date
Đường dây nóng:

Thông tin về việc sẽ giãn cách xã hội tại TP Thanh Hóa là sai sự thật

Đăng lúc: 00:00:00 27/07/2021 (GMT+7)

Những ngày gần đây xuất hiện tin đồn thất thiệt về việc TP Thanh Hóa sẽ giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, dẫn đến một bộ phận người dân đổ xô đi mua hàng hóa tích trữ. Việc tập trung đông người tại các điểm mua sắm càng làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.

198d2134816t50982l0.jpg 
Theo anh Thơm, chủ cửa hàng tạp hóa trên đường Đội Cung, phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa, mấy hôm nay mì tôm là mặt hàng được nhiều người đến mua dẫn đến bị “cháy hàng”.

Mấy hôm nay, cửa hàng tạp hóa của gia đình anh Thơm, chị Oanh trên đường Đội Cung, phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa rơi vào tình trạng “cháy” mặt hàng mì tôm. Anh Thơm cho biết, do phương tiện vận chuyển hàng hóa từ Hà Nội về khó khăn nên hàng hóa về chậm hơn so với trước. Cùng với đó, mấy hôm nay người dân đến mua hàng hóa cũng tăng lên. Mặt hàng được mua nhiều nhất là mì tôm, nhiều người mua dự trữ 3-5 thùng, bởi vậy cửa hàng đang “cháy” mì tôm.

105d2152116t18191l0.jpg
Tin đồn thất thiệt dẫn đến một số mặt hàng tăng giá.

Ghi nhận tại chợ Đông Thọ, TP Thanh Hóa, các mặt hàng như trứng gà, trứng vịt đã tăng giá so với trước đây. Nếu như trước đây, trứng gà có giá từ 2.800 - 3.000 đồng/quả thì nay tăng lên 4.000 - 4.200 đồng/quả, còn trứng vịt từ 2.500 đồng tăng lên 3.800 đồng/quả.

Một người bán trứng gà tại chợ Đông Thọ cho biết, lí do giá trứng tăng là bởi khan hiếm hàng. Nhiều người đến mua hàng để gửi tới các vùng có dịch và mua dữ trữ trong nhà để phòng, chống dịch.

Chị Hương, bán hàng hải sản tại chợ Đông Thọ sau khi giới thiệu một số mặt hàng tươi ngon có sẵn, chị cho biết thời gian trước, tôm cá rất rẻ nhưng người mua ít, nhưng hiện nay mọi người mua để dành nhiều nên chị đang bị “cháy hàng”.

198d2135514t47110l0.jpg
Theo khuyến cáo của chính quyền địa phương, người dân cần tỉnh táo trước những đồn thổi về việc thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nhằm hạn chế việc tập trung đông người, mua sắm hàng hóa dự trữ gây ảnh hưởng cho công tác phòng, chống dịch bệnh.

Còn chị H - một người chuyên bán hoa quả tại chợ Trường Thi, phường Trường Thi cho biết: Ở chợ Trường Thi không có nhiều người dân đến mua hàng dự trữ vì các mặt hàng ít, tuy nhiên chị thường nhập hoa quả tại chợ đầu mối (phường Đông Hương) nên mấy ngày gần đây thấy người dân đến chợ mua đồ rất đông, nhất là vào sáng sớm. Theo nhiều người thì họ mua để dữ trữ phòng, chống dịch và lo lắng Thanh Hóa sẽ thực hiện giãn cách xã hội như các tỉnh khác.

Chị H cũng cho biết, tháng 4-2020 Thanh Hóa thực hiện giãn cách xã hội, chị lo lắng nên đã mua tích trữ 1 tạ gạo. Tuy nhiên, khi thực hiện giãn cách thì các mặt hàng thiết yếu vẫn đảm bảo. Do ăn không kịp nên số gạo chị mua bị mốc. Lần này nghe mọi người rỉ tai nhau Thanh Hóa giãn cách xã hội, chị cũng không tin lắm vì chị thấy tỉnh ta vẫn kiểm soát tốt dịch bệnh. Còn nếu có giãn cách thật chị cũng không lo lắng, cũng không đi mua hàng dự trữ, bởi chị đã có bài học kinh nghiệm.

Xoay quanh nội dung trên, bà Phạm Thị Việt Nga, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Thanh Hóa cho biết: Thông tin về việc sẽ giãn cách xã hội tại TP Thanh Hóa là sai sự thật. Người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, không nên nghe những thông tin đồn thổi thất thiệt, không có căn cứ, mà nên theo dõi và thực hiện theo chỉ đạo của tỉnh, của TP và thông tin trên báo chí.

Người dân không nên đổ xô đi mua hàng tích trữ chỉ vì những tin đồn. Điều này sẽ dẫn đến việc tập trung đông người tại các điểm mua sắm, gây nhiễu loạn thị trường, giá cả, gây nhiều khó khăn cho công tác phòng dịch hiện nay.

Thành phố Thanh Hóa đang kiểm soát tốt dịch, bệnh và triển khai nhiều biện pháp cấp bách trong phòng, chống COVID-19. Ngoài việc tạm dừng một số dịch vụ không thiết yếu để phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, từ ngày 10-7, thành phố cũng đã tạm dừng thêm một số hoạt động như thể dục - thể thao ngoài trời, các điểm vui chơi giải trí, tập trung đông người (sân bóng đá, hoạt động thể dục - thể thao và các hoạt động khác tập trung đông người trong công viên, khuôn viên, nơi công cộng, các điểm vui chơi cho trẻ em trong siêu thị, nhà sách, công viên, rạp chiếu phim…). Nghiêm cấm các hộ, cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn thành phố sử dụng vỉa hè, không gian công cộng để kinh doanh. Các cơ sở kinh doanh chỉ được kinh doanh trong nhà và phải thực hiện nghiệm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

Ngày 20-7, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Công điện về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh trước diễn biến mới của dịch bệnh. Trong đó, nhiều biện pháp cấp bách được bổ sung như khuyến cáo mọi người dân không đi đến vùng có dịch; không ra khỏi nhà nếu không thật sự cần thiết; nếu ra khỏi nhà phải thực hiện nghiêm các quy định “5K”; trong đó nhất thiết phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người và không tập trung quá 30 người nơi công cộng. Bắt buộc các cơ sở dịch vụ ăn uống trên tuyến Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh phải có vách ngăn, đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người. Các cơ sở dịch vụ ăn uống khác trên địa bàn tỉnh phải thực hiện nghiêm yêu cầu “5K” và đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người; khuyến cáo các cơ sở dịch vụ ăn uống lắp đặt camera giám sát và khuyến khích thực hiện hình thức bán hàng mang về. Hạn chế tối đa việc tổ chức các sự kiện tập trung đông người. Người chủ trì tổ chức phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra lây nhiễm, xuất hiện các trường hợp F0, F1 liên quan đến sự kiện…

Có thể nói, hiện nay việc kiểm soát dịch bệnh đang được tỉnh Thanh Hóa thực hiện tốt. Bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, người dân cần nâng cao ý thức trong công tác phòng, chống dịch bệnh, đồng thời tỉnh táo trước những thông tin đồn thổi liên quan đến dịch, bệnh COVID-19 làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch của địa phương cũng như sinh hoạt của mỗi gia đình.
 

Theo Báo Thanh Hóa