Trận địa Đồi C4 – chứng tích Hàm Rồng anh hùng
Trong quần thể Khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng, Đồi C4 không chỉ là một địa danh mà còn là biểu tượng của lòng dũng cảm và ý chí kiên cường của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đây là nơi từng diễn ra những trận đánh ác liệt bảo vệ cầu Hàm Rồng, ghi dấu những chiến công hiển hách của Đại đội 4, Trung đoàn pháo cao xạ 228.
Nằm trên khu vực núi Rồng, cách cầu Hàm Rồng khoảng 500m, Đồi C4 được chọn làm trận địa pháo cao xạ 57 ly, có nhiệm vụ bảo vệ cây cầu huyết mạch nối liền hai miền Nam - Bắc. Trận địa được xây dựng trên diện tích 120.000 m2 với hệ thống hầm hào kiên cố gồm hầm chỉ huy, trung đội pháo, hầm đạn và khu vực sinh hoạt của chiến sĩ. Đây là vị trí trọng yếu, trở thành nỗi ám ảnh với không quân Mỹ trong suốt gần 10 năm đánh phá Hàm Rồng.
Ngay từ ngày 18/7/1965, khi vừa ổn định trận địa, Đại đội 4 đã bắn rơi chiếc máy bay ARG đầu tiên của Mỹ. Nhận thấy sự nguy hiểm từ trận địa Đồi C4, không quân Mỹ liên tục thay đổi chiến thuật, sử dụng cả máy bay không quân và hải quân để oanh tạc, nhưng vẫn bị quân ta đánh trả quyết liệt. Những trận đánh ác liệt liên tiếp diễn ra, trong đó trận đánh ngày 28/7/1965 đã ghi dấu tinh thần chiến đấu quật cường của chiến sĩ Nguyễn Văn Điền, người bị thương nặng nhưng vẫn tiếp tục chỉ huy khẩu đội chiến đấu.
Ngày 3/9/1967, một trong những trận đánh khốc liệt nhất tại Đồi C4 nổ ra. Không quân Mỹ huy động lực lượng lớn, ném bom phá và bom bi nhằm tiêu diệt trận địa pháo. 11 chiến sĩ hy sinh ngay trên mâm pháo, 30 người khác bị thương. Nhưng tinh thần chiến đấu không hề suy giảm. Dân làng Đông Sơn đã lao lên trận địa tiếp viện, thay thế các pháo thủ bị thương, tiếp tục chiến đấu đến giây phút cuối cùng. Chính trong trận đánh này, câu khẩu hiệu đầy khí phách của chiến sĩ Đại đội 4 ra đời: “Thà gục trên mâm pháo, quyết không để cầu gục”.
Suốt từ năm 1965 đến năm 1968, với hàng trăm trận đánh kiên cường, Đại đội 4 đã góp phần bắn rơi 99 máy bay Mỹ, khiến Hàm Rồng trở thành một biểu tượng bất khuất của quân dân ta. Khi được gặp Bác Hồ vào tháng 5/1968, pháo thủ Lê Xuân Thanh đã vinh dự nhận lời căn dặn từ Bác: “Hàm Rồng bắn rơi chiếc thứ 100 để Bác vào thăm”. Câu nói ấy trở thành khẩu hiệu chiến đấu của Đại đội 4, tiếp thêm ý chí quyết tâm bảo vệ cây cầu lịch sử. Năm 1972, trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai, Mỹ sử dụng B52 đánh phá dữ dội khu vực Hàm Rồng. Tuy nhiên, quân và dân ta vẫn kiên cường bám trận địa, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ cầu.
Với những chiến công hiển hách, tháng 12/1969, Đại đội 4 vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Đây cũng là đơn vị duy nhất của Trung đoàn 228 nhận được danh hiệu cao quý này. Ngày 16/1/1973, lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên đỉnh núi Ngọc, báo hiệu chiến công hiển hách của quân dân Hàm Rồng. Đến năm 1975, khi đất nước hoàn toàn giải phóng, Đại đội 4 rời cao điểm 54 để hành quân vào Nha Trang, kết thúc gần 10 năm chốt giữ tại trận địa Đồi C4.
Tại Hàm Rồng ngày nay, người ta vẫn gọi cao điểm 54 là Đồi C4 Anh hùng và con đường mang tên Đường Đồi C4 như một lời nhắc nhớ về những chiến sĩ quả cảm đã chiến đấu và hy sinh để bảo vệ cây cầu lịch sử. Với những đóng góp to lớn trong cuộc kháng chiến, năm 1975, Trận địa Đồi C4 được công nhận là Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia, trở thành điểm đến tri ân các anh hùng liệt sĩ và giúp thế hệ mai sau hiểu thêm về tinh thần chiến đấu quật cường của cha ông. Đồi C4 - nơi ghi dấu những chiến công bất tử, mãi mãi là niềm tự hào của quân dân Thanh Hóa và cả dân tộc Việt Nam.
Học sinh các trường thực địa trận giả tại Đồi C4
Thu Hà
- Cô giáo Mai Thị Huyền lan tỏa tình yêu với bộ môn Zumba
- Phường Điện Biên long trọng đón nhận danh hiệu “Anh hùng Lao động
- Quản lý và sử dụng tem điện tử rượu và tem điện tử thuốc lá
- TP Thanh Hóa triển khai cưỡng chế thu hồi đất đối với các trường hợp cố tình không bàn giao mặt bằng thực hiện dự án
- HĐND thành phố Thanh Hóa tổ chức kỳ họp thứ 7
- Đoàn đại biểu TP Thanh Hóa dâng hương nhân kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa
- Hiệu quả mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao Thiên Trường 36
- Nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa
- Hội nghị sơ kết Chương trình “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn tỉnh
- Doanh nghiệp “Tạo việc làm tươi sáng” điểm tựa cho người khuyết tật
