date
Đường dây nóng:

Đảm bảo các chính sách an sinh xã hội - nền tảng cho sự phát triển bền vững

Đăng lúc: 00:00:00 15/03/2021 (GMT+7)

Những năm qua, cùng với tập trung phát triển kinh tế, tỉnh ta luôn chú trọng công tác bảo đảm an sinh xã hội (ASXH), bằng nhiều chính sách, giải pháp đồng bộ, được triển khai hiệu quả. Qua đó góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

178d0171459t53252l0.jpg
Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động có vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.

Xác định công tác giảm nghèo là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, do đó, tỉnh đã ban hành và tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều chính sách, chương trình, dự án và huy động nguồn lực của toàn xã hội để trợ giúp người nghèo vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo. Các chính sách và giải pháp xóa đói, giảm nghèo được triển khai đồng bộ trên nhiều phương diện như: hỗ trợ phát triển sản xuất thông qua các chính sách tín dụng ưu đãi; hỗ trợ nhà ở; đào tạo nghề, tạo việc làm...

Theo thống kê, giai đoạn 2016 – 2020, toàn tỉnh có 75.867 hộ nghèo và 77.718 hộ cận nghèo được hỗ trợ vay vốn ưu đãi, với tổng kinh phí trên 6.011 tỷ đồng; 42.284 hộ mới thoát nghèo được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh với tổng số tiền 1.834 tỷ đồng; 7.364 hộ nghèo được hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở với tổng kinh phí trên 184 tỷ đồng; 994 lao động vay vốn đi làm việc ở nước ngoài... Đến nay, công tác giảm nghèo đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều đến năm 2020 giảm còn 2,31%, bình quân giảm 2,24%/năm, cơ bản đạt kế hoạch đề ra. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên rõ rệt; thu nhập bình quân đầu người tăng theo từng năm. Bên cạnh đó, hệ thống chính sách trợ giúp xã hội không ngừng được mở rộng, bao phủ hầu hết các nhóm đối tượng từ trẻ sơ sinh đến người cao tuổi. Hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được quan tâm phát triển với nội dung và hình thức ngày càng phong phú, được triển khai đồng bộ với nhiều loại hình. Đặc biệt, đã thực hiện chính sách bảo hiểm y tế miễn phí cho trẻ em đến 6 tuổi và một số đối tượng chính sách, người nghèo.

Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động có vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế và bảo đảm ổn định xã hội. Do đó tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều chương trình đào tạo nghề, giải quyết việc làm với nhiều chính sách trợ giúp thiết thực, như: hỗ trợ vay vốn học nghề, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, xuất khẩu lao động; ban hành các cơ chế, chính sách để nâng cao chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp... Nhờ đó, trong 5 năm (2016 - 2020), toàn tỉnh đã tạo việc làm mới cho 336.000 lao động, vượt kế hoạch đề ra, trong đó đưa đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài khoảng 50.000 lao động (khoảng 5.000 lao động tại các huyện nghèo).

Không chỉ tập trung cho công tác giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tỉnh còn không ngừng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và hoàn thiện các chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Đến nay, 100% các đối tượng đã được hưởng trợ cấp ưu đãi theo quy định; gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư cùng địa bàn. Hàng năm, có khoảng 35 ngàn lượt đối tượng được thụ hưởng chế độ điều dưỡng tập trung hoặc điều dưỡng tại gia đình; 100% người nghèo, người có công, đối tượng bảo trợ xã hội được thụ hưởng chế độ bảo hiểm y tế; xác nhận và giải quyết chế độ cho hàng ngàn đối tượng là người có công và thân nhân của họ. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc đời sống người có công với cách mạng được duy trì thường xuyên, với các chương trình tình nghĩa, như: xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; xây dựng nhà tình nghĩa; tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa; phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng... được phát động rộng khắp tới các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, các tổ chức đoàn thể và Nhân dân. Qua đó, huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội chăm lo cho đối tượng chính sách, góp phần ổn định, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công, đối tượng bảo trợ xã hội. Những năm qua, cùng với nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ, tỉnh đã thực hiện việc hỗ trợ xây mới, sửa chữa hàng ngàn nhà ở cho người có công. 100% Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các cơ quan, đơn vị nhận chăm sóc, phụng dưỡng tới cuối đời. Các địa phương trong tỉnh cũng đã tích cực quan tâm đến gia đình người có công, tạo điều kiện thuận lợi, giải quyết việc làm cho hàng ngàn đối tượng vươn lên, vượt qua khó khăn, có thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành trong tỉnh thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách của Trung ương, của tỉnh đối với người cao tuổi; duy trì thường xuyên và thực hiện tốt các hoạt động chăm sóc, phụng dưỡng, động viên nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người cao tuổi; quan tâm chăm sóc và bảo vệ trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, thông qua việc vận động, huy động kinh phí để phẫu thuật cho hàng nghìn trẻ em bị dị tật bẩm sinh.

Từ những kết quả đạt được cho thấy, công tác bảo đảm ASXH đã nhận được sự đồng thuận và quyết tâm cao của các cấp, ngành, đoàn thể và Nhân dân. Đây sẽ là tiền đề vững chắc góp phần bảo đảm ổn định xã hội, từng bước nâng cao đời sống của Nhân dân, tạo đà cho sự phát triển toàn diện và bền vững của tỉnh.
 

Báo Thanh Hóa