date
Đường dây nóng:

Cần tăng cường các biện pháp chấn chỉnh tình trạng vi phạm an toàn giao thông trong học sinh, sinh viên

Đăng lúc: 00:00:00 07/11/2023 (GMT+7)

Những năm qua, các vụ tai nạn giao thông trong học sinh đang có xu hướng gia tăng. Vì vậy, cần phải tăng cường các giải pháp phòng ngừa, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.


 

Ảnh:

Trong những năm qua, các cấp uỷ chính quyền từ tỉnh, thành phố đến các phường, xã  đã xác định công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông  cho học sinh là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên. Nhờ đó, đã phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của Nhân dân giúp công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông cho học sinh có nhiều chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, tình trạng học sinh vi phạm pháp luật về an toàn giao thông hiện nay ngày càng phổ biến và có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là hiện tượng học sinh Trung học cơ sở, Trung học phổ thông đi học bằng phương tiện xe máy điện, xe máy, xe mô tô, không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng ngang, chạy quá tốc độ, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng, gây rối trật tự công cộng, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, kéo đẩy xe khác, sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện, đặc biệt là điều khiển phương tiện khi chưa có giấy phép lái xe đang diễn ra khá phổ biến, làm gia tăng nguy cơ tai nạn giao thông.

Theo báo cáo của Công an thành phố Thanh Hóa, từ cuối năm 2022 đến nay, đã xảy ra trên 100 vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh. Qua số liệu cho thấy lỗi học sinh vi phạm an toàn giao thông chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy chiếm gần 50%; hệ quả tai nạn giao thông liên quan điều khiển xe trên 50 phân khối chiếm trên 70%.

Qua tìm hiểu được biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng tai nạn giao thông vẫn tiếp tục tăng trong lứa tuổi học sinh, sinh viên đó là, các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chưa hiệu quả, nhiều học sinh chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân khi tham gia giao thông; nhiều phụ huynh, nhà trường chưa nhận thức được đầy đủ trách nhiệm trong công tác này. Tổ chức giao thông tại khu vực cổng trường và trong trường học còn nhiều bất cập, việc phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội để quản lý, giáo dục học sinh chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông còn chưa hiệu quả, một bộ phận phụ huynh còn thiếu trách nhiệm dẫn đến khi học sinh ra khỏi nhà thì gia đình xem là việc của xã hội, của nhà trường; khi học sinh ra khỏi trường thì nhà trường xem là việc của xã hội, của gia đình.

Từ đầu năm đến nay, thông qua công tác thanh tra kiểm soát, lực lượng Cảnh sát giao thông – trật tự  Công an thành phố Thanh Hóa đã phát hiện, lập biên bản gần 100 trường hợp học sinh, sinh viên vi phạm trật tự an toàn giao thông. Trong đó, lỗi vi phạm chính như không đội mũ bảo hiểm, nồng độ cồn, đi quá tốc độ, chở quá số người quy định, chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện giao thông.

Để giảm bớt các trường hợp vi phạm giao thông trong lứa tuổi học sinh, sinh viên – những chủ nhân tương lai của đất nước, các phường, xã, các nhà trường cần tuyên truyền để mỗi người tham gia giao thông không được lơ là, chủ quan. Lực lượng Công an cần tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý đối với các trường hợp học sinh vi phạm điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ điều kiện, chưa có giấy phép lái xe. Đồng thời, tiếp tục đổi mới về nội dung, hình thức công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông, đa dạng hóa các biện pháp tuyên truyền, ứng dụng mạng xã hội để các em học sinh dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện. Đặc biệt các bậc phụ huynh hãy có biện pháp để cùng phối hợp với chính quyền, các nhà trường và lực lượng chức năng để giáo dục nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông.

 

Thu Hiền