date
Đường dây nóng:

Những người con Nam Ngạn góp phần làm nên chiến thắng Hàm Rồng

Đăng lúc: 00:00:00 31/03/2021 (GMT+7)

Làng Nam Ngạn nằm ở phía Đông Bắc thành phố Thanh Hóa, cách cầu Hàm Rồng khoảng 800m, không chỉ có cảnh đẹp non nước “trên bến dưới thuyền”, xóm làng cổ kính trù phú, cây lá xanh tươi mà Làng Nam Ngạn còn là nơi chứng kiến biết bao sự kiện lịch sử đã diễn ra trên mảnh đất này. Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, người dân Nam Ngạn đã phát huy truyền thống yêu nước của cha ông hăng hái tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu.

Năm 1965, khi quyết định mở cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ra miền Bắc, giới quân sự Mỹ đã coi cầu Hàm Rồng là “điểm tấn công lý tưởng” nhằm cắt đứt tuyến đường giao thông huyết mạch chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Vì vậy, chỉ trong 2 ngày 3-4/4/1965, Mỹ đã huy động tới 454 lượt máy bay, ném hàng nghìn tấn bom xuống mảnh đất nhỏ bé chưa đầy 1km vuông này. Trận đánh trả máy bay Mỹ diễn ra trong 2 ngày lịch sử ấy, dưới lửa phòng không của quân, dân Nam Ngạn - Hàm Rồng đã thiêu rụi 47 máy bay hiện đại của Mỹ, hai tên giặc lái bị bắt sống, bảo vệ an toàn cầu Hàm Rồng. Chiến thắng này trở thành  mốc  son chói lọi trong hành trình hàng nghìn ngày chống trả không lực Hoa Kỳ của cả dân tộc Việt Nam.

Đóng góp chung vào Hàm Rồng chiến thắng có rất nhiều lực lượng tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, trong đó có Đại đội dân quân Tiểu khu Nam Ngạn (thị xã Thanh Hóa). Đại đội được thành lập năm 1964, ngoài ra còn có 1 Trung đội nữ, 4 tiểu đội dân quân, xây dựng 3 trận địa quanh làng. Quân dân Nam Ngạn được cấp trên giao nhiệm vụ hợp đồng chiến đấu với các đơn vị của bộ đội. Xác định được nhiệm vụ lâu dài đấu tranh chống đế quốc Mỹ, Nhân dân trong làng đã tham gia đào hầm, đào hào trú ẩn, đào đắp công sự, ụ pháo.Trận chiến đấu ngày 3-4/4/1965, lần đầu tiên đánh máy bay phản lực Mỹ, dân quân tự vệ đã dùng súng bộ binh bắn trả quyết liệt. Mặc dù trận địa bị bom cày xới nhưng dân quân Nam Ngạn vẫn anh dũng chiến đấu. Những đồng chí được phân công phục vụ chiến đấu đã không sợ hy sinh, cứu chữa, vận chuyển thương binh, tử sĩ, chuyển đạn cho bộ đội, thay thế pháo thủ, hướng dẫn nhân dân xuống hầm trú ẩn, giữ vững an ninh trật tự. Làng Nam Ngạn đã phải hứng chịu nhiều cuộc tấn công ném bom của máy bay Mỹ. Trong khói lửa bom đạn quân thù đã xuất hiện nhiều tấm gương anh dũng, tiêu biểu là Nữ dân quân Ngô Thị Tuyển - Người con gái ưu tú của quê hương Nam Ngạn, không quản thân gái nơi chiến trường đã tham gia tiếp lương thực, tải đạn cho các chiến sĩ chiến đấu. Đặc biệt trong trận đánh lịch sử ngày 26/5/1965, chị đã vác cùng lúc 2 hòm đạn nặng 98 kg vượt qua đê, chuyển ra bờ sông tiếp viện kịp thời cho anh em bộ đội. Với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu, nữ dân quân vinh dự được tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công hạng ba, 3 lần được gặp Bác Hồ, 6 lần được tặng Bằng khen, Giấy khen. Ngày 1/1/1967, Nữ dân quân Ngô Thị Tuyển được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân.

IMG_4565.JPG

Nữ dân quân Ngô Thị Tuyển vác 2 hòm đạn nặng 98kg (Nguồn tư liệu)

Trong chiến tranh, mỗi người dân Nam Ngạn chỉ nghĩ đến sự trường tồn của quê hương, của cây cầu Hàm Rồng mà quên đi sự khốc liệt của bom đạn quân thù. Ở Nam Ngạn gia đình nào cũng có người tham gia chiến đấu, có gia đình có tới 4 người con tham gia chiến đấu rất anh dũng, nêu tấm gương chiến đấu quên mình, hy sinh quả cảm cho đất nước. Các chiến sĩ nữ như: Đại đội trưởng Nguyễn Thị Hằng bị thương vẫn không rời vị trí chỉ huy. Chị Lê Thị Dung hy sinh dũng cảm trên tàu khi hiệp đồng chiến đấu với hải quân ta. Đặc biệt sư thầy Đàm Xuân, trụ trì chùa Mật Đa đã cùng với bà con làng Nam Ngạn tích cực tham gia nấu cơm, nấu nước đưa lên trận địa tiếp tế cho bộ đội. Sư thầy còn trực tiếp tham gia vào việc chăm sóc thương binh, cho dân quân lấy cánh cửa Chùa ra làm cáng cứu thương, chặt dừa của Chùa mang ra trận địa cho bộ đội. Sân chùa vừa là Sở chỉ huy, vừa là nơi sơ cứu thương binh.Chùa Nam Ngạn còn là nơi đi về của bộ đội Hàm Rồng trong những năm đánh Mỹ.

Với chiến công này, Nam Ngạn là làng đầu tiên trên miền Bắc sáng tạo ra mô hình chiến tranh Nhân dân, chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Mô hình "cả làng ra trận”, “cả nhà ra trận”, xứng đáng được tuyên dương đơn vị anh hùng đợt đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đại đội dân quân Tiểu khu Nam Ngạn được Quốc hội và Nhà nước tặng hai Huân chương chiến công Hạng Nhất, 10 cá nhân được tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Nhất.

IMG_4564.JPG

Một góc phường Nam Ngạn hôm nay

Chiến tranh đã lùi xa 56 năm, đến với Nam Ngạn hôm nay không còn những cánh đồng dày đặc hố bom, đạn năm xưa, những ngôi nhà cháy đen, đổ sập. Thay vào đó là những trường học, công sở, các công trình văn hóa đã và đang được xây dựng, cuộc sống đã hồi sinh từ bàn tay lao động cần cù của người dân nơi đây. Cây cầu Hàm Rồng vẫn sừng sững hiên ngang nối đôi bờ sông Mã như một minh chứng hùng hồn cho ý chí quật cường của người dân Nam Ngạn nói riêng và người dân Thanh Hóa nói chung. Tiếp nối truyền thống cha ông, những người con Nam Ngạn hôm nay đang ra sức thi đua, học tập, lao động sản xuất, nhiều công trình phúc lợi, nhà cao tầng được xây dựng mới; đa số các tuyến đường giao thông đều được nâng cấp, rải nhựa, đổ bê tông; công tác trật tự đô thị, vệ sinh môi trường được thực hiện tốt, các tụ điểm phức tạp về trật tự đô thị, ô nhiễm vệ sinh môi trường được giải quyết triệt để. Chất lượng dạy và học ở các trường từng bước được nâng lên, số giáo viên, học sinh giỏi, học sinh thi đậu vào các trường đại học năm sau cao hơn năm trước. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đô thị văn minh – công dân thân thiện” được triển khai sâu rộng, từng bước làm cho bộ mặt phố, phường xứng đáng với danh hiệu “Phường đạt chuẩn văn minh đô thị ”, “Nam Ngạn Anh hùng”.



Trần Ngọc