Nhiều người dân đã chủ động tiêm vắc xin phòng dịch cúm
Trước tình hình dịch cúm đang diễn biến phức tạp ở một số địa phương trên cả nước và có sự gia tăng số ca mắc cúm tại bệnh viện, ghi nhận tại các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn thành phố Thanh Hóa cho thấy đã có nhiều người dân chủ động đi tiêm vắc xin phòng cúm, bảo vệ sức khoẻ cho bản thân và gia đình trước dịch bệnh.
Cho 2 con đến tiêm vắc xin cúm tại Trung tâm tiêm chủng số 1 Thanh Hóa, chị L.T.H, phường Ba Đình cho biết: Mọi năm tôi cũng không tiêm phòng cúm đâu vì nghĩ cúm là bệnh đơn giản, uống thuốc là khỏi. Nhưng năm nay, qua các phương tiện truyền thông thấy một số tỉnh, thành phố dịch cúm bùng phát, có người mắc cúm rồi biến chứng sang viêm phổi nặng. Xung quanh đã có những gia đình cả nhà mắc cúm rồi trẻ em nhập viện nhiều nên tôi cũng lo lắng. Gia đình tôi đi tiêm vắc xin phòng cúm sớm để yên tâm trước diễn biến dịch bệnh…
Theo các chuyên gia y tế, trước tình hình dịch cúm diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh, thành phố và gia tăng số người mắc cúm trong thời gian gần đây, những người có nguy cơ cao rất dễ mắc bệnh là người cao tuổi, người mắc các bệnh nền, bệnh mạn tính, trẻ em. Do đó, cùng với việc phục vụ nhu cầu tiêm chủng của người dân, các cơ sở y tế cũng chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khoẻ. Đối với nhóm đối tượng nguy cơ cao, các bác sĩ sẽ quan tâm đánh giá, khám sàng lọc kỹ càng, đưa ra những chỉ định phù hợp.
Để đáp ứng nhu cầu của người dân, các đơn vị dịc vụ cung cấp vắc xin đã có đầy đủ các loại vắc xin phòng được 2 chủng cúm A, 2 chủng cúm B. Đồng thời, luôn cập nhật đầy đủ các loại vắc xin phòng các chủng cúm mới nhất để đảm bảo đem lại hiệu quả cũng như hệ miễn dịch lâu dài cho người dân.
Có thể nói, bệnh cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do vi rút cúm gây ra. Các triệu chứng của cúm mùa bao gồm sốt đột ngột, ho (thường là ho khan), đau đầu, đau cơ và khớp, mệt mỏi, đau họng và chảy nước mũi. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng vi rút cúm A (H3N2), cúm A (H1N1), cúm B và cúm C. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc.
Thông thường, bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, một số trường hợp kéo dài dưới 2 tuần, nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mạn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch…, bệnh có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Tiêm phòng vắc xin cúm được coi là phương pháp phòng bệnh và ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng của cúm mùa hiệu quả nhất. Vắc xin phòng cúm có khả năng tạo kháng thể để bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của vi rút cúm (khả năng bảo vệ của vắc xin cúm sau khi tiêm có thể đạt tới 97%).
Tiêm phòng cúm không ngăn ngừa hoàn toàn khỏi mắc bệnh nhưng làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh, những người tiêm phòng cúm ít có khả năng phải nhập viện hơn khoảng 40%-70% vì bệnh cúm hoặc các biến chứng có liên quan. Trong đó, trẻ em từ 6 tháng tuổi, phụ nữ có thai, người già, người có bệnh mạn tính là đối tượng cần tiêm phòng cúm hàng năm bởi đây là nhóm nguy cơ mắc cúm cao và có khả năng bị biến chứng nặng hơn so với người khác.
Thu Hiền
- Bảo vệ trẻ trước tình trạng quà vặt "bủa vây" ngoài cổng trường
- Vẫn còn nhiều người dân đi xe đạp trong công viên Hội an
- “Hạnh phúc cho mọi người” góc nhìn từ ngày quốc tế hạnh phúc 20/3
- Lịch sử và ý nghĩa của Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3
- Cảnh báo gia tăng trường hợp bị chó, mèo, vật nuôi cắn, gây chấn thương
- Nhiều người dân đã chủ động tiêm vắc xin phòng dịch cúm
- Không nên chủ quan trước cúm mùa
- Mua sắm Tết online lên ngôi
- Tập trung ứng phó với cơn bão gần biển Đông (cơn bãoTrami)
- Giá thực phẩm, rau xanh tăng nhẹ sau bão số 3
