Ý kiến của giáo viên về dự thảo trao quyền lựa chọn sách giáo khoa cho nhà trường
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến cho Dự thảo Thông tư quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Hiện nay, dự thảo đang nhận được sự quan tâm của nhiều giáo viên tại các nhà trường không những trên cả nước mà cả các nhà trường trên địa bàn thành phố Thanh Hóa.
Điểm mới của dự thảo Thông tư quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong các các cơ sở giáo dục phổ thông chính là chuyển Hội đồng lựa chọn sách từ các UBND tỉnh, thành phố về các cơ sở giáo dục phổ thông và quyền lựa chọn, quyết định sách giáo khoa hoàn toàn phụ thuộc vào các giáo viên. Trong dự thảo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra 3 nguyên tắc lựa chọn sách giáo khoa gồm: lựa chọn trong danh mục đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt; mỗi môn học, hoạt động giáo dục ở mỗi khối lớp lựa chọn một sách giáo khoa và phải bảo đảm thực hiện dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch. Quy trình chọn sách giáo khoa sẽ được thực hiện theo nhiều bước, bắt đầu từ giáo viên.
Cô giáo Lê Thị Hoa - Trường tiểu học Quảng Thành cho biết: Là giáo viên trực tiếp giảng dạy, chúng tôi nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng và trình độ của học sinh, từ đó lựa chọn những bộ sách phù hợp với trình độ học sinh, với trang thiết bị của nhà trường và địa phương.
Cô giáo Lê Thị Hoa - giáo viên Trường tiểu học Quảng Thành giảng dạy môn tập đọc cho các em học sinh.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hiện có 3 bộ sách là Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo và Cánh Diều. Tại Thanh Hoá, việc giao quyền lựa chọn sách giáo khoa cho nhà trường đã được thực hiện vào năm 2020. Nhưng theo Luật Giáo dục 2019, UBND các tỉnh, thành phố lập Hội đồng chọn sách giáo khoa, nên từ năm 2021 đến nay, việc lựa chọn sách giáo khoa lại được chuyển về cho UBND tỉnh, các trường chỉ được đóng góp ý kiến.
Tại Dự thảo Thông tư lần này, việc lựa chọn sách giáo khoa lại chuyển về Hội đồng nhà trường do Hiệu trưởng thành lập. Theo các nhà trường, được trao quyền lựa chọn sách vẫn là giải pháp phù hợp, chủ động nhất đối với nhà trường và địa phương. Tuy nhiên hiện vẫn còn một số băn khoăn của các nhà trường nếu đưa vào triển khai thực hiện. Thầy giáo Vũ Anh Tuấn- Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh cho biết: Thời gian giáo viên và tổ chuyên môn nghiên cứu bộ sách không được nhiều, nhưng đầu sách đưa về các nhà trường thì nhiều nên khó có thời gian nghiên cứu một cách kỹ lưỡng. Tuy nhiên, theo tôi lựa chọn sách giáo khoa cho các nhà trường sẽ tạo thuận lợi cho mỗi nhà trường chủ động lựa chọn sách phù hợp với học sinh. Song do số lượng giáo viên ít, số lớp ít nên thành lập hội đồng lựa chọn SGK cực kì khó khăn.
Các cô giáo trao đổi về lựa chọn sách giáo khoa.
Theo Dự thảo Thông tư mới, tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa phải phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương và phù hợp với điều kiện tổ chức dạy, học tại cơ sở giáo dục phổ thông. Dự thảo được Bộ giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến rộng rãi trong vòng 60 ngày và sẽ kết thúc vào ngày 20/12 năm nay.
Thanh Xuân
- Người dân có cần làm lại thẻ căn cước khi sáp nhập tỉnh, thành?
- Cảnh giác với cuộc gọi nháy máy 1-2 giây rồi tắt, bạn có thể là nạn nhân tiếp theo bị lừa đảo
- Nâng cao cảnh giác trước hành vi lừa đảo trong hoạt động du lịch
- Hiệu quả của các khuôn viên văn hóa, thể dục - thể thao ở khu dân cư
- Bảo vệ trẻ trước tình trạng quà vặt "bủa vây" ngoài cổng trường
- Vẫn còn nhiều người dân đi xe đạp trong công viên Hội an
- “Hạnh phúc cho mọi người” góc nhìn từ ngày quốc tế hạnh phúc 20/3
- Lịch sử và ý nghĩa của Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3
- Cảnh báo gia tăng trường hợp bị chó, mèo, vật nuôi cắn, gây chấn thương
- Nhiều người dân đã chủ động tiêm vắc xin phòng dịch cúm
