date
Đường dây nóng:

Thành phố Thanh Hóa – Thành phố Hội An, Nghĩa nặng tình sâu – Đời đời bền vững

Đăng lúc: 00:00:00 21/02/2021 (GMT+7)

Xứ Thanh và Xứ Quảng từ xa xưa vốn đã có cơ duyên, mối kết giao lịch sử đặc biệt, khi những người con xứ Thanh tiến về phương nam mở cõi đã mang những nét văn hóa quê Thanh đến với miền Thuận Quảng. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hai miền đất giàu di sản và truyền thống cách mạng ấy đã kết nghĩa một nhà, nguyện một lòng sắt son, sát cánh cùng nhân dân cả nước chiến đấu chống kẻ thù chung, giành độc lập, bảo vệ Tổ Quốc và xây dựng xã hội chủ nghĩa.

 
z2340348715441_ef1943d6ba8f6179365c2eb44a7407a0.jpg
Lễ kết nghĩa thị xã Thanh Hóa – thị xã Hội An ngày 12/2/1961

Hơn nửa thế kỷ qua, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang bước vào giai đoạn cam go, ác liệt. Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, ngày 12/3/1960, tại thị xã Thanh Hóa (nay là TP.Thanh Hóa), Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính, Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thanh Hóa và Ủy ban Thống nhất Trung ương, đoàn đại biểu của tỉnh Quảng Nam cùng hàng vạn chiến sĩ, đồng bào Thanh Hóa đã trọng thể tổ chức Lễ kết nghĩa hai tỉnh Thanh Hóa - Quảng Nam. Sau hai tỉnh, ngày 12-02-1961, tại thị xã Thanh Hóa, Thị ủy, Ủy ban Hành chính, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thị xã Thanh Hóa và Hội đồng hương Hội An tại Hà Nội đã long trọng tổ chức lễ kết nghĩa giữa hai thị xã Thanh Hóa - Hội An. Đây không chỉ là sự kiện có ý nghĩa chính trị sâu sắc, mà còn là minh chứng cụ thể cho chân lý “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”, là sợi dây nối liền tình đồng chí, anh em, cùng nhau chia ngọt, sẻ bùi giữa Đảng bộ, quân và dân hai địa phương thị xã Thanh Hóa - thị xã Hội An.

z2340184455292_94ce46561c2b79c8c936f0c0205e17bd.jpg

Những CCB thành phố Thanh Hóa tham gia chiến đấu tại Quảng Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Trong kháng chiến chống Mỹ với khẩu hiệu “Miền Nam gọi - Miền Bắc trả lời, Hội An cần - Thanh Hóa có”, biết bao người con Thanh Hóa đã lên đường “Nam tiến” hòa cùng Nhân dân Hội An đánh giặc, bảo vệ quê hương. Thời kỳ này, Thanh Hóa đã phát động các phong trào “tay búa tay súng”, “tay cày, tay súng”, “đảm bảo giao thông thông suốt”, trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt nhưng “Những bức thư sâu nặng nghĩa tình”, từ Thanh Hóa gửi vào, mỗi kỷ vật chiến tranh từ Hội An gửi ra là niềm tin, là cả tấm lòng, là nguồn cổ vũ tinh thần mạnh mẽ và thực sự đã trở thành sức mạnh vật chất to lớn để Đảng bộ, quân và dân hai địa phương cùng tiếp thêm nghị lực ra sức lao động, học tập, chiến đấu và chiến thắng quân thù. Những vùng đất rất đỗi anh hùng của quê hương Thanh Hóa như Hàm Rồng, Phú Sơn, Nam Ngạn, Đông Hương, Đông Thọ... luôn kề vai sát cánh cùng Cẩm Thanh, Cẩm An, Cẩm Hà, Cẩm Hải, Cẩm Châu, Cẩm Kim, Cẩm Nam...nhiều trận làm khiếp vía quân thù. Nhiều công trình ý nghĩa mang tên Hội An đã được xây dựng tại Thanh Hóa ngay trong những năm tháng chiến tranh như rạp chiếu phim, công viên, thư viện... Với khẩu hiệu “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam, vì Hội An ruột thịt” các phong trào thi đua sản xuất, chiến đấu giỏi được đẩy mạnh tiêu biểu như các hợp tác xã: Cơ khí Nam Kỳ 40, Thành Công, Minh Thành, Phương Nam, thủy tinh Thống Nhất, xí nghiệp mộc xẻ Bến Cốc, Nhà máy điện, Đồn công an vũ trang Hàm Rồng...Đáp lại  tình cảm của Đảng  bộ và Nhân dân thị xã Thanh Hóa, quân dân Hội An đã chiến đấu kiên cường, dũng cảm lập nhiều chiến công xuất sắc, giải phóng Hội An ngày 28/3/1975, góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

z2340184551124_bf9571f00e800f9144e62230c2a80e4d.jpg

Chiếc xe tăng 390 của quân giải phóng đã húc tung cánh cửa cổng chính dinh Độc Lập - đánh dấu giờ phút giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975

Chiến tranh qua đi, Bắc - Nam sum họp, mối thân tình lịch sử Thanh Hóa – Hội An ngày càng keo sơn, gắn bó, Đảng bộ, nhân dân 2 thành phố tiếp tục đồng cam cộng khổ, hỗ trợ, giúp đỡ nhau khôi phục sản xuất, xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Thanh Hóa tiếp tục giúp Hội An chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng nhiều cơ sở thủ công mỹ nghệ, chi viện nhiều cán bộ, giáo viên, tặng sách cho thư viện Hội An để góp phần tạo nguồn tri thức, cùng nhau xây dựng chủ nghĩa xã hộiĐó là tài sản vô cùng quý báu trong buổi đầu Hội An đang ổn định đời sống nhân dân, kiến thiết, xây dựng quê hương với muôn vàn khó khăn, thiếu thốn do chiến tranh để lại.

z2340184698884_48ae77e51bacd3af1a3558e177a867a9.jpg

Lễ cắt băng khánh thành trường THCS Nguyễn Duy Hiệu do Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố Thanh Hóa tặng thành phố Hội An.

Trong thời kỳ hội nhập, đổi mới và phát triển, lãnh đạo hai thành phố đã thường xuyên thăm hỏi, trao đổi, học tập kinh nghiệm trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị; hỗ trợ, động viên, thăm hỏi nhân dân mỗi khi gặp thiên tai, dịch bệnh; thường xuyên thăm hỏi, động viên, tặng quà cho các gia đình chính sách, gia đình người có công với cách mạng của hai thành phố, nhất là trong dịp lễ, tết, kỷ niệm ngày Thương binh - liệt sĩ. Thành phố Thanh Hóa đã tổ chức hàng nghìn lượt cán bộ vào Hội An học tập, trao đổi kinh nghiệm về xây dựng, quản lý đô thị, phát triển văn hóa, du lịch để xây dựng thành phố Thanh Hóa “Đô thị văn minh, công dân thân thiện”. Một số công trình kiến trúc mang đậm nét văn hóa Thanh Hóa – Hội An được hai thành phố dày công xây dựng, trở thành những dấu ấn sinh động thể hiện tình cảm keo sơn gắn bó, son sắt thủy chung giữa hai miền đất nước.

z2340184811530_efe2b27d9bef22710afd605b677b6ae8.jpg

z2340184889080_9be3b37ca5b72bec5aaf5d0f1ff01674.jpg

 Đồng chí Lê Anh Xuân - Ủy viên BTV tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy dẫn đầu đoàn công tác của thành phố Thanh Hóa thăm và tặng quà thành phố Hội An và các hộ gặp khó khăn do thiên tai năm 2020 

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc hai thành phố vinh dự được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Thành phố Thanh Hóa đã phát triển thành  đô thị loại I, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học và kỹ thuật của tỉnh Thanh Hóa. Hoàn thành xây dựng Nông thôn mới, được Nhà nước tặng thưởng huân chương độc lập hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác...

z2340184983891_9fe4e713f4610d6719def0061e1c49c6.jpgoàn thành

Một góc thành phố Thanh Hóa hôm nay

Thành phố Hội An được nhà nước phong tặng Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới và được công nhận là đô thị “Đô thị văn hóa” của cả nước, là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất. Khu phố cổ Hội An cù Lao Chàm đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, là khu dự trữ  sinh quyển thế giới.

z2340185072257_e2fc8d0dc5c7350f48ccc993380428b7.jpg

Một góc thành phố Hội An hôm nay

Hơn nửa thế kỷ qua, nhiều công trình văn hóa mang tên Hội An được xây dựng trên đất Thanh Hóa. Trong đó công viên Hội An – được xem là điểm đến lý tưởng của người dân thành phố. Công viên Hội An có không gian thoáng đãng, không chỉ là nơi vui chơi giải trí cho người dân thành phố mà đây còn là nét đẹp riêng của thành phố Thanh Hóa, là dấu ấn thể hiện mối tình kết nghĩa giữa hai thành phố Thanh Hóa và Hội An. Trong công viên Hội An có biểu tượng của thành phố Hội An. Năm 2016 nhân dịp kỷ niệm 55 năm kết nghĩa giữa Thanh Hóa và Hội An, 2 thành phố đã tiếp tục đầu tư một số công trình lớn trong khuôn viên công viên như: Chùa Cầu – một biểu trưng của thành phố Hội An ngay giữa lòng thành phố Thanh Hóa; nhà lưu niệm – nơi trưng bày những hiện vật của 2 thành phố và trụ biểu. 

z2340185140350_6c1f7d0eeb6ce5aabcfb286810b99064.jpg

Trụ biểu công trình do Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố Hội An tặng thành phố Thanh Hóa được đặt tại Công viên Hội An thành phố Thanh Hóa

Trên mảnh đất Quảng Nam, cán bộ và nhân dân thành phố Thanh Hóa đã dành tặng 2 thành phố Hội An 2 công trình văn hóa và giáo dục. Đó là Trường THCS Nguyễn Duy Hiệu nằm trên đường Phan Chu Trinh – TP Hội An, trường có quy mô 2 tầng với 5 dãy phòng học và 9 phòng chức năng với tổng  kinh phí đầu tư gần 10 tỷ đồng. Công trình thứ 2 là Thư viện Thanh Hóa nằm trên đường Nguyễn Trường Tộ - TP Hội An, thư viện được xây dựng trên tổng diện tích hơn 6.000m2 với nhiều hạng mục khác nhau và tổng  kinh phí đầu tư hơn 10 tỷ đồng.

z2334721462403_a5b7faec1e6c343ef51779d309cade60.jpg

Chùa Cầu biểu tượng của thành phố Hội An 

60 năm trôi qua kể từ ngày kết nghĩa, diện mạo của thành phố Thanh Hóa và thành phố Hội An đã có nhiều khởi sắc, ngày càng khang trang, to đẹp đây là những thành quả minh chứng cho tình cảm gắn bó keo sơn giữa hai thành phố vẫn không hề phai nhạt. 60 năm nghĩa nặng tình sâu, sông Thu, sông Mã vẫn vẹn tình yêu thương, tin tưởng rằng mối tình ấy sẽ mãi mãi keo sơn, bền chặt và ngày càng phát triển, hướng tới thịnh vượng, hùng cường của đất nước.



Thu Hiền