Quyết liệt chấn chỉnh việc lấn chiếm hè đường
Trong các chương trình thời sự trước, chúng tôi đã phản ánh nhiều về tình trạng chiếm dụng vỉa hè làm nơi kinh doanh, buôn bán tại nhiều địa phương trên địa bàn thành phố Thanh Hóa. Nhiều đoạn đường, hàng quán, xe dựng tràn hết ra vỉa hè, khiến người đi bộ không còn chỗ, đành phải đi xuống lòng đường. Điều này không chỉ khiến người đi đường bức xúc, ảnh hưởng đến việc đi lại, bảo đảm an toàn giao thông, mà còn gây mất trật tự, mỹ quan đô thị. Để trật tự đô thị đi vào nền nếp, các địa phương, ngành chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, cương quyết xử lý các trường hợp cố tình vi phạm..., góp phần lập lại trật tự đô thị, tạo đường thông, hè thoáng và kiềm chế tai nạn giao thông.

Toàn bộ vỉa hè đường Tạnh Xá, phường Đông Vệ (khu vực cơ quan Chi nhánh thủy nông thành phố Thanh Hóa) biến thành chợ tạm gây phức tạp về an ninh trật tự và ATGT.
Nhiều năm nay, toàn bộ vỉa hè đường Tạnh Xá, phường Đông Vệ (khu vực cơ quan Chi nhánh thủy nông thành phố Thanh Hóa) hình thành khu “chợ cóc” tự phát, với hàng chục hàng bán đủ loại. Vào đầu giờ sáng, khu vực này thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, mất trật tự đô thị. Toàn bộ vỉa hè ở đây bị chiếm dụng để bán hàng, họp chợ.
Đây cũng là tình trạng chung tại nhiều tuyến phố trên địa bàn thành phố. Có những tuyến phố, dù vỉa hè rộng 5m, nhưng người đi bộ phải đi xuống lòng đường, vì vỉa hè bị các gia đình ở mặt đường chiếm dụng gần hết để bày hàng hóa. Mỗi khi UBND phường ra quân xử lý thì đường thông, hè thoáng, nhưng một thời gian sau đâu lại vào đấy...Tình trạng người dân lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh, buôn bán cũng diễn ra khá phổ biến, nhất là vào các khung giờ sáng và tối... Vì vậy, đến lúc chính quyền địa phương và ngành chức năng cần kiểm tra, xử lý triệt để, trả lại lối đi cho người đi bộ và bảo đảm mỹ quan đô thị.
Theo Điều 12 Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ, phạt tiền từ 2 triệu đến 6 triệu đồng đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi sử dụng trái phép vỉa hè để họp chợ; kinh doanh dịch vụ ăn uống; bày, bán hàng hóa... Ngoài ra, người vi phạm buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra. Như vậy, hành lang pháp lý xử phạt các vi phạm trên có quy định đầy đủ. Vấn đề là chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần thực hiện quyết liệt và thường xuyên, từng bước giải tỏa việc chiếm dụng vỉa hè làm nơi buôn bán hàng hóa. Trước mắt, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về an toàn, trật tự văn minh đô thị để người dân hiểu và tự giác chấp hành.
Về lâu dài, trên cơ sở nghiên cứu, rà soát lại tình hình buôn bán của người dân và hoạt động giao thông trên địa bàn, thành phố sớm có quy hoạch những khu vực, những tuyến đường được phép kinh doanh buôn bán có thu phí, để sắp xếp đưa vào quản lý. Các địa phương có thể xem xét cho thuê một phần vỉa hè vào thời gian cụ thể trong ngày, bảo đảm không ảnh hưởng đến trật tự đô thị và an toàn giao thông góp phần xây dựng thành phố văn minh và sạch, đẹp.
Thu Hiền
- Hội nghị quán triệt Kết luận số 132 của Bộ Chính trị về công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý
- Thành phố Thanh Hoá có 4 nữ dân quân tham gia diễu binh, diễu hành trong kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam
- Quyết liệt chấn chỉnh việc lấn chiếm hè đường
- Ban CHQS thành phố Thanh Hoá thăm tặng quà dân quân tự vệ có hoàn cảnh khó khăn
- Khó xử phạt người đi bộ vi phạm giao thông
- Lực lượng DQTV thành phố Thanh Hoá vững tin bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên phồn vinh, hùng cường của dân tộc
- Cần nâng cao ý thức người dân trước tội phạm công nghệ cao
- Người dân cần nâng cao trước các thủ đoạn trộm cắp
- Hiệu quả từ Camera với an ninh trật tự trên địa bàn thành phố Thanh Hóa
- Nâng cao vai trò của cộng đồng trong phòng chống ma túy
