date
Đường dây nóng:

Khó xử phạt người đi bộ vi phạm giao thông

Đăng lúc: 00:00:00 27/03/2025 (GMT+7)

Sau khi Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực thi hành, thì việc xử lý chỉ mới dừng lại ở xử phạt các phương tiện vi phạm còn về việc người đi bộ không đi đúng phần đường, qua đường không đúng nơi quy định, qua đường không có tín hiệu bằng tay chưa bị xử phạt hành chính theo quy định.

z6446605749615_0ed3ad6bb05b5b5e0717f82716f43af2.jpg
Người đi bộ tự ý băng qua đường bất chấp các quy định về luật an toàn giao thông.

Theo quy định tại khoản 1, điều 10, Nghị định 168, người đi bộ vi phạm các quy tắc giao thông, như không đi đúng phần đường, qua đường không đúng nơi quy định, không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của đèn tín hiệu… sẽ bị phạt từ 150 nghìn đến 250 nghìn đồng. Mức phạt này cao gấp gần 3 lần so với các quy định trước đây, tuy nhiên vẫn có nhiều người dân đi bộ vi phạm quy định an toàn giao thông.

Theo ghi nhận của chúng tôi,  trên tuyến đường Trần Phú, đoạn  khu vực nút giao với đường Triệu Quốc Đạt (điểm trung tâm thương mại Vincom) vào các buổi sáng thứ 7 và chủ nhật hằng tuần, có không ít người trèo rào vượt qua dải phân cách, trong khi dòng xe ô tô dày đặc nên dễ phát sinh tai nạn nghiêm trọng. Nguyên do có tình trạng trên, người dân cho rằng, phần đường dành cho người đi bộ vốn đã hẹp lại còn thường xuyên bị lấn chiếm, đường đi không bảo đảm, đường có giải phân cách nên người đi bộ chỉ có cách di chuyển xuống lòng đường, vượt qua giải phân cách. Rất nhiều người dân biết đi như vậy là vi phạm giao thông nhưng chắc chắn cơ quan chức năng cũng chẳng thể xử phạt. 

Cũng theo quan sát của chúng tôi, trên địa bàn thành phố Thanh Hóa, nhiều đoạn đường dài vài km nhưng không có điểm sang đường cho người đi bộ nên họ buộc phải băng cắt ngang qua đường. Bên cạnh đó, tâm lý “người đi ô tô, mô-tô luôn nhường đường vì phương tiện to phải đền phương tiện nhỏ nếu xảy ra tai nạn” khiến nhiều người đi bộ ngang nhiên băng qua đường mặc cho các phương tiện giao thông di chuyển, bởi họ nghĩ “các phương tiện phải nhường đường”.

Mặc dù người đi bộ vi phạm các quy tắc tham gia giao thông xuất hiện khá nhiều nhưng việc xử phạt còn hạn chế. Thực tế, từ khi Nghị định 168 có hiệu lực đến nay, lực lượng chức năng chưa xử lý trường hợp người đi bộ vi phạm an toàn giao thông. Nguyên do là, phần đường dành cho người đi bộ đang bị lấn chiếm, xử phạt cũng khó thuyết phục người vi phạm. 

Theo khoản 1, điều 77 Luật Trật tự an toàn giao thông quy định, vỉa hè được sử dụng cho người đi bộ. Trường hợp cần thiết sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè phục vụ sự kiện chính trị, hoạt động văn hóa, thể thao và mục đích khác nhưng phải có phương án cụ thể và được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Thiết nghĩ, để người đi bộ không vi phạm quy định tham gia giao thông, trước hết phải bảo đảm phần đường dành cho người đi bộ. Chính quyền địa phương cần xử lý nghiêm những trường hợp lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh, buôn bán cũng như chống “tái chiếm”, bảo đảm điều kiện di chuyển cho người đi bộ. Cùng với đó, trong quá trình nâng cấp kết cấu hạ tầng, ngành xây dựng cần lưu ý hơn trong việc thi công phần đường dành cho người đi bộ thay vì chỉ tập trung mở rộng làn đường dành cho xe ô tô. Trước mắt, tại các vị trí sang đường dành cho người đi bộ quanh các khu vực ngã ba, ngã tư cần sửa chữa, bổ sung đầy đủ hệ thống vạch cản đường bị mờ, hư hỏng, bảo đảm tiêu chuẩn kích thước, khoảng cách, làm căn cứ để xử lý vi phạm nếu có. Bên cạnh đó, mỗi người dân cần nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông kể cả khi đi bộ tham gia giao thông.

 

Thu Hiền