date
Đường dây nóng:

Tính thống nhất biện chứng giữa quyền con người với quyền dân tộc trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 – Ý nghĩa đối với cuộc đấu tranh vì quyền con người chân chính hiện nay

Đăng lúc: 00:00:00 26/09/2021 (GMT+7)

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, quyền con người không chỉ là các quyền thuộc về cá nhân, là giá trị nhân văn vốn có và thiêng liêng của mỗi người, mà còn là giá trị văn hóa của cộng đồng quốc gia – dân tộc. Cống hiến to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc phát triển lý luận về quyền con người và luật quốc tế về quyền con người là đã gắn kết hai chủ thể của quyền (quyền con người với tính cách là cá nhân và với tính cách là quốc gia – dân tộc) vào trong một khái niệm quyền con người. Cùng với thực tiễn đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam, hai khái niệm pháp lý trên đã được phát triển lên thành quyền dân tộc cơ bản, bao gồm quyền được tồn tại (quyền sống), độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ.

 

Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 – giá trị vượt thời đại trong tư tưởng về quyền con người và quyền dân tộc tự quyết
Việc phát triển khái niệm quyền con người (QCN) thành quyền dân tộc cơ bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện cô đọng trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945, đánh dấu bước phát triển vượt bậc của lý luận về QCN cũng như của luật quốc tế về QCN, khi lần đầu tiên trong lịch sử khái niệm quyền sống, quyền tự do của các dân tộc được mở rộng từ quyền sống, quyền tự do của con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập bằng những luận đề hiển nhiên, được cộng đồng quốc tế thừa nhận rộng rãi: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”(1); đồng thời, đưa ra sự khẳng định đầy tinh tế và sâu sắc: “Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Người dẫn tiếp bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp năm 1789: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Từ hai bản Tuyên ngôn nổi tiếng trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi đến một kết luận: “Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”.

Bằng việc mở rộng QCN chỉ với tính cách cá nhân lên QCN với tính cách quốc gia – dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nâng vấn đề quyền tự nhiên của con người lên một tầm cao mới, trên tinh thần thế giới quan khoa học của chủ nghĩa duy vật biện chứng về lịch sử và xã hội loài người, phản ánh chân thực quá trình lịch sử và thực tiễn tồn tại, phát triển của dân tộc Việt Nam cũng như của các dân tộc bị nô dịch và áp bức trên toàn thế giới. Sự mở rộng chủ thể quyền với nội hàm được sống, được tự do, được mưu cầu hạnh phúc của cá nhân thành của quốc gia – dân tộc là một bước tiến nhảy vọt về lý luận, nhất là vào thời đại các nước thực dân, đế quốc cố tình hạ thấp, chà đạp và tước bỏ phẩm giá của một dân tộc để tôn vinh phẩm giá của kẻ đi bóc lột và nô dịch. Vì thế, ý nghĩa của “sự suy rộng ra” cùng với việc khẳng định quyền được sống của quốc gia – dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đem lại một quan niệm hết sức đúng đắn về mối quan hệ biện chứng giữa tự do cá nhân và tự do của cộng đồng, giữa giải phóng con người và giải phóng xã hội. Trong sự thống nhất đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh tới vai trò giải phóng con người về mặt cá nhân. Người khẳng định rằng, muốn giải phóng toàn bộ những lực lượng xã hội, muốn cho xã hội phát triển, thì trước hết phải giải phóng toàn diện cá nhân, tạo ra những tiền đề cho việc phát huy cao độ khả năng tiềm tàng trong mỗi cá nhân. Và chỉ khi đó, QCN mới được hiện thực hóa.

tuyenngon_14_9_2021_1.jpg
Bác Hồ thăm lớp học vỡ lòng (tranh của họa sĩ Đỗ Hữu Huề)

Bản Tuyên ngôn Độc lập được kết thúc bằng luận điểm đanh thép, hùng hồn, như một lời hiệu triệu quyết tử để bảo vệ quyền tự do vốn có, thiêng liêng và tối thượng của mỗi người và của dân tộc Việt Nam: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”(2). Lời tuyên thệ bất hủ ấy cho thấy khát vọng cháy bỏng về tự do và tinh thần quật cường của dân tộc Việt Nam, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đại diện. Tư tưởng về quyền tự do, dân chủ của bản Tuyên ngôn Độc lập đã trở thành nguyên tắc hiến định. Các quyền và tự do cơ bản của mỗi người luôn gắn liền với các quyền độc lập và tự do của dân tộc, quốc gia, không ngừng được mở rộng về khái niệm và nội hàm thông qua các bản hiến pháp, đặc biệt là Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp năm 2013, với sự phát triển vượt bậc các chế định về QCN. Việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và thực hiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa,… cũng chính là thực hiện và phát triển những tư tưởng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh về QCN.

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyền và tự do cơ bản của con người trước hết là giá trị nhân văn cao quý của loài người, dù chủ thể của quyền là những con người khác nhau về chủng tộc, màu da, lãnh thổ,… Điều này đã được thể hiện rõ trong “Thư gửi những người Pháp ở Đông Dương”: “Hỡi những người Pháp!… Các bạn yêu nước Pháp của các bạn và muốn nó độc lập. Các bạn yêu đồng bào của các bạn và muốn họ được tự do. Lòng yêu nước thương nòi này làm vẻ vang các bạn vì nó là lý tưởng cao quý nhất của loài người… Cái mà các bạn coi là lý tưởng cũng phải là lý tưởng của chúng tôi”(3). Như vậy, đối với Hồ Chí Minh, QCN là giá trị nhân văn, mang tính phổ biến đối với mỗi người, mỗi dân tộc, là sự khẳng định những giá trị thiêng liêng, cố hữu và bất khả xâm phạm. Giá trị nhân văn sâu sắc của QCN không phải do một lực lượng siêu nhiên nào ban phát hay tước đi, mà được sản sinh ra từ trong lịch sử hình thành, đấu tranh và phát triển của con người, hay là kết quả của lịch sử con người, lịch sử nhân loại mà có.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về QCN là sự thể hiện, đúc rút và kế thừa biện chứng giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại, giá trị dân tộc và nhân loại. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, “quyền được an ninh và chống áp bức” được nhấn mạnh ở đây chính là quyền dân tộc tự quyết, bất khả xâm phạm, không can thiệp vào công việc nội bộ của bất kỳ một dân tộc, quốc gia nào, tức là khẳng định quyền dân tộc thiêng liêng và hiển nhiên. Như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát triển và mở rộng nội hàm của khái niệm “nhân quyền”, nâng khái niệm “nhân quyền” lên tầm cao mới về chất khi được áp dụng cho thành tố quan trọng, không thể tách rời của QCN là quyền dân tộc tự quyết, quyền của các dân tộc.

Quyền con người được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập ở đây hoàn toàn không phải là sự sáng tạo của đấng tạo hóa theo nhãn quan của các nhà tư tưởng phương Tây chịu ảnh hưởng sâu đậm của chủ nghĩa hữu thần, mà là việc đem trả lại cái bản thể nguồn cội của QCN là thuộc về mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc và toàn thể nhân loại. Cái bản thể ấy được cô đọng từ giá trị nền tảng, bao gồm phẩm giá, bình đẳng, không phân biệt, tự do và độc lập. Chính những giá trị ấy đòi hỏi con người cần phải được đối xử một cách bình đẳng, được thừa nhận, tôn trọng sự tự trị và tính toàn vẹn với tính cách là một cá nhân độc lập, trong mối quan hệ với những cá nhân khác và với xã hội. Với một quốc gia – dân tộc, trước hết là sự mở rộng của tập hợp cộng đồng bao chứa các cá nhân, đồng thời là sự khái quát hóa và tổng hòa của những cá nhân với những giá trị cố hữu của họ. Theo lô-gíc ấy, đặc tính về phẩm giá, tự do, tính tự trị, tự quyết (độc lập) của mỗi cá nhân cũng chính là đặc tính của mỗi quốc gia – dân tộc. Quốc gia – dân tộc là sự mở rộng của các cá nhân. Do đó, yêu sách về tự do cho mỗi cá nhân là yêu sách về giải phóng dân tộc, là tự do, độc lập cho dân tộc.

Sự phát triển lý luận và pháp luật quốc tế về quyền con người trong tư tưởng Hồ Chí Minh và Tuyên ngôn Độc lập năm 1945

Tư tưởng Hồ Chí Minh về QCN nói chung, quyền dân tộc tự quyết nói riêng đã và đang đóng góp to lớn, cả về lý luận và thực tiễn vào sự phát triển và hiện thực hóa QCN.

Về lý luận, quan điểm của Người về QCN được hun đúc trong suốt quá trình đi tìm đường cứu nước và đặc biệt, được thể hiện trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1945; một mặt, là sự kết tinh nhân phẩm và giá trị của con người Việt Nam trong lịch sử; mặt khác, là sự kế thừa những giá trị nhân văn của loài người. Đó là sự kết hợp một cách biện chứng giữa giá trị truyền thống và hiện đại, giữa dân tộc và thời đại, để từ đó khẳng định hùng hồn các quyền cơ bản của con người gắn liền với quyền dân tộc thiêng liêng: Độc lập, tự do, chủ quyền quốc gia, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ… Bằng sự “suy rộng ra”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền móng cho bước phát triển lý luận về QCN. Người đã nâng những lý tưởng truyền thống của thế kỷ XVIII – XIX lên ngang tầm với lý tưởng của thời đại mới: Thời đại giải phóng dân tộc, đập tan xiềng xích của chủ nghĩa thực dân, thời đại của các dân tộc bị áp bức, bóc lột giành lại quyền sống, quyền độc lập, tự do, quyền dân chủ và phát triển; đã ý thức sâu sắc được vấn đề then chốt của quyền con người là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội và sự giải phóng con người đích thực; đề cao tính quyết định và không tách rời của quyền dân tộc tự quyết, của độc lập, tự do cho dân tộc với QCN. Tư tưởng tiên phong ấy đã trở thành kim chỉ nam cho lý luận đương đại về QCN: Quyền cá nhân gắn liền với quyền của cộng đồng, quyền tập thể; độc lập, tự do cho dân tộc và phát triển là những quyền cơ bản của con người; QCN không bao giờ có thể cao hơn và thoát ly chủ quyền quốc gia.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về QCN không chỉ tạo nền tảng cho việc xây dựng và hiện thực hóa các văn bản pháp lý mang tính chất hiến định và pháp định của Việt Nam, mà còn trở thành một trong những cơ sở của pháp luật quốc tế hiện đại trong việc thiết lập phạm trù “quyền dân tộc cơ bản”. Ngay từ giữa thế kỷ XX, nhiều nước Á – Phi đã thừa nhận đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào việc xác lập một định chế pháp lý quốc tế mới bảo vệ các quyền tự do và bình đẳng của tất cả các dân tộc trên thế giới, đặc biệt là quyền thoát khỏi ách đô hộ của chủ nghĩa thực dân, đế quốc; đóng góp lý luận về quyền dân tộc tự quyết (đặc biệt là quyền được tự do quyết định thể chế chính trị của mình và tự do phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa,…) và quyền của những nhóm người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội (phụ nữ, trẻ em, người già, người nghèo,…). Đánh giá về ý nghĩa và tầm vóc quốc tế đối với tư tưởng về QCN trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1945, tại Lễ trao bằng Tiến sĩ Luật khoa danh dự cho Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1959, Giám đốc Trường Đại học Tổng hợp Băng-đung (In-đô-nê-xi-a) khẳng định: “Đó là một đạo luật mới của nhân dân thế giới khẳng định quyền tự do, độc lập bất khả xâm phạm của các dân tộc bị áp bức”(4).

Về thực tiễn, trong thời đại ngày nay, bảo vệ QCN luôn gắn liền với các mục tiêu lớn của loài người, là chủ đề nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng quốc tế. Quyền con người, mặc dù là đặc quyền vốn có của con người, nhưng không tự nhiên hiện hữu ở tất cả mọi người, mọi dân tộc và mọi nền văn hóa; trái lại, phải trải qua quá trình đấu tranh gian khổ, hy sinh đầy bi tráng của con người trước sự thống trị của những lực lượng tự nhiên và xã hội mới giành được.

Quyền con người là vấn đề chính trị quốc tế mang bản chất lợi ích giai cấp, quốc gia – dân tộc sâu sắc. Trong quan hệ chính trị – pháp lý quốc tế, QCN bị khúc xạ qua lăng kính “tiêu chuẩn kép” về quyền (đang bị xem là dạng thức của “chủ nghĩa đế quốc mới về văn hóa”) mà các siêu cường đã và đang áp đặt cho các quốc gia đang phát triển; là nội dung then chốt trong chiến lược “diễn biến hòa bình” và “can thiệp nhân đạo” cũng như cuộc chiến “chống chủ nghĩa khủng bố” của một số cường quốc thông qua việc hoạch định chính sách đối ngoại, vấn đề an ninh toàn cầu, hòa bình và phát triển.

Các chính sách ấy đã phớt lờ và chà đạp lên luật pháp quốc tế (vốn xác lập nguyên tắc nền tảng là tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và quyền dân tộc tự quyết của các quốc gia trong cộng đồng quốc tế) bằng việc can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền. Vì vậy, hơn lúc nào hết, tư tưởng Hồ Chí Minh về QCN đang rọi chiếu và chỉ lối cho nhận thức và hành động của Đảng và Nhà nước ta trong đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái, thù địch về QCN cũng như trong sự nghiệp chăm lo, bảo vệ và thúc đẩy việc tôn trọng và hiện thực hóa các quyền và tự do cơ bản cho nhân dân đã được khẳng định trong các văn kiện của Đảng. Thực tế đã chứng minh, đối với một dân tộc không có chủ quyền thì không thể có tự do và ngược lại, một dân tộc dùng sức mạnh của mình đi thống trị, nô dịch, áp đặt, chà đạp lên một dân tộc khác thì dân tộc đó cũng không thể là dân tộc nhân danh cho tự do đích thực. Sự thờ ơ, chối bỏ hay tước đi các giá trị thiêng liêng về quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc mà mỗi người dân xứng đáng được hưởng đều đi ngược lại tư tưởng vĩ đại của Người.

Quyền con người gắn liền với quyền dân tộc tự quyết, với độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội

Quyền con người gắn liền với quyền dân tộc tự quyết, với độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn đúng đắn, một con đường phát triển không chỉ của một số quốc gia – dân tộc, mà thực sự là hiện thực và tương lai của nhân loại, là chân lý xác thực đối với các quốc gia bị áp bức, nô dịch, yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới.

Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có đóng góp quan trọng trong phát triển lý luận mác-xít nói riêng, lý luận và hệ thống pháp luật quốc tế nói chung về QCN và quyền dân tộc tự quyết. Cuộc đấu tranh vì quyền phổ thông đầu phiếu, công bằng xã hội, các quyền và tự do cơ bản của người lao động, đặc biệt là của giai cấp công nhân và những nhóm yếu thế trong xã hội, do những người xã hội chủ nghĩa khởi xướng, đã được áp dụng trong xây dựng nhà nước kiểu mới – nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới tại nước Nga Xô-viết vào năm 1917 và Nhà nước dân chủ nhân dân ở Việt Nam vào năm 1945. Những thành tựu to lớn về QCN ở các nước xã hội chủ nghĩa đã được đưa vào trong hệ thống pháp luật quốc tế, thể hiện trong Tuyên ngôn thế giới về quyền con người (năm 1948) và hai công ước quốc tế cơ bản về QCN: Công ước quốc tế về quyền dân sự – chính trị và Công ước quốc tế về quyền kinh tế – xã hội và văn hóa (năm 1966). Không phải ngẫu nhiên, nhóm soạn thảo của Tuyên ngôn thế giới về quyền con người vào năm 1948, bao gồm Rene Cassin (Giáo sư luật và nhà lập pháp người Pháp) và phu nhân Tổng thống Mỹ Elenor Roosevelt – đại biểu cho quan điểm phương Tây, là hai trong số những đại biểu thừa nhận sự mang ơn các lý tưởng xã hội chủ nghĩa, của các nhà xã hội chủ nghĩa và phong trào xã hội chủ nghĩa trên toàn thế giới, sự đóng góp vô giá của chủ nghĩa xã hội hiện thực đối với sự hình thành và phát triển các QCN phổ quát và toàn cầu ngày nay(5). Những tư tưởng tiến bộ về giải phóng giai cấp, giải phóng nhân loại và giải phóng các nhóm xã hội yếu thế của những người cộng sản đã lan tỏa sang những người phi mác-xít, những trào lưu, xu hướng giải phóng dân tộc và các phong trào xã hội khác không theo đường lối xã hội chủ nghĩa.

Bình đẳng và không phân biệt đối xử được xem là nguyên tắc nền tảng, hạt nhân của luật nhân quyền quốc tế hiện đại. Về điểm này, công lao của chủ nghĩa xã hội hiện thực và những người cộng sản là rất đáng lưu ý. Không phải ai khác, chính những người cộng sản và các nước xã hội chủ nghĩa đã kế thừa và phát triển di sản của các cuộc cách mạng xã hội thời kỳ Phục hưng và Khai sáng.

Đóng góp của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với các nhà cộng sản lỗi lạc tiền bối, như C. Mác, Ph. Ăng-ghen, V.I. Lê-nin là đã lan tỏa sức sống mãnh liệt của hệ tư tưởng mác-xít về con người và giải phóng con người, giải phóng giai cấp, dân tộc và nhân loại; đồng thời, góp phần quan trọng vào việc phát triển lý luận và thực tiễn của chủ nghĩa xã hội nói chung và phát triển lý luận về QCN và hệ thống pháp luật quốc tế về QCN nói riêng. Với việc “suy rộng ra” từ QCN của mỗi cá nhân thành quyền tự quyết của mỗi quốc gia – dân tộc, được khẳng định trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 bất hủ, tư tưởng Hồ Chí Minh đã tiếp tục bổ sung, làm sâu sắc thêm hệ tư tưởng của chủ nghĩa Mác – Lê-nin về QCN và giải phóng con người ở những điểm chủ yếu sau: 1- Cách tiếp cận duy vật và lịch sử về quyền con người – điều không thể có ở những học giả tư sản và bảo hoàng của thời kỳ phong kiến, vốn xem các QCN nảy sinh từ yếu tố tự nhiên thuần túy hay được thần thánh hóa; 2- Đấu tranh vì các quyền phổ thông đầu phiếu, bình đẳng về kinh tế và các quyền xã hội cơ bản khác. Các học giả tư sản thời kỳ này chỉ nhấn mạnh đến các quyền dân sự – chính trị, sự bình đẳng chính trị; trong khi đó, những người cộng sản đòi hỏi một thứ bình đẳng thực chất cho tất cả tầng lớp nhân dân lao động; 3- Quyền dân tộc tự quyết. Chủ nghĩa xã hội hiện thực đã cho thấy sự thống nhất chặt chẽ giữa các quyền và tự do cơ bản của cá nhân với độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ.

Chủ nghĩa xã hội hiện thực đã đem lại các quyền đích thực cho mọi người, đặc biệt là cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Các quyền kinh tế – xã hội và văn hóa mà những người cộng sản và các nước xã hội chủ nghĩa đấu tranh và khẳng định từ cuối thế kỷ XIX đến cuối thế kỷ XX là một thành tựu lớn lao làm thay đổi hệ thống pháp luật quốc tế về QCN. Chính cách tiếp cận duy vật, lịch sử về QCN đã đem lại cho QCN sức sống hiện thực trên phạm vi toàn thế giới. Chủ nghĩa xã hội đã chỉ ra rằng, những bước tiến của con người về tự do, bình đẳng, dân chủ đích thực phải được đo bằng bước tiến về bảo đảm tự do, bình đẳng về kinh tế, các chuẩn mực phúc lợi và an sinh xã hội được dành cho tất cả mọi người, đặc biệt là nhân dân lao động.
Chủ nghĩa xã hội hiện thực, với hệ tư tưởng dẫn đường của các nhà mác-xít tiền bối, như C. Mác, Ph. Ăng-ghen, V.I. Lê-nin, và sau này là tư tưởng Hồ Chí Minh, đã đặc biệt nhấn mạnh đến việc giải phóng về chính trị và kinh tế là hai thuộc tính cố hữu, vốn không thể tách rời của mọi cuộc giải phóng và cách mạng xã hội; các QCN không thể tách rời độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa xã hội trước hết là giải phóng chính trị để xác lập sự giải phóng thực sự về kinh tế. Chính vì vậy, trong gần hai thập niên tranh luận và đấu tranh (từ năm 1948 đến năm 1966) kể từ khi Tuyên ngôn thế giới về quyền con người ra đời năm 1948, các nước xã hội chủ nghĩa đã đưa được các quyền kinh tế – xã hội và văn hóa vào hệ thống pháp luật quốc tế về nhân quyền. Công ước quốc tế về các quyền kinh tế – xã hội và văn hóa đã đưa ra ràng buộc pháp lý đối với tất cả các nhà nước, chính phủ phải có nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý trong việc bảo đảm và hiện thực hóa các QCN cơ bản trên thực định cho tất cả mọi người. Đó là các quyền có việc làm, quyền được giáo dục, chăm sóc, chữa bệnh, được hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp, hưu trí, nghỉ ngơi, quyền có nhà ở, quyền có nước sạch, quyền được vui chơi, giải trí, quyền được hưởng thụ và sáng tạo các giá trị văn hóa…

Tư tưởng Hồ Chí Minh về QCN thể hiện nhất quán và xuyên suốt trong quá trình hoạt động cách mạng, được cô đọng qua những danh ngôn: “Một dân tộc nô lệ không thể có con người tự do” và “nước độc lập mà dân không được hưởng tự do, hạnh phúc thì độc lập chẳng có nghĩa lý gì”. Giải phóng dân tộc, đem lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân, ai cũng có cơm no, áo mặc, ai cũng được học hành,… luôn là lý tưởng và lẽ sống của Người. Đó cũng chính là lý tưởng và lẽ sống của dân tộc và nhân loại. Tuyên ngôn Độc lập là sự kết tinh sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về QCN, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao không chỉ về tính nhân văn sâu sắc, giá trị đạo lý và chính trị to lớn đối với các dân tộc thuộc địa và nhân dân lao động trên toàn thế giới, mà còn ở tính khoa học – pháp lý chặt chẽ, sáng tạo, là phương pháp luận đúng đắn về giải phóng dân tộc, giải phóng con người, hiện thực hóa các quyền và tự do cơ bản cho tất cả mọi người. Tư tưởng ấy đã, đang và sẽ soi đường cho sự nghiệp giải phóng con người, giải phóng dân tộc và giải phóng nhân loại, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước nhanh và bền vững, phấn đấu vì mục tiêu cao cả “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.

(Nguồn Tạp chí Cộng sản)