date
Đường dây nóng:

Nguy cơ cháy nổ tại các cơ sở thu gom phế liệu

Đăng lúc: 00:00:00 04/01/2021 (GMT+7)

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Thanh Hóa có hàng chục cơ sở thu gom phế liệu nằm rải rác ở các khu dân cư. Hầu hết các cơ sở đều chưa thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao.

Dạo qua một số tuyến phố như: Hải Thượng Lãn Ông và Quang Trung 3 tại phường Đông Vệ, Đội Cung và Trần Xuân Soạn tại phường Đông Thọ,… không khó bắt gặp những cơ sở thu gom phế liệu nằm trong khu dân cư. Các cơ sở hầu hết lúc nào cũng đắp đầy các mặt hàng phế liệu từ bìa các tông, sắt vụn, giấy, báo, chai lọ, thùng nhựa, xốp, nhôm, thậm chí còn cả các loại thùng chứa dầu, nhớt, ắc quy, ga, pin, thuốc bảo vệ thực vật…được chất đống lộn xộn trong căn nhà cấp 4 hoặc kho, bãi xuống cấp. Hàng hóa tập kết tạm bợ, lối đi nhỏ, hẹp, hệ thống dây điện chằng chịt, sơ sài, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ. Mặt khác, do phế liệu nhiều và được tập trung ngoài trời nên khi trời mưa, nước chảy tràn lên phế liệu có lẫn các loại chất thải khác nhau, kể cả chất thải nguy hại. Trong khi đó, đa số các cơ sở kinh doanh phế liệu chưa đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải đúng quy định, vì thế nước thải được đổ ra môi trường hoặc tự thấm vào lòng đất, gây mùi xú uế, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân sống trong khu vực. Bà Nguyễn Thị Hòa, phường Đông Vệ cho biết: “Nhà tôi ở gần một điểm thu mua phế liệu, hàng ngày, mùi hôi thối bốc lên rất khó chịu. Các gia đình trong phố đều lo ngại ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường sống.”

IMG20201223161650.jpg

Cơ sở thu gom phế liệu đường Hải Thượng Lãn Ông tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ

Là địa phương có nhiều cơ sở thu gom phế liệu nên từ lâu xã Thiệu Dương được ví như làng thu gom phế liệu, là nghề sinh sống của nhiều người dân nơi đây. Phế liệu chất thành từng đống lớn ở các kho, bãi tại thôn 5 chiếm hết lối đi, mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường. Không ít hộ vì thiếu đất làm nghề đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp để dựng lán xưởng, tập kết, tái chế phế liệu... Mặc dù, nhiều cơ sở xuất trình được giấy cam kết bảo vệ môi trường và phòng cháy chữa cháy do cơ quan chức năng cấp, tuy nhiên, những gì diễn ra thực tế lại không như vậy. Theo quan sát của phóng viên, các cơ sở này như một “bãi chiến trường”, nhếch nhác, lộn xộn, phế liệu được thu gom từ nhiều nguồn khác nhau, đủ chủng loại như bao bì, giấy, sắt, thép, nhựa, nilon,... nằm la liệt từ trong xưởng ra tận ngoài ngõ, bốc mùi xú uế, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, gây lo ngại và ảnh hưởng cuộc sống người dân xung quanh.

IMG20201223154122.jpg

Phế liệu chất đống ngổn ngang tại nhà ông Nguyễn Văn Thảo, xã Thiệu Dương

Theo quy định, các cơ sở kinh doanh phế liệu phải đáp ứng những yêu cầu bắt buộc gồm giấy phép kinh doanh, cam kết bảo vệ môi trường, có kho bãi, xa khu dân cư, có hệ thống phòng chống cháy nổ... Tuy nhiên, trên địa bàn thành phố, phần lớn các cơ sở thu mua phế liệu đều của tư nhân, kinh doanh nhỏ lẻ, nằm xen kẽ trong các khu dân cư và hoạt động tự phát. Trong quá trình hoạt động không đảm bảo các điều kiện vệ sinh môi trường, phòng cháy, chữa cháy, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống của các khu dân cư, gây mất an toàn cháy nổ, thiệt hại về kinh tế và đe dọa tính mạng người dân.

Để hạn chế tình trạng trên, thiết nghĩ, các ngành chức năng từ thành phố đến các phường, xã cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở thực hiện Luật Bảo vệ môi trường; đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới các chủ cơ sở kinh doanh, nâng cao ý thức phòng, chống cháy nổ, đảm bảo vệ sinh môi trường. Đồng thời, xử phạt nghiêm hoặc chấm dứt kinh doanh các trường hợp không thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và phòng chóng cháy nổ.

Thanh Xuân