date
Đường dây nóng:

Hiệu quả các mô hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TP Thanh Hóa

Đăng lúc: 00:00:00 04/11/2020 (GMT+7)

Để đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp thành phố theo hướng hàng hóa tập trung, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, trong những năm gần đây, thành phố Thanh Hóa đã chỉ đạo các địa phương thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo giá trị kinh tế cao bằng những mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, giúp ổn định đời sống cho người nông dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Do nắm bắt được Lào và Thái Lan là 2 thị trường tiêu thụ rất lớn lượng chanh không hạt nên anh Nguyễn Đình Thung ở thôn 4, xã Thiệu Khánh đã mạnh dạn thuê lại đất nông nghiệp trồng lúa kém hiệu quả của các hộ dân ở vùng đất ruộng thuộc mảnh 7, thôn 4, xã Thiệu Khánh đầu tư trồng thử nghiệm giống chanh không hạt. Với diện tích gần 5ha, anh trồng 4.000 gốc chanh. Dự tính sau 3 năm trồng sẽ thu hoạch được 120 tấn chanh và cho lợi nhuận khoảng 2 tỷ đồng/năm.


nong nghiep.jpg

Nguyễn Đình Thung  đang chăm sóc vườn chanh không hạt của gia đình

Từ 1 xã thuần nông trước đây, nay phường Đông Cương đã có hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp, đó là nhờ vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn thuê lại đất ruộng của các hộ dân có diện tích cấy lúa kém hiệu quả để đầu tư trồng các loại hoa, cây ăn quả, vật nuôi cho giá trị kinh tế cao kết hợp trồng các loại rau màu khác, mỗi năm cho thu hoạch từ 250 đến 650 triệu đồng. Đến nay, toàn phường đã chuyển đổi được hơn 170ha, trong đó có hơn 200 hộ quy hoạch lại diện tích, chuyển đổi đưa các loại cây, con có giá trị kinh tế cao, phù hợp với sức đầu tư về lao động, nguồn vốn để đưa vào sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập cho gia đình, đồng thời tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Một số mô hình sản xuất nông nghiệp của phường Đông Cương đã được lãnh đạo và hội viên hội nông dân xã Vân Côn, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội đến tham quan, học tập kinh nghiệm. Việc hình thành và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ở phường Đông Cương đã khẳng định được sự lãnh, chỉ đạo đúng đắn của cấp ủy, chính quyền phường Đông Cương. Từ sự quan tâm đó đã tạo điều kiện cho các hộ gia đình nông dân phát triển kinh tế làm giàu chính đáng trên quê hương mình.

nong nghiep 2.jpg

Lãnh đạo và cán bộ hội, viên nông dân xã Vân Côn, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội đến tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình sản xuất nông nghiệp của phường Đông Cương, TP Thanh Hóa

Hiện nay, thành phố Thanh Hóa đang còn khoảng 5 nghìn hecta diện tích đất nông nghiệp. Để phù hợp với sự phát triển, những năm qua, thành phố Thanh Hóa đã chỉ đạo các phường, xã có đất nông nghiệp đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa chuỗi giá trị, năng suất, chất lượng, an toàn, hiệu quả; phát triển nông nghiệp 4.0 theo hướng bền vững. Và để tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 13 – NQ/TU ngày 11 tháng 01 năm 2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh về tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, mới đây, đồng chí Lê Anh Xuân - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy cùng các phòng, ban, ngành của thành phố đã làm việc  với 1 số phường, xã trên địa bàn thành phố để chỉ đạo thực hiện việc tích tụ, tập trung đất đai, chuyển đổi diện tích sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng các loại cây, con có giá trị kinh tế cao, hướng đến xuất khẩu và xây dựng phát triển các mô hình nông nghiệp trải nghiệm, mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển du lịch, dịch vụ. 

Với định hướng đẩy mạnh phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển du lịch, hy vọng rằng thành phố Thanh Hóa sẽ thu hút ngày càng nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan và trải nghiệm. Và người nông dân sẽ có cơ hội để thay đổi mình, thay đổi cuộc sống./.


Thu Phương