date
Đường dây nóng:

Gần 60% bệnh nhân điều trị ở Bệnh viện Phổi Thanh Hoá có tiền sử hút thuốc lá

Đăng lúc: 00:00:00 15/11/2023 (GMT+7)

Gần 60% bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Phổi Thanh Hoá có liên quan đến hút thuốc lá và căn bệnh phổ biến là phổi tắc nghẽn mãn tính, viêm phổi, ung thư phổi...đó là thông tin từ đại diện Bệnh viện Phổi Thanh Hoá.

IMG_6894.JPG
Bệnh viện Phổi Thanh Hoá.

Thời gian qua, mặc dù việc triển khai các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá được thực hiện rộng rãi song ý thức chấp hành của nhiều người vẫn hạn chế. Số người có liên quan đến thuốc lá phải vào điều trị tại các cơ sở y tế rất phổ biến, đặc biệt là tại Bệnh viện Phổi Thanh Hoá - cơ sở y tế chuyên khoa cấp tỉnh chuyên điều trị các mảng bệnh lý về lao và phổi.

Với tiền sử nhiều năm hút thuốc lá, bệnh nhân N.X.H phường Ngọc Trạo, thành phố Thanh Hoá trở thành bệnh nhân quen thuộc đối với các y bác sỹ Bệnh viện Phổi Thanh Hoá. Do hút thuốc lá trong thời gian dài nên phổi của bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, di chứng lao. Đây là ca bệnh thường xuyên phải điều trị tại hồi sức của Bệnh viện Phổi. Riêng từ đầu năm 2023 đến nay, bệnh nhân H đã 5 lần nhập viện để điều trị. Điều đáng nói, cứ sau một đợt vào điều trị tại bệnh viện, tình trạng sức khoẻ được cải thiện, các triệu chứng thuyên giảm, các bác sỹ cho xuất viện điều trị ngoại trú thì khoảng chừng 2 - 3 tuần sau, bệnh nhân lại tiếp tục quay trở lại nhập viện, do bệnh nhân lại hút thuốc. Bệnh nhân N.X.H là một trong rất nhiều bệnh nhân bị các bệnh liên quan đến hút thuốc lá đang được điều trị tại Bệnh viện Phổi Thanh Hoá.

Bác sỹ chuyên khoa 1 Lê Thị Tuyết – Phụ trách khoa Nội III (Bệnh viện Phổi Thanh Hoá) cho biết: “Qua quá trình thăm khám và điều trị lâm sàng cho thấy, số bệnh nhân vào điều trị Khoa Nội III nói riêng và Bệnh viện Phổi nói chung có liên quan đến hút thuốc lá chiếm tới hơn 60%. Cụ thể hàng năm bệnh nhân quản lý ngoại trú bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là hơn 2000 người. Bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú là trên 5000 bệnh nhân, trong đó số lượt điều trị ung thư phổi là 600 bệnh nhân/năm.

Cũng theo Bác sỹ chuyên khoa 1 Lê Thị Tuyết cho biết: Các nghiên cứu cho thấy, hút thuốc lá có khoảng 250 chất gây hại đến sức khoẻ con người, trong đó, nguy hiểm nhất là có những chất gây ra ung thư. Nếu một người mỗi ngày hút khoảng 20 điếu có thể gây ra 150 đột biến, dẫn đến ung thư". Do đó các bệnh nhân bị các bệnh lý cấp tính, mãn tính về hô hấp do hút thuốc lá, sau một thời gian được các bác sỹ nỗ lực chăm sóc, điều trị đều thuyên giảm các triệu chứng sẽ được cho xuất viện về điều trị ngoại trú. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là ý thức tuân thủ khuyến cáo của người bệnh sau khi xuất viện là rất thấp. Nhiều người bệnh vẫn tái diễn việc hút thuốc lá, thuốc lào khiến các triệu chứng tái phát và diễn biến nặng hơn, dẫn đến việc điều trị gặp nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian.

Bác sỹ chuyên khoa 1 Lê Thị Tuyết khuyến cáo: "Hút thuốc lá, thuốc lào ảnh hưởng trực tiếp đến phổi và các chức năng của phổi, gây ra nhiều bệnh lý mãn tính như: khò khè, ho có đờm kéo dài, khó thở.

Khói thuốc cũng tăng nặng các bệnh lý hô hấp cấp tính, các bệnh về nhiễm khuẩn đường hô hấp. Đặc biệt, thuốc lá kéo dài là nguyên nhân chính gây ung thư phối. Đối với trẻ em, khi hít phải khói thuốc thụ động còn làm chậm quá trình phát triển của phổi và các chức năng của phổi; phụ nữ mang thai hít phải khói thuốc thường xuyên rất có thể dẫn đến sinh non, sinh con nhẹ cân, tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh...". Do đó đối với những bệnh nhân đã mắc bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sỹ, bỏ thuốc lá, thuốc lào. Đối với cộng đồng thực hiện tốt Luật phòng chống tác hại thuốc lá. Đối với những người thường xuyên tiếp xúc với khói bụi, có tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào nhiều năm nên đi khám định kỳ 3 tháng/lần các bệnh liên quan đến bệnh phổi như: ung thư phổi và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.


Thu Hiền