Chuyển đổi số – Xu thế tất yếu trong thời đại 4.0
Đăng lúc: 00:00:00 22/04/2025 (GMT+7)
Trong bối cảnh thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số đã trở thành một yêu cầu tất yếu, là xu hướng không thể đảo ngược của mọi quốc gia, tổ chức và cá nhân. Tại Việt Nam, chuyển đổi số không chỉ là một định hướng chiến lược mà còn là động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, hướng tới mục tiêu xây dựng một quốc gia số, xã hội số và công dân số.
Hiểu một cách đơn giản, chuyển đổi số là quá trình áp dụng công nghệ số để thay đổi căn bản cách vận hành, quản lý và cung cấp dịch vụ trong mọi lĩnh vực của đời sống. Tuy nhiên, chuyển đổi số không chỉ dừng lại ở việc “số hóa” các quy trình truyền thống, mà còn bao gồm cả việc thay đổi tư duy, phương thức lãnh đạo, mô hình kinh doanh và tương tác xã hội. Điểm cốt lõi của chuyển đổi số chính là lấy con người làm trung tâm, công nghệ làm công cụ và dữ liệu là tài sản chiến lược. Thành công của chuyển đổi số không phụ thuộc hoàn toàn vào việc đầu tư thiết bị hiện đại, mà nằm ở năng lực đổi mới sáng tạo, khả năng thích nghi và sẵn sàng thay đổi của cả hệ thống – từ lãnh đạo đến người lao động, từ cán bộ công quyền đến người dân. Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội lớn để bứt phá nhờ chuyển đổi số. Theo Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong năm 2024, kinh tế số đã đóng góp khoảng 16,5% vào GDP quốc gia, tăng trưởng nhanh chóng trong các lĩnh vực như thương mại điện tử, tài chính số, giáo dục trực tuyến và nông nghiệp thông minh.
Tại nhiều địa phương, mô hình “chính quyền số” đang từng bước được xây dựng và vận hành hiệu quả. Các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 ngày càng phổ biến, giúp người dân tiết kiệm thời gian, chi phí và giảm bớt phiền hà hành chính. Ngành y tế triển khai khám chữa bệnh từ xa, giáo dục ứng dụng nền tảng học trực tuyến, các doanh nghiệp đẩy mạnh sử dụng phần mềm quản trị, hệ thống bán hàng tự động và phân tích dữ liệu lớn để tối ưu hoạt động kinh doanh. Những tổ chức linh hoạt, biết tận dụng công nghệ để thích ứng, sáng tạo, chính là những đơn vị vượt qua khủng hoảng nhanh hơn và vững vàng hơn.
Bên cạnh những lợi ích rõ rệt, chuyển đổi số cũng đặt ra không ít thách thức. Nhiều cơ sở vẫn còn tư duy e ngại thay đổi, thiếu nguồn lực tài chính và nhân sự chuyên môn. Một bộ phận người dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, chưa có điều kiện tiếp cận công nghệ, kỹ năng số còn hạn chế. Bên cạnh đó, vấn đề an toàn thông tin, bảo mật dữ liệu, quyền riêng tư trên môi trường số cũng đang là mối quan tâm lớn. Khi dữ liệu trở thành tài nguyên quý giá, việc khai thác và sử dụng hợp lý, minh bạch và có kiểm soát là điều vô cùng quan trọng. Để giải quyết những vấn đề trên, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ và đồng bộ của toàn xã hội. Chính phủ đã ban hành nhiều chiến lược, đề án quan trọng như Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó nhấn mạnh ba trụ cột: chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Tuy nhiên, để các chính sách đi vào thực tiễn, điều quan trọng là sự phối hợp hiệu quả giữa các cấp chính quyền, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và từng cá nhân. Một xã hội số không chỉ là nơi các dịch vụ hành chính công được thực hiện trên mạng, hay người dân có thể thanh toán điện tử, mua hàng online. Đó là một xã hội mà mọi người dân đều được tiếp cận công nghệ, có kỹ năng số để học tập, làm việc và sáng tạo. Là nơi các doanh nghiệp sử dụng dữ liệu để đưa ra quyết định chính xác, nơi chính quyền điều hành hiệu quả và minh bạch hơn nhờ công nghệ số.
Để đạt được điều đó, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức đóng vai trò rất quan trọng. Chuyển đổi số không thể thành công nếu người dân không hiểu rõ lợi ích, hoặc chưa thấy vai trò của mình trong tiến trình đó. Cần đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng số cho cán bộ, hội viên, đoàn viên và người lao động; đồng thời khuyến khích các mô hình cộng đồng học tập, chuyển đổi số tại cơ sở. Thế giới đang chuyển mình từng ngày với tốc độ số hóa chóng mặt. Trong làn sóng phát triển ấy, Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc. Chuyển đổi số không chỉ là xu thế mà là con đường tất yếu để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cải thiện chất lượng sống cho người dân và hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng.
Chính vì vậy mỗi cá nhân, mỗi tổ chức, mỗi ngành, mỗi địa phương hãy coi chuyển đổi số là một nhiệm vụ trọng tâm, là cơ hội để thay đổi, để bứt phá và để vươn lên. Bởi tương lai của chúng ta, chính là tương lai số.
Thu Hà
Các tin khác
- Trường Mầm non Đông Tiến tổ chức chương trình dã ngoại thăm viếng tượng đài Liệt sĩ xã
- Kỳ họp thứ 5 HĐND thành phố thông qua nghị quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã
- Đảng bộ Công ty CP Xây lắp Điện lực Thanh Hóa tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2025 – 2030
- Hội nghị lắng nghe ý kiến Nhân dân trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã
- Chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 5/2025
- Chuyển đổi số – Xu thế tất yếu trong thời đại 4.0
- Khai giảng lớp bồi dưỡng nhân thức về Đảng khóa IX năm 2025
- Thông báo kỳ họp thứ 5 HĐND thành phố
- Cựu chiến binh Lê Sỹ Xuân vượt lên khó khăn, phát triển kinh tế gia đình
- Xã Đông Văn tập trung phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ
Truy cập
Hôm nay:
1260
Hôm qua:
3703
Tuần này:
11569
Tháng này:
68217
Tất cả:
3638105
