát hạnh lái xe – Học viện Cảnh sát Nhân dân tặng giấy khen vì có nhiều thành tích trong công tác tuyển sinh và đào tạo lái xe.

Đối với tôi, những người thực hiện bài viết này lại quan niệm rằng:  Nghề nào cũng cần có chữ “tâm”, nghề dạy học lái xe lại càng phải đề cao chữ “tâm” mới có thể đào tạo nên những người lái xe có trách nhiệm với chính mình và cộng đồng. Xin chúc những người thầy dạy “vần vô lăng” sẽ tiếp tục cống hiến, đóng góp vào công tác đảm bảo ATGT.

 

Thu Hiền