date
Đường dây nóng:

Gặp mặt các Doanh nghiệp lữ hành tại Hà Nội

Đăng lúc: 00:00:00 20/11/2020 (GMT+7)

Trong khuôn khổ các hoạt động bên lề Hội chợ Du lịch quốc tế VITM 2020, sáng ngày 20/11, tại Hội trường Nhà khách Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Hà Nội), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh tổ chức Hội nghị giới thiệu “Du lịch Thanh Hóa - Điểm đến an toàn và hấp dẫn”.

 

z2187304870857_b19c025637c57bf71c822a0292217870.jpg

Toàn cảnh hội nghị

Dự hội nghị có các đồng chí Nguyễn Lê Phúc – Phó Tổng Cục trưởng tổng cục Du lịch Việt Nam, Nguyễn Đạo Dũng – Phó Vụ trưởng Vụ lữ hành, Tổng cục du lịch Việt Nam, lãnh đạo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội lữ hành Việt Nam. Về phía tỉnh Thanh Hóa có đồng chí Nguyễn Ngọc Hồi – Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hiệp Hội du lịch tỉnh, đồng chí Vương Thị Hải Yến – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh. Đại diện doanh nghiệp du lịch 16 tỉnh, thành trong cả nước và các địa phương có đường bay kết nối đến Thanh Hóa. Về phía thành phố Thanh Hóa có các đồng chí Lê Đại Hành – Thành ủy viên, Trưởng phòng Văn hóa,Thông tin thành phố Thanh Hóa; Lê Thị Thanh – Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch thành phố Thanh Hóa.

z2187304862860_647101d101dab3f70db8bea4678ce8fb.jpg

z2187304870859_8c881c81e6806befde205c2958849bd5.jpg

Các đại biểu về dự hội nghị gặp mặt các doanh nghiệp lữ hành

Thanh Hóa là vùng đất địa linh nhân kiệt, hội tụ đầy đủ các yếu tố của một Việt Nam thu nhỏ. Thanh Hóa có 1.535 di tích lịch sử, văn hóa danh lam, thắng cảnh với 833 di tích đã được xếp hạng, trong đó có: 01 Di sản Thế giới (Thành Nhà Hồ); 03 di tích Quốc gia đặc biệt (Khu di tích Đền Bà Triệu, huyện Hậu Lộc; Khu di tích Lam Kinh, huyện Thọ Xuân và Hang Con Moong, huyện Thạch Thành); 142 di tích Quốc gia; 687 di tích cấp tỉnh. Vùng đất Thanh Hóa là nơi sinh tụ của 6 dân tộc thiểu số, mà mỗi tộc người mang một sắc thái riêng. Riêng thành phố Thanh Hóa tọa lạc trên vùng đất cổ của hai nền văn hóa Núi Đọ và Đông Sơn, với hệ thống danh lam thắng cảnh phong phú, hấp dẫn hòa quyện giữa tự nhiên với các di tích văn hóa lịch sử, TP Thanh Hóa hội tụ nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. TP Thanh Hóa sở hữu nhiều danh thắng nổi tiếng như:  Khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng; làng cổ Đông Sơn; di chỉ khảo cổ Núi Đọ với nền văn hóa Đông Sơn nổi tiếng; cụm di tích lịch sử văn hóa và thắng cảnh núi An Hoạch... Trải dọc hai bên bờ sông Mã oai hùng là cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp với nhiều di tích văn hóa, lịch sử có giá trị. TP Thanh Hóa còn hội tụ 232 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 94 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh. TP Thanh Hóa cũng được biết đến với nhiều trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống, các làn điệu dân ca độc đáo mang nét đặc trưng của người dân xứ Thanh như hò sông Mã, hát bội, hát ghẹo cùng hơn 100 lễ hội truyền thống được tổ chức mỗi năm. Đó là điều kiện thuận lợi, là tiềm năng để TP Thanh Hóa phát triển các loại hình du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh và cũng góp phần tạo nên bức tranh lung linh đa sắc mầu của văn hóa xứ Thanh.


IMG_6214.JPG

Bà Nguyễn Thị Hồng Liên – Giám đốc Công ty cổ phần Dạ Lan phát biểu tham luận tại hội nghị.

Trong những năm vừa qua, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, HĐND tỉnh, sự phối hợp của các ngành, các cấp, sự phấn đấu nỗ lực không ngừng vươn lên, vượt qua khó khăn, thử thách cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, du lịch Thanh Hóa đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trên nhiều bình diện. Trong giai đoạn 2016 – 2020, toàn tỉnh ước đón được 38.385.000 lượt khách, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 5,4%/năm; trong đó, khách quốc tế ước đón được 906.760 lượt. Tổng thu du lịch toàn tỉnh ước đạt 49 nghìn tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 13,3%/năm; trong đó, tổng thu từ khách quốc tế đạt gần 245 triệu USD. Hoạt động đầu tư phát triển du lịch được quan tâm thực hiện, tạo sự chuyển biến tích cực về cả quy mô và chất lượng.  Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch không ngừng mở rộng quy mô, từng bước nâng cao chất lượng, tiện nghi, hiện đại. Sản phẩm du lịch phát triển ngày càng đa dạng, nhiều sản phẩm du lịch chất lượng, theo hướng văn minh, lịch sự. Hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch được tăng cường và có nhiều đổi mới, đa dạng về hình thức tổ chức; Nhân lực du lịch không ngừng tăng lên và từng bước củng cố về chất lượng, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ và hiệu xuất lao động của nguồn nhân lực du lịch du lịch được trú trọng và ngày càng phát huy hiệu quả. Công tác quản lý nhà nước về du lịch được tăng cường.

IMG_6215.JPG

Bà Phan Hồng Châu – Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch và Dịch vụ Hy Vọng, thành phố Hà Nội phát biểu tham luận tại hội nghị.

Thanh Hóa đặt mục tiêu đến năm 2025 đón 16.000.000 lượt khách du lịch, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt 17,3%/năm (trong đó khách quốc tế đạt 850.000 lượt khách). Tổng thu từ du lịch 46 nghìn tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt 36,3%/năm (trong đó tổng thu quốc tế là 380.000.000 USD)...

IMG_6211.JPG

Đồng chí Nguyễn Lê Phúc – Phó Tổng Cục trưởng tổng cục Du lịch Việt Nam phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Lê Phúc – Phó Tổng Cục trưởng tổng cục Du lịch Việt Nam đánh giá cao những kết quả mà Ngành du lịch Thanh Hóa đã đạt được trong những năm qua. Để du lịch Thanh Hoá trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn đồng chí Phó Tổng cục trưởng tổng cục Du lịch Việt Nam đề nghị Thanh Hóa cần tiếp tục tuyên truyền đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch; Phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch;  Phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa; có khả năng cạnh tranh cao; Tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch; Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực du lịch; Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch.

IMG_6223.jpg

Lễ ký kết hợp tác phát triển du lịch giữa doanh nghiệp du lịch Thanh Hóa với các tỉnh thành trong cả nước.

Tại hội nghị, đại diện doanh nghiệp du lịch Thanh Hóa đã ký kết hợp tác với đại diện một số địa phương, doanh nghiệp trong cả nước

Trước đó, ngày 18/11/2020, Hội chợ du lịch quốc tế VITM 2020 đã chính thức được khai mạc với chủ đề “Chuyển đổi số để phát triển du lịch Việt Nam”.Tại hội chợ, Thanh Hóa tham gia trưng bày và quảng bá các sản phẩm du lịch đặc trưng của Thanh Hóa.

Một số hình ảnh tại hội chợ du lịch quốc tế VITM 2020.

z2187304876618_9b1d976738b6a49cf2fb209a44de88da.jpg

z2187304866459_3cf4da386db72e55de9c5a98dde89660.jpg

z2187304876616_adaf294665e88916002efcdb29386453.jpg

z2187304870858_09697a536e522c1430ed926ec077123d.jpg

z2187304876617_a13f3dd868dba3edfdce6ddfcb702d94.jpg

Trong khuôn khổ Hội chợ, TP Thanh Hóa cũng đã trưng bày trên 500 cuốn sách giới thiệu về các điểm, danh thắng nổi tiếng của thành phố như:  Khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng; làng cổ Đông Sơn; di chỉ khảo cổ Núi Đọ với nền văn hóa Đông Sơn nổi tiếng; cụm di tích lịch sử văn hóa và thắng cảnh núi An Hoạch... và bản đồ thành phố Thanh Hóa.

IMG-0684.JPG

Sản phẩm của thành phố Thanh Hóa được trưng bày tại Hội chợ du lịch quốc tế VITM 2020


Thu Hiền