date
Đường dây nóng:

Đoàn Giám sát của Ban Văn hoá-Xã hội, HĐND tỉnh Thanh Hoá làm việc với UBND thành phố Thanh Hoá

Đăng lúc: 00:00:00 21/09/2022 (GMT+7)

Sáng ngày 21/9/20022, Đoàn Giám sát của Ban Văn hoá - Xã hội, HĐND tỉnh Thanh Hoá do đồng chí Đào Xuân Yên – Uỷ viên BTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND thành phố Thanh Hoá về việc thực hiện cơ chế chính sách của tỉnh đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập giai đoạn 2018-2022, trên địa bàn TP Thanh Hoá.

Tiếp và làm việc với đoàn công tác có đồng chí Lê Quang Hiển – Uỷ viên BTV Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND thành phố; đồng chí Phạm Thị Việt Nga - Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, cùng lãnh đạo Ban Kinh tế, xã hội HĐND thành phố; Trưởng các phòng Lao động Thương binh &Xã hội, Giáo dục & Đào tạo, Tài chính - Kế hoạch thành phố.

z3739334420111_07da3f883628bfa83f410001436c8cc6.jpg
Toàn cảnh buổi làm việc.

Để giảm tình trạng quá tải cho hệ thống trường công lập và đáp ứng nhu cầu học tập cho con em thành phố, những năm gần đây hệ thống giáo dục ngoài công lập trên địa bàn thành phố Thanh Hóa đang ngày càng phát triển và nâng cao chất lượng dạy và học. Năm học 2018 - 2019, trên địa bàn TP Thanh Hóa có 21 trường học ngoài công lập với 226 lớp và 8.302 học sinh. Trong đó, bậc học mầm non có 14 trường, tiểu học 2 trường, THPT 4 trường và 1 trường liên cấp. Đến năm học 2022 - 2023, TP Thanh Hóa đã có 33 trường ngoài công lập với 514 lớp và 14.191 học sinh. Trong đó, bậc học mầm non có 20 trường, tiểu học 3 trường, THPT 4 trường và 6 trường liên cấp.

z3739334426928_5658e12c5bc29d519be3966ab156d482.jpg
Các  đồng chí trong đoàn giám sát tham gia ý kiến tại buổi làm việc.

Thực hiện cơ chế chính sách của tỉnh đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập giai đoạn 2018 - 2022, UBND thành phố đã tổ chức các hội nghị chuyên đề, tuyên truyền các nội dung: đối tượng được hưởng, điều kiện được hưởng, nội dung chính sách khuyến khích đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao, môi trường trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá. UBND thành phố đã quan tâm hỗ trợ kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc theo thẩm quyền, giúp các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành và đưa vào sử dụng công trình thuộc đối tượng được hưởng chính sách xã hội trên địa bàn TP Thanh Hoá.

z3739334430175_7f9559f478b9e9cb65b9328d9f8693af.jpg
Đồng  chí Phạm Thị Việt Nga - Uỷ viên BTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố phát biểu tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung phân tích ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của việc thành lập các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động của hệ thống các trường ngoài công lập là: ảnh hưởng bởi dich Covid – 19 kéo dài; về chính sách thuế đất; chính sách hỗ trợ các cơ sở giáo dục ngoài công lập; cơ sở vật chất, trình độ đội ngũ giáo viên; chất lượng giáo dục và chăm sóc trẻ…vv.

z3739334425607_9dce0d77b168003637fe52160b9d6703.jpg
Đồng chí Đào Xuân Yên - Uỷ viên BTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh kết luận buổi làm việc.

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Đào Xuân Yên – Uỷ viên BTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo của TP Thanh Hóa trong thực hiện các cơ chế, chính sách của tỉnh đối với các hoạt động giáo dục ngoài công lập. TP Thanh Hóa được hưởng các cơ chế, chính sách ít nhất nhưng lại phát triển hệ thống các trường ngoài công lập tốt nhất cả tỉnh. Việc thành lập các cơ sở giáo dục ngoài công lập đã tạo điều kiện để Nhân dân thành phố được thụ hưởng và lựa chọn cơ sở giáo dục phù hợp, chất lượng cao, đồng thời góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, giảm tình trạng quá tải cho các trường công lập. Đồng thời nhấn mạnh phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập là hướng đi rất phù hợp nhằm huy động toàn xã hội chăm lo cho sự nghiệp giáo dục. TP. Thanh Hóa có số lượng lớn dân cư từ các địa phương khác đến sinh sống, học tập, làm việc, theo đó số học sinh tăng nhanh qua các năm học. Vì vậy, TP Thanh Hóa cần tiếp tục tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các cơ chế, chính sách của tỉnh có liên quan đến xã hội hóa giáo dục để thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các trường học. Tăng cường công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất, tạo điều thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp khi đầu tư xây dựng trường học trên địa bàn. Cùng với việc rà soát, sắp xếp lại mạng lưới trường lớp phù hợp với nhu cầu thực tế, thành phố cần quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục ngoài công lập thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với đội ngũ giáo viên, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và làm tốt công tác thi đua - khen thưởng trong các nhà trường nhằm tạo động lực nâng cao chất lượng dạy và học. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ nội dung chương trình giáo dục, công tác chăm sóc giáo dục trẻ, tránh để xảy ra tình trạng bạo lực học đường, tạo môi trường an toàn, lành mạnh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của TP Thanh Hóa.

 

Thu Hà