Người trồng thuốc lào Hoằng Đại phấn khởi vì được cả mùa lẫn giá
Phấn khởi, vui mừng thể hiện rõ trên khuôn mặt của gia đình anh Nguyễn Trọng Viên, thôn Cát Lợi, phường Hoằng Đại bởi mùa thuốc Lào năm nay được cả mùa lẫn giá. Đây cũng là niềm vui chung của những người trồng thuốc lào trên địa bàn thành phố Thanh Hoá nói chung và phường Hoằng Đại nói riêng.

Gia đình anh Nguyễn Trọng Viên, thôn Cát Lợi, phường Hoằng Đại đang thực hiện các công đoạn sản xuất thuốc lào.
Được biết gia đình anh Nguyễn Trọng Viên, thôn Cát Lợi, phường Hoằng Đại đã nhận thầu diện tích đất bỏ hoang của người dân địa phương để trồng hơn 1 mẫu thuốc lào. Năm nay do được mùa nên gia đình anh dự kiến thu hoạch được khoảng 6 tạ thuốc lào khô.
Hoằng Đại là một trong những nơi có đất nông nghiệp nằm ven sông Mã không thích hợp trồng lúa và các loại cây ăn quả. Những năm gần đây, một số hộ dân trong phường đã chuyển đổi sang trồng cây thuốc lào. Thuốc lào vốn là giống cây chịu hạn, thời vụ thuốc lào thường từ tháng 10 năm nay đến cuối tháng 3, đầu tháng 4 năm sau.
Được biết, giá thuốc lào năm nay tăng khá cao so với những năm trước. Tính từ giai đoạn đầu mùa, mỗi kg sợi khô giá từ khoảng 280.000 – 300.000 đồng, trong khi năm ngoái cao đợt cao điểm cũng chỉ rơi vào khoảng 250.000 đồng/kg. Cộng thêm được mùa, cây tươi tốt phát triển, nhà trồng ít cũng thu về vài chục triệu, nhà nhiều có khi lãi cả trăm triệu.
Theo người trồng thuốc lào, thời gian gieo hạt thuốc lào vào khoảng tháng 10, làm đất tơi, trộn hạt với tro bếp gieo, tưới ẩm, khoảng 2-3 tuần hạt phát triển, cây con hai ba lá dài 3-4cm là nhổ trồng được. Lên luống để trồng thuốc lào, luống cao 30cm, rộng khoảng 70 – 80cm để trồng vừa 2 hàng thuốc lào trên một luống. Để giống cây này phát triển, người dân chỉ chừa lại 15 -17 lá cho đến khi thu hoạch. Gặt hái, tách lá, xếp cuốn lại thành bó, bỏ vào máy thái sợi, đem phơi là những công đoạn chính cho ra sản phẩm.
Ảnh:
Quá trình chăm sóc phải đề phòng sâu bệnh, nhất là bệnh nấm. Sau ba tháng trồng, khi lá cây thuốc lào rủ cong xuống và ngả màu vàng là đến lúc thuốc chín. Thời điểm cắt thuốc lào phải chọn những ngày trời nắng. Trời càng nắng to, thuốc càng đẹp và thơm. Thuốc vừa cắt xong được bà con đem trải đều trên những tấm trành. Mỗi trành như thế phải phơi 5 đến 6 nắng thì thuốc mới khô đạt yêu cầu, các sợi thuốc kết dính với nhau và có hương thơm đặc biệt. Thuốc lào thành phẩm được cắt thành bánh, đóng gói trong bao kín.
Ngoài thu hoạch lá, người dân còn chăm cây để cho ra hoa lấy hạt giống, phục vụ mùa sau. Đây là cách duy trì giống truyền thống của địa phương. Hiện nay, thuốc lào ở Hoằng Đại được các thương lái từ khắp nơi tìm về thu mua. Thuốc lào trong dân gian còn được sử dụng như một vị thuốc để cầm máu, chữa rắn cắn, chữa vết thương hoặc bị bỏng.
Thu Hiền
- Cô giáo Mai Thị Huyền lan tỏa tình yêu với bộ môn Zumba
- Phường Điện Biên long trọng đón nhận danh hiệu “Anh hùng Lao động
- Quản lý và sử dụng tem điện tử rượu và tem điện tử thuốc lá
- TP Thanh Hóa triển khai cưỡng chế thu hồi đất đối với các trường hợp cố tình không bàn giao mặt bằng thực hiện dự án
- HĐND thành phố Thanh Hóa tổ chức kỳ họp thứ 7
- Đoàn đại biểu TP Thanh Hóa dâng hương nhân kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa
- Hiệu quả mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao Thiên Trường 36
- Nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa
- Hội nghị sơ kết Chương trình “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn tỉnh
- Doanh nghiệp “Tạo việc làm tươi sáng” điểm tựa cho người khuyết tật
