Nguy cơ mất an toàn giao thông từ việc phơi lúa trên đường
Thời điểm này, người dân đang tập trung thu hoạch lúa mùa. Bên cạnh niềm vui được mùa thì vẫn còn những lo lắng xen lẫn do tình trạng ở nhiều nơi trên địa bàn thành phố Thanh Hoá, Nhân dân đã tự ý phơi lúa ngay trên các tuyến đường giao thông. Điều này không chỉ gây mất mĩ quan đô thị mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Theo ghi nhận của chúng tôi, những ngày qua, tuyến đường Nguyễn Phục (gần cầu Trại) thuộc địa bàn phường Quảng Thắng, tình trạng người dân đã tự ý phơi lúa ra đường giao thông diễn ra phổ biến. Điều này khiến mặt đường bị thu hẹp đồng nghĩa với việc các phương tiện lưu thông qua đây gặp rất nhiều khó khăn. Đáng nói là những người dân mặc dù nhận thức rõ hành vi của mình là sai và có thể gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, nhưng với lý do không có sân phơi nên vẫn cố tình vi phạm.
Người dân tự ý phơi lúa trên đường Nguyễn Phục (gần cầu Trại) thuộc địa bàn phường Quảng Thắng. (Ảnh chụp lúc 14h ngày 18/5/2024).
Ngoài việc thu hẹp lòng đường, cản trở giao thông, việc phơi lúa ngoài đường khiến một số phương tiện, nhất là xe máy có thể bị trượt ngã khi đi vào. Bên cạnh đó, một số hộ dân còn trải bạt để phơi lúa, sử dụng gạch, đá nhằm cố định phần bạt, thậm chí còn để cành cây chắn lấn thêm phần đường ngoài phạm vi phơi lúa.
Một người dân cho biết: “Chúng tôi cũng biết phơi ngoài đường có ảnh hưởng đến an toàn giao thông nhưng do nhà không có sân phơi tôi nên tranh thủ phơi ngoài đường. Vả lại khi thu hoạch lúa chúng tôi cũng chỉ tận dụng quãng thời gian ngắn 2 - 3 ngày để phơi nên mong người lưu thông trên đường thông cảm”.
Vẫn biết nhu cầu về sân phơi lúa vào mùa thu hoạch là rất lớn và quan trọng, nhưng việc tận dụng đường giao thông để phơi là điều không nên.
Thực tế đã xảy ra không ít vụ tai nạn giao thông mà nguyên nhân chính là do việc phơi lúa trên đường. Để xảy ra tình trạng trên, bên cạnh ý thức của người dân chưa cao, còn do công tác tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương chưa được chú trọng đúng mức. Các cơ quan chức năng cũng chưa quyết liệt xử lý triệt để những vi phạm.
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ cũng quy định mức phạt tiền từ 100 nghìn đồng đến 200 nghìn đồng đối với cá nhân, từ 200 nghìn đồng đến 400 nghìn đồng đối với việc "phơi thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản trên đường bộ; đặt máy tuốt lúa trên đường bộ. Ngoài ra, người vi phạm còn phải “buộc phải thu dọn thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản, thiết bị trên đường bộ”. Người có hành vi phơi lúa trên đường nếu để xảy ra tai nạn, xâm phạm tính mạng, sức khoẻ của người khác thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định. Tùy vào mức độ nguy hiểm và hậu quả xảy ra, người vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, hy vọng trong thời gian tới trên địa bàn thành phố Thanh Hoá sẽ chấm dứt được tình trạng phơi lúa trên đường giao thông để đảm bảo mĩ quan, tránh ô nhiễm môi trường và những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.
Thu Hiền
- Nguy cơ mất an toàn giao thông từ việc phơi lúa trên đường
- Tháng 5 rợp trời hoa phường đỏ
- Thành phố Thanh Hóa rộn ràng sắc xuân
- Thị trường Hoa Lan ngày Tết
- Nhộn nhịp thị trường phụ kiện, trang trí Tết nguyên đán
- Phong phú thị trường đồ trang trí Tết cổ truyền
- Thị trường lịch năm 2024
- Ùn tắc giao thông trước cổng trường – Ý thức của một số phụ huynh còn rất kém
- Những gánh hàng hoa chở “mùa thu Hà Nội” đã xuất hiện ở thành phố Thanh Hóa
- Thực trạng và giải pháp về trật tự đô thị tại khu vực đường Mai An Tiêm dọc sông Cầu Cốc