Cần quản lý việc dán nhãn phụ bằng tiếng Việt đối với hàng hóa nhập khẩu
Hiện nay, nhiều cửa hàng kinh doanh các loại hàng hóa nhập khẩu trên địa bàn thành phố thường không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt. Tình trạng này không chỉ gây khó khăn cho người tiêu dùng trong nhận biết về nguồn gốc, xuất xứ, thành phần của sản phẩm hàng hóa mà còn tiềm ẩn nguy cơ trà trộn hàng giả, hàng kém chất lượng ra thị trường.
Khảo sát tại các cửa hàng, đơn vị kinh doanh trên địa bàn thành phố Thanh Hóa rất dễ thấy các sản phẩm bánh kẹo, sữa bột, đồ uống… có nhãn mác nước ngoài. Hầu hết những sản phẩm này đều không có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Thậm chí cùng một sản phẩm nhập khẩu nhưng mỗi cửa hàng lại nói một nước sản xuất khác nhau. Người tiêu dùng chỉ có thể tự đoán, hoặc tin tưởng mua tại các cửa hàng quen. Đa số người tiêu dùng vẫn còn thờ ơ, chưa quan tâm đến nhãn hàng hóa nhập khẩu. Còn người kinh doanh thì có nhiều lý do về việc hàng nhập khẩu không có nhãn phụ bằng tiếng Việt.
Theo Nghị định số 43/2017 của Chính phủ về ghi nhãn hàng hóa, từ ngày 1/6/2017, hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam khi lưu thông trên thị trường mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt, thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa.
Còn Nghị định 80/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa quy định: phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200 nghìn đồng đến 2 triệu đồng, tùy giá trị hàng hóa vi phạm, đối với hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam. Đồng thời, buộc thu hồi hàng hóa vi phạm về nhãn đang lưu thông trên thị trường. Quy định pháp luật rõ ràng như vậy, nhưng vì sao ngày càng nhiều sản phẩm nhập khẩu vi phạm được bày bán công khai tại những cửa hàng, khu mua sắm lớn mà không bị xử lý.
Việc bắt buộc sản phẩm nhập khẩu phải có gắn tem, nhãn phụ bằng tiếng Việt đảm bảo cho người tiêu dùng có thể nhận biết nguồn gốc, xuất xứ và các thông tin cần thiết về hàng hóa nhập khẩu. Đồng thời, quy định dán nhãn phụ bằng tiếng Việt đối với hàng nhập khẩu còn hạn chế sự trà trộn của hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng. Nói về điều này, bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại và XNK thực phẩm Sao Mai cho biết: “Hàng nhập khẩu hiện nay có nhập khẩu chính ngạch hoặc xách tay. Các shop bán có thể giá mềm hơn, tuy nhiên vì không có tem phụ không tránh khỏi sự trà trộn của hàng giả , hàng không đảm bảo chất lượng, cũng có thể gây nguy cơ mất an toàn sức khỏe cho người sử dụng”.
Các sản phẩm nhập khẩu của Công ty Cổ phần Thương mại và XNK thực phẩm Sao Mai đều ghi nhãn hàng hóa
Theo các đơn vị kinh doanh hàng nhập khẩu, với mỗi nhãn phụ cho sản phẩm nhập khẩu, doanh nghiệp phải thêm chi phí từ 290 – 350 đồng. Nếu tính tổng lượng hàng hóa thì chi phí này khá lớn. Điều này khiến nhiều đơn vị cố tình “phớt lờ” quy định dán nhãn phụ đối với hàng hóa nhập khẩu, dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh về giá.
Để siết chặt và quản lý việc dán nhãn phụ bằng tiếng Việt đối với hàng hóa nhập khẩu, ông Nguyễn Đình Chính – Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 1, Chi cục QLTT Thanh Hóa cho biết: “Đối với cơ sở kinh doanh hàng Nhật, Thái, hàng do nước ngoài sản xuất, rất nhiều cơ sở vi phạm. Trong quá trình kiểm tra, chúng tôi tuyên tuyền, yêu cầu ký cam kết nhưng nhiều cửa hàng, đơn vị vẫn vi phạm. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm tra, xử phạt mạnh hơn để các cơ sở thực hiện đúng quy định của pháp luật”.
Việt
Thanh Xuân
- Cấm nhưng vẫn thả rông dắt chó vào công viên
- Không còn vỉa hè dành cho người đi bộ
- Thị trường máy hút ẩm khởi động muộn
- Sôi động thị trường quà tặng ngày Valentine
- Xu hướng “check in" không gian Tết cổ truyền
- Nguy cơ mất an toàn giao thông từ việc phơi lúa trên đường
- Tháng 5 rợp trời hoa phường đỏ
- Thành phố Thanh Hóa rộn ràng sắc xuân
- Thị trường Hoa Lan ngày Tết
- Nhộn nhịp thị trường phụ kiện, trang trí Tết nguyên đán
