date
Đường dây nóng:

Bài 3: Ý nghĩa chiến thắng Điện Biên Phủ, vận dụng cho công tác giáo dục quốc phòng, an ninh hiện nay

Đăng lúc: 00:00:00 06/05/2024 (GMT+7)

Xuất phát từ vị trí, vai trò của công tác giáo dục quốc phòng, an ninh đã nêu trên, do vậy, để phát huy giá trị lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, công tác giáo dục quốc phòng, an ninh cần quán triệt sâu sắc nhiều bài học.

IMG_0908.jpg
Ảnh minh hoạ.

Một là, phải thường xuyên giáo dục, bồi dưỡng, phổ biến cho mọi đối tượng  kiên định với mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng. 

Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng là điều kiện tiên quyết để thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đã được thể hiện rõ trong các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trước bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định, khó dự báo; cơ hội và thách thức, đối tượng và đối tác đan xen; trong khi đó các thế lực thù địch, phản động đẩy mạnh chống phá cách mạng nước ta thông qua “diễn biến hòa bình” và nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi, thâm độc, đòi hỏi chúng ta càng phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng.

Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả đường lối đổi mới toàn diện, đồng bộ của Đảng; lấy phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; tăng cường quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Trong quá trình thực hiện, phải kiên định các mục tiêu, nguyên tắc chiến lược; linh hoạt, mềm dẻo về sách lược; vừa hợp tác, vừa đấu tranh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh, lấy bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc là mục tiêu tối thượng; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng, phát triển đất nước giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội. Kiên quyết bảo vệ đường lối, quan điểm, nền tảng tư tưởng, giữ vững sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, toàn xã hội và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta.

Hai là, công tác giáo dục quốc phòng, an ninh phải trực tiếp tục phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc gắn với sức mạnh thời đại trong điều kiện mới; khơi dậy khát vọng vươn lên của dân tộc Việt Nam.

Đây là một yêu cầu vừa cấp thiết, vừa mang tính chiến lược lâu dài đối với cách mạng Việt Nam; là nhiệm vụ chính trị quan trọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Theo đó phải tập trung kiện toàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, tăng cường vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức thành viên; thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở; phát huy hơn nữa quyền làm chủ của nhân dân. Tiếp tục xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, bồi đắp niềm tin, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc.

Lịch sử của dân tộc cũng như Chiến thắng Điện Biên Phủ đã chứng minh, sự đoàn kết và kỷ luật là cội nguồn sức mạnh của Đảng và là hạt nhân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Công tác giáo dục quốc phòng, an ninh phải trực tiếp góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ, chủ động ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, xây dựng Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Qua đó, tập hợp lực lượng, tạo xung lực chính trị và tinh thần, phát huy trí tuệ, sức mạnh của toàn dân để thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, sức mạnh dân tộc cần phải gắn kết chặt chẽ với sức mạnh thời đại.  Công tác giáo dục quốc phòng, an ninh phải tập trung quán triệt cho mọi đối tượng hiểu biết và thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại của Đảng với phương châm: độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, hướng tới đẩy mạnh, nâng tầm đối ngoại đa phương và song phương; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Thông qua đó, tận dụng các nguồn lực và tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, tạo môi trường hòa bình, điều kiện thuận lợi để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phát huy tinh thần quyết chiến, quyết thắng của Chiến dịch Điện Biên Phủ, Công tác giáo dục quốc phòng, an ninh phải bồi dưỡng cho mọi đối tượng người học có ý chí, niềm tin, khát vọng vươn lên, xây dựng đất nước Việt Nam thịnh vượng. Biến quyết tâm thành hành động, thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Ba là, công tác giáo dục quốc phòng, an ninh cho các đối tượng phải quán triệt sâu sắc tinh thần, quan điểm độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường gắn liền với đoàn kết, hợp tác quốc tế trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đồng thời là chiến thắng của tình đoàn kết chiến đấu bền chặt, thủy chung, son sắt giữa quân đội, nhân dân ba nước Đông Dương và sự đoàn kết, giúp đỡ, ủng hộ của các nước anh em và bạn bè quốc tế. Do vậy, công tác giáo dục quốc phòng, an ninh hiện nay cho các đối tượng phải quán triệt sâu sắc tinh thần, quan điểm độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường gắn liền với đoàn kết, hợp tác quốc tế trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, cụ thể là: Phải kiên định quan điểm độc lập, tự chủ; đồng thời, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; xử lý hài hòa lợi ích dân tộc và lợi ích quốc tế. Bảo đảm giữ vững độc lập, tự chủ về chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại trong tình hình mới, phát huy sức mạnh tổng hợp, phát huy cao nhất nội lực đi đôi với tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài. Thực hiện sáng tạo phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”; thực hiện trường phái đối ngoại, ngoại giao Việt Nam rất đặc sắc và độc đáo, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam” như Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, đó là: Gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển. “Vững ở gốc” là nguyên tắc vì lợi ích quốc gia - dân tộc để phục vụ, độc lập - tự chủ trong đường lối đối ngoại, lấy thực lực làm gốc. “Chắc ở thân” là những phương thức tạo nên sức mạnh, trong đó sức mạnh đoàn kết là nhân tố sống còn. Sức mạnh của Việt Nam còn ở tính chính danh, chính nghĩa, cách ứng xử nhân văn, thủy chung, thượng tôn pháp luật và phù hợp với xu thế tiến bộ của thời đại. Còn “uyển chuyển ở cành” là phong cách, nghệ thuật ứng xử linh hoạt, nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, đặc biệt trong các hoàn cảnh khó khăn, có sự phức tạp giữa những xu thế khác nhau, giữa đòi hỏi phải hài hòa cái chung và cái riêng. Theo đó phải coi trọng và xử lý đúng đắn, linh hoạt, hài hòa quan hệ giữa các nước lớn, dựa trên vị trí địa chiến lược của đất nước và lợi ích chiến lược của quốc gia. Cần tiếp tục giữ vững tính độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường; kiên định thực hiện chính sách không đi với nước này chống nước kia, không tham gia liên minh quân sự, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, giải quyết các tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ bằng giải pháp hòa bình, tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, cảnh giác, ngăn ngừa sự thỏa hiệp giữa các nước liên quan đến chủ quyền, lợi ích của Việt Nam. Kiên quyết đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Thực hiện vừa hợp tác vừa đấu tranh quốc phòng một cách linh hoạt, sáng tạo; lấy hợp tác là chính, đấu tranh để hợp tác tốt hơn. Triển khai các hoạt động hội nhập quốc tế, đối ngoại quốc phòng theo phương châm: “Tích cực, chủ động, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả”. Chủ động dự báo, xử lý linh hoạt mọi tình huống, không để rơi vào thế bị động, đối đầu. Tích cực tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế, khu vực, Cộng đồng ASEAN ở mức cao hơn, hiệu quả thiết thực hơn; trong đó có tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, v.v. Xây dựng đất nước giàu mạnh về mọi mặt; kinh tế phát triển nhanh, bền vững, giảm sự phụ thuộc vào bên ngoài; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ làm động lực; tăng cường quốc phòng, an ninh; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại; tạo sức mạnh tổng hợp, tăng cường vị thế quốc tế, tạo điều kiện để giữ vững độc lập, tự chủ, tự lực tự cường trong hội nhập quốc tế. Xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có lực lượng tiến nhanh lên hiện đại, làm trụ cột, nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng và triển khai Chiến lược Hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng theo tư tưởng Hồ Chí Minh, phù hợp với tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc; gắn kết chặt chẽ, tận dụng kết quả và tạo điều kiện thuận lợi cho hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực khác, tạo thành một thể thống nhất trong chiến lược đối ngoại của quốc gia.

Bốn là, công tác giáo dục quốc phòng, an ninh phải tăng cương hơn nữa giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc.

Chiến thắng Điện Biên Phủ - biểu tượng vĩ đại của lòng yêu nước, để phát huy giá trị của lòng yêu nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, công tác giáo dục quốc phòng, an ninh phải tăng cường  nâng cao nhận thức của học sinh, sinh viên, thanh niên, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về lòng yêu nước, về lý tưởng cách mạng và sự kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; làm cho mỗi người Việt Nam nhận thức rõ thực hành yêu nước là một trong những nhân tố quan trọng góp phần làm nên thắng lợi của sự nghiệp cách mạng 94 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng. Lòng yêu nước ấy, tinh thần yêu nước ấy rất cụ thể và sinh động, hiển hiện trong mỗi việc làm hằng ngày của mỗi người tại mỗi cơ quan, đơn vị, gia đình và trong cộng đồng. Đó chính là ý thức chấp hành pháp luật, là tinh thần là cần, kiệm, liêm, chính, nỗ lực góp sức dựng xây quê hương, đất nước, kiên quyết chống tham ô, tham nhũng, lãng phí, quan liêu; là lối sống giản dị, chan chứa tình yêu thương con người, không vô cảm trước khó khăn của đồng chí, đồng bào, sẻ chia và cùng chung sức giúp đỡ lẫn nhau khi gặp nguy nan, thử thách. Giáo dục lòng yêu nước, tinh thần yêu nước phải trở thành động lực để trước hết gắn kết mọi người dân Việt Nam trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Yêu nước đồng nghĩa với yêu đồng bào và cao hơn chính là trân trọng truyền thống lịch sử cách mạng, gắn bó và bảo vệ chế độ, bảo vệ Đảng; trung thành với sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Vì thế, cần thấm nhuần sâu sắc và chú trọng xây dựng lòng yêu nước, đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước; đồng thời, chăm lo xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách... Đặc biệt đối với thế hệ trẻ - lực lượng kế cận, rường cột của nước nhà, thì việc giáo dục lòng yêu nước là phải dạy cho học trò biết yêu nước, thương nòi, có chí tự lập, tự cường, quyết không chịu thua kém ai, quyết không chịu làm nô lệ, để mỗi người trở thành người công dân có tài và có đức, kiên định và tiếp tục sự nghiệp cách mạng của cha anh, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hội nhập và phát triển bền vững trong xu thế toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế.

Năm là, công tác giáo dục quốc phòng, an ninh phải  tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện, ngày càng hiện đại, tạo nền tảng bảo vệ vững chắc Tổ quốc “từ sớm, từ xa”. 

Dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, nền tảng chính trị - tinh thần, ý chí quyết chiến, quyết thắng, sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân Việt Nam được phát huy lên tầm cao mới. Để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước trong bối cảnh hiện nay, đòi hỏi phải không ngừng củng cố, tăng cường tiềm lực, sức mạnh quốc phòng theo hướng mạnh toàn diện, ổn định lâu dài, ngày càng hiện đại. Trong đó, đặc biệt coi trọng xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, nhất là trên các địa bàn chiến lược trọng điểm, biên giới, biển đảo. Đây là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.

Các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt chủ trương chiến lược của Đảng về xây dựng khu vực phòng thủ, trong đó cốt lõi là xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc ngay từ cơ sở; tạo nền tảng để xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân vững mạnh; phòng ngừa, xử lý hiệu quả các tình huống về quốc phòng, an ninh; làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động; không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Sáu là, công tác giáo dục quốc phòng, an ninh phải làm cho mọi người quán triệt và thực hiện quan điểm xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, nòng cốt là Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Trước yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, chúng ta cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, nắm vững đường lối chính trị, quân sự của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh, tập trung xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh toàn diện, trước hết là vững mạnh về chính trị, có chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu cao, có cơ cấu, thành phần hợp lý, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng lực lượng, bảo đảm thực sự là lực lượng chính trị tin cậy, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Trong đó, đẩy mạnh xây dựng "Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội, Công an tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Xây dựng cấp uỷ, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong Quân đội và Công an tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân, kiên định với mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, bảo đảm chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong mọi tình huống. Xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu và dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp trên các vùng, miền, trên biển. Quan tâm xây dựng lực lượng bảo đảm trật tự, an toàn xã hội cơ sở đáp ứng đòi hỏi của nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự ở cơ sở.". Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với lực lượng vũ trang.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, giáo dục và đào tạo, nghiên cứu khoa học, hậu cần, kỹ thuật, công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh; chăm lo thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, nhất là đối với người có công với cách mạng, gia đình liệt sĩ, thương bệnh binh. Các đơn vị lực lượng vũ trang phải thường xuyên nêu cao cảnh giác, chủ động nắm, dự báo chính xác tình hình; phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ, xử lý kịp thời, có hiệu quả các tình huống quốc phòng, an ninh, không để bị động, bất ngờ, cả về chiến lược và xử lý các trường hợp cụ thể. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và phong trào Thi đua Quyết thắng trong toàn quân; tăng cường kỷ luật quân đội, giữ vững sự đoàn kết, thương yêu, gắn bó giữa cán bộ và chiến sĩ, đoàn kết quân - dân; kiên quyết đấu tranh phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, làm thất bại âm mưu “phi chính trị hóa”, “dân sự hóa” lực lượng vũ trang của các thế lực thù địch.

Trải qua gần 80 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn thể hiện rõ bản chất, truyền thống của một đội quân cách mạng, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu; là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào, Quân đội ta cũng luôn đoàn kết, gắn bó máu thịt với nhân dân, nêu cao tinh thần mưu trí, dũng cảm, quyết chiến, quyết thắng, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, xứng đáng với danh hiệu cao quý “Bộ đội Cụ Hồ”, là Quân đội anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng.

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, công  tác giáo dục quốc phòng, an ninh phải trực tiếp góp phần  phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, ý chí quyết chiến, quyết thắng, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta chung sức đồng lòng, gắn kết sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc với sức mạnh thời đại, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển, xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu hằng mong muốn.

 

Thu Hiền BT - Quốc Du (BCH quân sự thành phố)