date
Đường dây nóng:

Ứng dụng công nghệ hiện đại trong chăn nuôi gia cầm

Đăng lúc: 00:00:00 13/09/2024 (GMT+7)

Những năm gần đây, trên địa bàn thành phố Thanh Hoá, nhiều hộ gia đình đã vươn lên mức sống khá giả nhờ mạnh dạn đầu tư xây dựng các trang trại chăn nuôi theo hướng ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi an toàn sinh học. Mô hình chăn nuôi của gia đình anh Nguyễn Xuân Minh ở phố Thành Công, phường Quảng Thành là một điển hình như thế.

Theo chân cán bộ phường Quảng Thành đến thăm trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng của gia đình anh Nguyễn Xuân Minh chúng tôi ngỡ ngàng trước sự mạnh dạn đầu tư hệ thống chăn nuôi của gia đình anh. Được biết gia đình anh có 2 khu trang trại, một khu nuôi khoảng 16 nghìn con gà đẻ trứng và một khu nuôi khoảng 9 nghìn con. Hệ thống chuồng trại tại khu trang trại nuôi 9 nghìn con được đầu tư hiện đại, tự động hóa, quy trình chăn nuôi khép kín... là những ứng dụng công nghệ hiện đại trong chăn nuôi gia cầm đã và đang được gia đình anh Minh đẩy mạnh áp dụng. Qua đó, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phòng chống dịch bệnh và bảo đảm vệ sinh môi trường chăn nuôi.

z5826672038045_a2122963ae4b22b3b269808ad07ff1f4.jpg
Toàn cảnh hệ thống chuồng trại của gia đình anh Minh.

Được biết anh Minh là người có kinh nghiệm chăn nuôi gia cầm nhiều năm, nhưng từ năm 2023 anh Minh mới bắt đầu làm quy mô chuồng trại tự động hóa gần như 100%. Đặc biệt bài học kinh nghiệm anh Minh  rút ra là tuyệt đối tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi để đạt hiệu quả và năng suất  sao nhất trong đó phải ưu tiên thực hiện tiêm đầy đủ các loại vắc xin, dùng kháng sinh theo đúng định kì để tránh rủi ro bệnh tật, kiểm soát được các bệnh thường xảy ra trên con gà.

z5826672069863_29a248914138124e59af895ef9cf82e9.jpg
Hệ thống cho ăn và nước uống tự động của trang trại anh Minh.

Trước  đây, khi chưa đầu tư máy móc hiện đại, gia đình anh phải thuê khá nhiều nhân công để cho gà ăn, trộn thức ăn thủ công, vệ sinh chuồng trại... nhất là mỗi khi vào mùa hè, gia đình anh  luôn đứng trước nỗi lo khi nhiệt độ quá cao làm ảnh hưởng đến sức khỏe con nuôi. Để nâng cao hiệu quả chăn nuôi, giảm nhân công và hạn chế rủi ro anh đã mạnh dạn vay vốn, đầu tư các loại máy móc hiện đại để hỗ trợ sản xuất. Qua tham quan tìm hiểu, được biết khu trang trại nuôi 9 nghìn con gà, anh Minh đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền cho ăn và uống nước, vệ sinh chuồng trại tự động và  hệ thống dây chuyền nhặt trứng tự động. Qua tìm hiểu được biết, hiện nay mỗi ngày khu trang trại này cho sản lượng 8 nghìn trứng, với hệ thống dây chuyền nhặt  trứng tự động này, 1 người làm trong khoảng 3 tiếng/ngày.

z5826672102288_f55619ce8f9f27f920c8f9d11fcc6fbf.jpg

Hệ thống nhặt trứng tự động được anh Minh đầu tư hiện đại.

Cũng theo anh Minh, để hạn chế tối đa rủi ro trong mùa nóng, anh  đã đầu tư lắp đặt hệ thống làm lạnh, quạt thông gió, máy nổ... và hệ thống máng nước, cho ăn đều tự động để giảm công lao động, hạn chế thức ăn rơi vãi ra nền chuồng, đảm bảo được yêu cầu phòng chống dịch; nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm chuồng nuôi được điều khiển tự động và điều chỉnh phù hợp theo từng giai đoạn của đàn gà. Từ đó, người chăn nuôi đã tiết kiệm được nhiều thời gian trong quy trình chăm sóc gà mái đẻ mà vẫn đảm bảo nhiệt độ, độ ẩm trong chuồng chăn nuôi. Qua đó, góp phần giải phóng sức lao động, giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, phù hợp với xu thế thị trường. Với việc chủ động đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi nên trứng của gia đình anh Minh đạt chất lượng sản phẩm vệ sinh ATTP.

Trang trại chăn nuôi gia cầm của hộ anh Nguyễn Xuân  Minh hiện được đánh giá là một trong những mô hình ứng dụng công nghệ cao quy củ và bài bản nhất của thành phố Thanh Hoá  nói chung và phường Quảng Thành nói riêng. Hy vọng với sự hăng say lao động, chịu khó học hỏi, dám nghĩ dám làm, biết ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, những người như anh Minh sẽ là gương mặt điển hình trong phát triển kinh tế góp phần vào việc xây dựng nền nông nghiệp bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

Thu Hiền