date
Đường dây nóng:

Đền thờ Tống Duy Tân - Di tích còn mãi với thời gian

Đăng lúc: 00:00:00 17/05/2025 (GMT+7)

Thưa quý vị và các bạn! Đền thờ Tống Duy Tân hay còn gọi là Phủ Cốc toạ lạc tại 02 Lê Phụng Hiểu - phường Lam Sơn – TP Thanh Hoá được xây dựng từ thế kỷ 17. Trải qua gần 5 thế kỷ Ngôi đền không còn nguyên vẹn như xưa, nhưng với những dấu tích còn lại vẫn là những bằng chứng sinh động cho một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc.

x.jpg

 Đền Tống Duy Tân toạ lạc tại 02 Lê Phụng Hiểu - phường Lam Sơn – TP Thanh Hoá 

Theo sử sách ghi lại, trước đây Đền Tống Duy Tân là một ngôi đền nhỏ thờ Mẫu Thuỷ tinh công chúa. Thế kỷ 18 nhân dân Làng Phủ Cốc mở rộng khuôn viên và xây dựng thêm phần thờ Thành hoàng Làng Cốc là Cao Sơn đại vương. Đến thế kỷ 19, để tưởng nhớ và ghi nhận công đức nhà chí sỹ yêu nước Tống Duy Tân- thủ lĩnh phong trào Cần Vương, hoà bình lập lại nhân dân làng Cốc lập Đền thờ và đổi  thành đền Tống Duy Tân cho đến nay.  Về giá trị lịch sử, Đền Tống Duy Tân gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của nhà chí  sỹ yêu nước Tống Duy Tân, ông sinh năm Mậu Tuất (1838) thuộc làng Bồng Trung, xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Sinh thời, ông thông minh lanh lợi và có lòng yêu nước, thương dân. Ông tham gia và trở thành thủ lĩnh của  phong trào khởi nghĩa Cần Vương.  Trong một cuộc giao chiến ác liệt, ông đã bị thực dân Pháp bắt giữ. Thất bại trước ý chí bất khuất, lòng yêu nước của nhà chí sỹ yêu nước, ngày 15-10-1892 giặc Pháp đã xử chém ông tại thị xã Thanh Hoá. Nhằm khủng bố, trấn áp tinh thần chiến đấu của phong trào Cần Vương và người dân Thanh Hoá, bọn quan lại tay sai đã bêu đầu ông để thị chúng. Cảm phục ý chí của Tống Duy Tân, nhân dân đã đem giấu thủ cấp của ông trong ngôi đền thờ Thành hoàng làng Cốc. Mỗi năm đến ngày mất của Tống Duy Tân vào ngày 2/10 âm lịch, nhân dân làng Cốc lại tổ chức cúng tế.

x4.jpg

Trên nóc mái đền được trang trí cảnh "Lưỡng long tranh trân châu"

Được sự quan tâm của các cấp, ngành, địa phương, sự ủng hộ đóng góp của du khách thập phương, đến nay đền Tống Duy Tân đã được trùng tu, tôn tạo khang trang hơn.  Nhìn về tổng thể, Đền thờ được bố trí theo tín ngưỡng “Tam giáo đồng nguyên” của người Việt, gồm 3 phần: Khu đền thờ và mộ Tống Duy Tân, Khu thờ Thành hoàng làng Phủ Cốc và khu thờ Thần. Bước qua Cổng Đền là một khung cảnh tráng lệ, những thành điện bề thế, hoà quyện hài hoà với khung cảnh thơ mộng của động sơn trang, lầu cô, lầu cậu và  hai cây bàng tỏa bóng mát có niên đại trên một trăm tuổi.

Chính điện là một ngôi nhà lớn được xây dựng theo theo dạng tám mái, tường gạch, lợp ngói ống. Toàn bộ cột đền đều hình trụ tròn liên kết với nhau. Trên nóc mái đền được trang trí cảnh "lưỡng long tranh trân châu", các góc mái đắp hình lá cúc cách điệu và hình rồng. Mộ Cụ Tống Duy Tân nằm ở phía tây đền thờ, được xây bằng đá khối hình chữ nhật, đặt xuôi theo đền.

x6.jpg

Du khách thập phương dâng hương tại Chính điện đền xin cầu lộc, cầu tài

Nội thất chính điện còn giữ được những nét cổ kính dù trải qua nhiều lần trùng tu với hơn 20 pho tượng làm từ chất liệu gỗ, đồng đồng được chế tác từ thế kỷ XIX với một phong cách nghệ thuật mang đậm nét văn hóa Bắc Bộ gồm: Ngọc Hoàng, Thị Giả, Hộ Pháp, Kim Cương, các tượng Thánh mẫu…và nhiều bộ bao lam, hoành phi, liễn đối được sơn son thếp vàng.  Khu thờ Thành Hoàng Làng  có hương án và bài vị Cao Sơn đại Vương, hai bên hương án bày kiệu rước, bộ bát bửu, võng lọng và nghi trượng. Một bức hoành phi lớn bằng chữ Hán “Nhất đẳng thần” được treo chính điện. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, đền Tống Duy Tân vẫn còn nguyên giá trị văn hóa, lịch sử, giáo dục về lòng yêu nước, lịch sử đấu tranh bất khuất của dân tộc để cho các thế hệ hôm nay và mai sau gìn giữ và bảo tồn.  

Với giá trị lịch sử và văn hóa đặc sắc, đền thờ Tống Duy Tân được Bộ văn hoá thông tin công nhận là Di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia, trở thành nơi tín ngưỡng văn hóa tâm linh của người dân địa phương và du khách thập phương.

 

Thanh Xuân