date
Đường dây nóng:

Thành phố Thanh Hóa - thành phố Hội An, 60 năm một chặng đường

Đăng lúc: 00:00:00 21/02/2021 (GMT+7)

Hơn nửa thế kỷ qua, trong khói lửa chiến tranh và bộn bề công việc dựng xây quê hương, đất nước, nghĩa tình Thanh Hóa – Hội An luôn được các thế hệ lãnh đạo và Nhân dân hai thành phố dày công vụn đắp và mãi mãi là niềm tự hào, là tài sản tinh thần vô giá của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân hai thành phố. Trong công cuộc đổi mới và hội nhập hôm nay, Thanh Hóa – Hội An đã, đang và sẽ phát huy truyền thống đoàn kết, mở rộng giao lưu, hợp tác, thắt chặt tình cảm sắt son, ruột thịt để cùng vươn tới tương lai với “khát vọng thịnh vượng”.

Suốt chiều dài lịch sử dựng nước, Tổ quốc Việt Nam ta đã nhiều lần đối mặt với cam go, thử thách, với thiên tai, địch họa. Bằng đại nghĩa và sức mạnh đoàn kết, biết bao thế hệ người Việt Nam đã bản lĩnh, trí tuệ, gan góc, kiên cường, anh dũng chống giặc ngoại xâm, viết nên những trang sử vàng chói lọi. Minh chứng cho tinh thần đoàn kết đó, trong gian khó những mối lương duyên giữa những vùng đất anh hùng đã được dựng xây như: Thanh Hóa - Quảng Nam, Nghệ An - Quảng Ngãi, Hà Tĩnh - Bình Định, Hải Phòng – Đà Nẵng,... tạo nên nguồn sức mạnh to lớn, cổ vũ động viên quân dân các địa phương làm nên những chiến công hiển hách trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Từ buổi sơ khai, Trấn thành Thanh Hoa, Thương cảng Hội An luôn giữ vai trò là trung tâm của tỉnh lỵ, có vai trò trọng yếu cả về chính trị, quân sự và kinh tế, là đầu mối giao thương của cả vùng, cả tỉnh, nơi tụ hội của những giá trị văn hóa truyền thống, tinh thần dân tộc và ý chí cách mạng tốt đẹp của người xứ Thanh, xứ Quảng. Với truyền thống yêu nước và cách mạng, trải qua các giai đoạn lịch sử, các thế hệ người dân Thanh Hóa, Hội An luôn phát huy truyền thống yêu nước, chung sức, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, có nhiều đóng góp to lớn vào công cuộc dựng nước và giữ nước vĩ đại của dân tộc.

Ngược dòng lịch sử, 60 năm về trước giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn cam go, ác liệt nhất, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra chủ trương kết nghĩa giữa hai miền Bắc - Nam, với mục đích tăng cường tình đoàn kết ruột thịt Bắc - Nam và tập trung mọi nguồn lực cho “giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội”. Hòa chung khí thế cùng các tỉnh bạn trong cả nước, hai tỉnh Thanh Hóa - Quảng Nam chính thức kết nghĩa vào ngày 12-3-1960. Tiếp đó, ngày 12-2-1961, tại thị xã Thanh Hóa (nay là thành phố Thanh Hóa) lễ kết nghĩa giữa thị xã Thanh Hóa và thị xã Hội An (nay là thành phố Hội An) được tổ chức trọng thể, đánh dấu mốc son quan trọng trong chặng đường lịch sử phát triển quan hệ “son sắt nghĩa tình” của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân hai thành phố.

z2340844952589_7a4e8d09c486a785f7e51cc256e501f2.jpg

Chùa Cầu Hội An tại xứ Thanh được xây dựng trong công viên trung tâm thành phố Thanh Hóa

Từ ngày Thanh Hóa – Quảng Nam, thị xã Thanh Hóa – thị xã Hội An kết nghĩa, Đảng bộ chính quyền và Nhân dân thị xã Thanh Hóa đã luôn đồng cam cộng khổ, kịp thời chi viện sức người, sức của và đồng hành với thành phố Hội An bằng nhiều phong trào thi đua kháng chiến, thi đua lao động sản xuất sôi nổi như: “tay búa, tay súng”, “tay cày, tay súng”, “đảm bảo giao thông thông suốt”, “lập công cao nhất vì Quảng Nam”, “mỗi người làm việc bằng hai vì Quảng Nam, vì Hội An ruột thịt”… Với khẩu hiệu “Miền Nam gọi miền Bắc trả lời, Hội An cần Thanh Hóa có”, Thanh Hóa đã chi viện sức người, sức của cho chiến trường Quảng Nam. Biết bao người con xứ Thanh đã lên đường “Nam tiến” hòa cùng quân, dân Hội An và tỉnh Quảng Nam chiến đấu bảo vệ quê hương. Những vùng đất rất đỗi anh hùng của quê hương Thanh Hóa như: Hàm Rồng, Phú Sơn, Nam Ngạn, Đông Hương, Đông Thọ... luôn kề vai sát cánh cùng Cẩm Thanh, Cẩm An, Cẩm Hà, Cẩm Hải, Cẩm Châu, Cẩm Kim, Cẩm Nam… của Hội An anh dũng, kiên cường đánh giặc, làm quân thù nhiều trận khiếp vía. Đáp lại tình cảm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã Thanh Hóa, quân và dân Hội An đã phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng; kiên cường bám trụ trên quê hương tuyến lửa tích cực sản xuất, anh dũng chiến đấu lập nên những chiến công oanh liệt góp phần cùng quân và dân cả nước làm nên chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.

Đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp giữa hai địa phương, lãnh đạo hai thành phố thường xuyên gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm trong phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội; đồng thời có nhiều hình thức hỗ trợ nhau trong khắc phục thiệt hại do thiên tai, bão lũ gây ra; tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm tiếp tục vun đắp tình cảm bền chặt của hai thành phố. Nhiều công trình văn hóa, giáo dục ghi dấu giữa Thanh Hóa - Hội An đã được xây dựng ở hai địa phương như: Công viên Hội An tại thành phố thanh Hóa, Phiên bản Chùa Cầu tại Công viên Hội An, Phòng Truyền thống thành phố Thanh Hóa - thành phố Hội An tại tòa nhà Trung tâm Hành chính Thành phố Thanh Hóa; thành phố Thanh Hóa hỗ trợ xây dựng Thư viện Thanh Hóa tại Hội An, Trường Mẫu giáo Tân An - Hội An… góp phần làm ngày càng sâu sắc, bền chặt hơn nghĩa tình Thanh Hóa - Hội An.

Trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước, trải qua từng giai đoạn lịch sử, bằng tinh thần lao động cần cù và sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân hai thành phố đã đoàn kết một lòng, nỗ lực phấn đấu ra sức thi đua lao động sản xuất đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và dành được tất cả những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực.

Đối với thành phố Thanh Hóa, trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước, phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố Thanh Hóa đã bám sát sự lãnh đạo của tỉnh, sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, các địa phương bạn, đoàn kết một lòng, nỗ lực phấn đấu, ra sức thi đua lao động sản xuất, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, khơi dậy được tiềm năng, lợi thế, sức sáng tạo trong Nhân dân, làm biến đổi sâu sắc, toàn diện bộ mặt đô thị, thực sự xứng đáng là trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, chính trị và khoa học - kỹ thuật của tỉnh; đô thị cửa ngõ nối vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ với Trung bộ, đầu mối giao lưu của tỉnh với cả nước. Năm 1994, Chính phủ đã công nhận thị xã Thanh Hóa là đô thị loại III và nâng cấp lên thành phố; năm 2004 thành phố được nâng cấp lên đô thị loại II. Năm 2014, nhân kỷ niệm 210 năm đô thị tỉnh lỵ, 20 năm thành lập thành phố, thành phố Thanh Hóa được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, được Thủ tướng Chính phủ công nhận đô thị loại I. Đây là những phần thưởng cao quý, khẳng định tầm vóc và sự trưởng thành vượt bậc của thành phố Thanh Hóa.

Đặc biệt, nhiệm kỳ 2015 - 2020 vừa qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức; song, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố Thanh Hóa đã nỗ lực cố gắng, phấn đấu vươn lên với quyết tâm cao và đã giành được những thành tích to lớn trên tất cả các lĩnh vực. Hầu hết các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 20, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đều hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch. Kinh tế phát triển mạnh, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân đạt 16,5%. Sản xuất nông nghiệp từng bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá, tập trung quy mô lớn. Thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn vào năm 2019, mới sớm hơn một năm so với mục tiêu Đại hội đề ra. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng đạt tốc độ tăng trưởng cao. Công tác quy hoạch xây dựng, quản lý và phát triển đô thị có nhiều tiến bộ. Đi lên từ muôn vàn gian khó, từ một thị xã nghèo nàn, nhỏ bé, bị tổn thất nặng nề qua hai cuộc chiến tranh, đến nay thành phố Thanh Hóa đã khoác lên mình bộ áo mới. Qua 4 lần mở rộng địa giới hành chính, diện tích tự nhiên tăng lên hơn 14.677 ha, dân số gần 500 ngàn người, là một trong những đô thị trực thuộc tỉnh lớn nhất cả nước. Kết cấu hạ tầng đô thị tiếp tục được quan tâm đầu tư xây dựng và nâng cấp; nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, dịch vụ thương mại quy mô lớn, hiện đại đã được đầu tư xây dựng, trở thành những điểm nhấn đẹp về kiến trúc và cảnh quan đô thị, tạo diện mạo mới cho thành phố, góp phần mở rộng không gian phát triển và nâng cao “sức hút” của thành phố đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ; nhiều chỉ tiêu về văn hóa, giáo dục, thể thao thành tích cao tiếp tục dẫn đầu cả tỉnh. An sinh xã hội được chăm lo; công tác quản lý lao động, việc làm được đảm bảo. Công tác giảm nghèo được cả hệ thống chính trị và toàn xã hội chung sức thực hiện, tỷ lệ hộ nghèo hằng năm bình quân giảm 0,54%, năm 2020 giảm còn 0,11%. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng - an ninh được củng cố; trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo; sự liên kết, hợp tác với các địa phương, các đô thị trong và ngoài nước được mở rộng; vai trò, vị thế, uy tín của thành phố ngày càng được nâng cao. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đạt được nhiều kết quả quan trọng. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên; phương thức lãnh đạo của cấp ủy các cấp có nhiều đổi mới; hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền có chuyển biến tích cực.

Nhìn lại chặng đường xây dựng và phát triển của thành phố Thanh Hóa, chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng có được những thành tựu đó ngoài sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của các tầng lớp Nhân dân thành phố, còn có sự cổ vũ động viên, chia sẻ, hỗ trợ kịp thời của thành phố Hội An anh em, để lại những dấu ấn kết nghĩa không thể phai mờ minh chứng cho nghĩa tình son sắc, thủy chung, truyền thống đoàn kết, thân ái của dân tộc Việt Nam.

Thành phố Hội An, sau 35 năm đất nước đổi mới, Đảng bộ và Nhân dân thành phố hết sức vui mừng, phấn khởi và tự hào khi được chứng kiến những thay đổi tích cực, những thành tựu to lớn về mọi mặt của Hội An. Đặc biệt, Hội An đã thành công khi trở thành “Đô thị văn hóa” của cả nước. Khu phố cổ Hội An đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, Cù Lao Chàm được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Hội An được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới, được công nhận là Đô thị văn hóa của cả nước. Đây chính là tiền đề để Hội An phát triển bền vững, trở thành đô thị sinh thái - văn hóa - du lịch điểm đến hấp dẫn của thế giới.

Bước sang giai đoạn phát triển mới, thành phố Thanh Hóa, thành phố Hội An có nhiều cơ hội để phát triển nhanh về mọi mặt; song cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi Đảng bộ và Nhân dân hai thành phố phải tranh thủ thời cơ, nỗ lực vượt qua thách thức, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ, phát huy cao độ truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng để cùng nhau phát triển hiện thực hóa khát vọng tịnh vượng trong dựng xây quê hương, đất nước. Kỷ niệm 60 năm ngày thành phố Thanh Hóa – thành phố Hội An kết nghĩa không chỉ là dịp để ôn lại truyền thống lịch sử, tình cảm keo sơn mà Nhân dân hai thành phố đã dày công vun đắp mà còn là dịp để khẳng định giá trị thiêng liêng của nghĩa tình “nghìn thu không mờ” giữa hai địa phương. Những tình cảm đặc biệt đó sẽ mãi là niềm tự hào, là tài sản tinh thần vô giá mà thế hệ chúng ta hôm nay phải có trách nhiệm trân trọng giữ gìn và phát huy.

Tự hào truyền thống 60 năm kết nghĩa son sắc thủy chung, với nhiệt huyết tràn đầy của hai thành phố trẻ; Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố Thanh Hóa – Hội An nguyện đoàn kết một lòng, ra sức thi đua, nỗ lực phấn đấu, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020 – 2025, góp phần xây dựng thành phố Thanh Hóa – thành phố Hội An ngày càng văn minh, giàu đẹp./.

Đồng chí Lê Anh Xuân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy thành phố Thanh Hóa