date
Đường dây nóng:

Anh Nguyễn Bá Thanh- người giữ nghề bún truyền thống

Đăng lúc: 00:00:00 01/12/2022 (GMT+7)

Đã từ lâu phường Đông Hương thành phố Thanh Hóa được người dân biết đến là nơi sản xuất bún truyền thống nổi tiếng xứ Thanh. Để lưu giữ được nghề, đòi hỏi phải có những bí quyết riêng và đôi bàn tay tỷ mỉ, đam mê, yêu nghề. Anh Nguyễn Bá Thanh – Chủ cơ sở sản xuất bún truyền thống Thanh Sen, người đã gắn bó và “giữ lửa” nghề bún truyền thống gia đình đã được hơn 20 năm nay.

 IMG-6730.JPG

Cơ sở sản xuất bún truyền thống Thanh Sen, địa chỉ 90, đường Nguyễn Tĩnh, phường Đông Hương.

Đúng 6h sáng, chúng tôi gặp anh Nguyễn Bá Thanh khi anh đang tất bật, hăng say làm ra những sợi bún tươi, ngon, chất lượng để chuẩn bị cung cấp ra thị trường. Anh Thanh cho biết “Sau khi tiếp quản nghề bún truyền thống của gia đình, nhận thấy phương pháp làm bún thủ công cho năng suất không cao, lại không phù hợp với cuộc sống hiện đại, trong khi bún sản xuất ra không đủ cung cấp cho khách hàng. Sau một thời gian nghiên cứu, tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm làm bún ở Hà Nội, Nam Định, năm 2002 anh Thanh bàn với gia đình nhập giây chuyền sản xuất bún theo công nghệ hiện đại gồm: Máy vo gạo, thùng ngâm gạo, máy xay bột, máy ép nước, máy quấy bột, máy ép sợi…với tổng số tiền gần 500 triệu đồng. Sự khác biệt nằm ở phương thức làm bún lâu năm kết hợp việc ứng dụng công nghệ dây chuyền hiện đại, nên sản xuất ra được nhiều bún hơn, nhanh hơn, sợi bún làm ra đảm bảo sạch, có độ dai, ngon và vẫn giữ được hương vị vốn có của bún cổ truyền xưa”.

IMG-6731.JPG
Toàn cảnh
cơ sở sản xuất bún của gia đình anh Nguyễn Bá Thanh.

Được biết, nguyên liệu dùng để làm bún của gia đình anh Thanh là loại gạo thuần chủng với quy trình sản xuất khép kín, áp dụng phương thức sản xuất mới trên dây chuyền hiện đại, không sử dụng hóa chất, được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Để sợi bún làm ra đảm bảo sạch, có độ dai, ngon, chất lượng, cơ sở thực hiện hiện đúng quy trình gồm: Ngâm gạo, nghiền ướt, ủ lên men, ép nước chua, nhào trộn, ép đùn, luộc làm chín sợi bún. Anh Thanh cho biết: quy trình sản xuất bún khâu nào cũng quan trọng, nhưng quan trọng nhất vẫn là phần ép nước chua - công đoạn quan trọng trong quy trình sản xuất bún truyền thống vì giai đoạn này rất quan trọng ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng bún và khả năng bảo quản sau này. Bún có để được lâu hay không một phần dựa vào hiệu quả của quá trình này.

IMG-6732.JPG

IMG-6733.JPG
Các q
uy trình sản xuất bún tại cơ sở sản xuất bún truyền thống Thanh Sen.

Bình quân mỗi ngày cơ sở bún của anh Thanh sản xuất ra 1 tấn bún tươi các loại như: Bún rối, bún lá, bún sợi vừa... đáp ứng theo yêu cầu của khách hàng. Bún của anh Thanh làm ra đến đâu bán hết đến đó, khách hàng của anh là các cơ sở kinh doanh ăn uống trên địa bàn thành phố và các hộ gia đình lân cận. Với giá bình quân là 10.000 đồng/1kg. Anh tạo công ăn việc làm ổn định cho 10 lao động với mức lương trung bình từ 7-8 triệu đồng/người/tháng. Từ sự năng động, dám nghĩ, dám làm, anh Thanh đã trở thành tấm gương sáng về phát triển kinh tế tại địa phương, góp phần giữ gìn và phát huy hiệu quả nghề truyền thống trên địa bàn phường.

Sản phẩm bún truyền thống có thương hiệu và được người tiêu dùng đón nhận thì bản thân người giữ lửa phải có cái tâm, giữ gìn và đổi mới phù hợp. Có như vậy, những hương vị từ sợi bún truyền thống của gia đình sẽ được lưu truyền và gìn giữ mãi đến đời sau.

 

Thanh Xuân