date
Đường dây nóng:

"Cuộc chiến chống tham nhũng của Đảng ta"

Đăng lúc: 00:00:00 12/08/2021 (GMT+7)

Vào hồi 20h48 phút, ngày 13/7/2021, trên kênh VTV1 của Đài truyền hình Việt Nam phát sóng chương trình Đảng trong cuộc sống hôm nay với nội dung “Cuộc chiến chống tham nhũng của Đảng ta”, Ban biên tập Thông tin thành phố tổng hợp tóm tắt nội dung chính như sau:

tải xuống.jpg
Tham nhũng là một dạng của tiêu cực và nhiều hành vi tiêu cực chính là mầm mống và là những dấu hiệu ban đầu của tham nhũng, do đó muốn chống tham nhũng hiệu quả, nhiều ý kiến cho rằng phải có thái độ và đấu tranh mạnh mẽ từ sớm với các hành vi tiêu cực.

Cuộc chiến chống tham nhũng trong thời gian qua đã để lại những dấu ấn rõ nét, tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và ngăn chặn. Tuy nhiên, số vụ án và số đối tượng bị xử lý về tham nhũng chỉ là phần nhỏ so với các biểu hiện tiêu cực đang diễn ra trong cuộc sống. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng. Tinh thần của cuộc chiến trong nhiệm kỳ mới đó là quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn, điều này đã được thể hiện rõ nét ngay ở những ngày đầu, tháng đầu của nhiệm kỳ, mặc dù phải tập trung cao độ cho nhiều công việc quan trọng thế nhưng công tác phòng, chống tham nhũng vẫn tiếp tục được chỉ đạo quyết liệt ngay đầu nhiệm kỳ.

Từ sau Đại hội XIII đến nay, các vụ án lớn đã tiếp tục được chỉ đạo, theo dõi, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định:“Chúng ta không được phép để cán bộ, đảng viên và Nhân dân có cảm giác rằng chúng ta đang chững lại, chúng ta đang trùng lại”, mà đồng chí Tổng Bí thư luôn luôn nhắc nhở rằng: “Đây là một cuộc chiến đầy cam go, phức tạp, phải tiến hành thường xuyên, liên tục, không ngừng, không nghỉ”.

Với tinh thần kiên quyết, kiên trì, liên tục, không dừng, không nghỉ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng yêu cầu: “Tinh thần nhiệm kỳ Đại hội XIII là phải làm mạnh mẽ, hiệu quả hơn nhiệm kỳ trước, không ngại khó, càng khó càng phải quyết tâm cao, càng phải phối hợp tốt hơn nữa”. Tổng Bí thư cũng đặt ra yêu cầu: “Tới đây không chỉ phòng, chống tham nhũng mà Ban chỉ đạo còn mở rộng thêm những lĩnh vực cần đấu tranh, loại bỏ đó là sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống và đây chính là nguồn gốc của những vi phạm”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Không chỉ cốt thu lại tiền và của, hay không chỉ là chống tham nhũng về mặt của cải, tiền bạc mà cái quan trọng hơn là nó làm hư hỏng con người. Sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống mới dẫn đến tham nhũng. Theo tôi là Ban ta cũng phải làm việc này, mà vừa qua đã làm rồi và làm rất có tác dụng, nên chăng là như thế”.

Thực tiễn xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng kinh tế nghiêm trọng, phức tạp vừa qua cho thấy các vụ việc đó đều có hạt nhân tiêu cực, thế nhưng việc xử lý những mảng chìm tiêu cực mới chỉ làm được một phần nhỏ. Nhiều biểu hiện tiêu cực không được đấu tranh và xử lý ngay từ đầu, sau đó đã phát triển thành các sai phạm lớn ví dụ như việc bắt tay giữa cán bộ thoái hóa, biến chất với các doanh nghiệp hình thành các nhóm lợi ích, điều này không chỉ khiến cho tài sản Nhà nước bị thiệt hại mà còn là tổn thất không nhỏ niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, đơn cử như vụ án: AVG, cơ quan tố tụng đã truy tố 2 bị can là nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, 1 bị can là Vụ trưởng vụ quản lý doanh nghiệp; vụ án sai phạm tại tuyến cao tốc TP HCM Trung Lương đã truy tố bị can nguyên là Tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn Bộ quốc phòng, 1 bị can nguyên là Bộ trưởng, 1 bị can nguyên là Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải; vụ án liên quan đến Vũ Nhôm, trong đó truy tố 2 bị can nguyên là thứ trưởng Bộ Công an; vụ án công ty thoát nước Hà Nội đã truy tố 1 bị can nguyên là Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Trong các vụ án này, có thể nhận ra mối quan hệ chặt chẽ giữa một số cán bộ cấp cao với Doanh nghiệp.Đấu tranh ngặn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm cũng được Đảng xác định qua nhiều nhiệm kỳ, thế nhưng qua xử lý các vụ việc, vụ án vừa qua cho thấy việc xử lý lợi ích nhóm cũng như nhiều biểu hiện tiêu cực khác còn rất hạn chế.

Theo báo cáo của các cấp ủy đảng, 5 năm qua đã có trên 87 nghìn đảng viên bị xử lý kỷ luật, trong đó 49 nghìn đảng viên bị kỷ luật do suy thoái về tư tưởng, chính trị về đạo đức, lối sống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chiếm hơn 56%. Từ thực trạng này, nhiều ý kiến cho rằng, muốn chống tham nhũng hiệu quả cần đồng thời chống cả tiêu cực, bởi chống tiêu cực tốt tức là đã ngăn ngừa tham nhũng trước một bước.

Theo kết quả điều tra của Viện nghiên cứu dư luận xã hội có 93% người dân được hỏi bày tỏ sự tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng đối với công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.Nhưng chúng ta không được chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đã đạt được, Đảng vẫn đang quyết tâm hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực với việc tiếp tục hoàn thiện thể chế và kiện toàn về tổ chức bộ máy để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Những công việc khởi động ngay đầu nhiệm kỳ cho thấy những tín hiệu tích cực và lạc quan vào công việc hệ trọng của Đảng và Nhân dân ta trong thời gian tới, để từng bước ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin trong Nhân dân./.

 

Ban Tuyên giáo Thành ủy thành phố Thanh Hóa