date
Đường dây nóng:

Thắm tình quân dân trên “đất lửa” Hàm Rồng

Đăng lúc: 00:00:00 31/03/2025 (GMT+7)

Cầu Hàm Rồng lịch sử nằm trên tuyến đường Bắc - Nam của vùng đất xứ Thanh “địa linh nhân kiệt”, sơn thủy hữu tình bắc qua sông Mã, với lối kiến trúc độc đáo, gắn liền với lịch sử phát triển của mảnh đất xứ Thanh hào hùng, ý chí quật cường của người Thanh Hóa. Cây cầu này cũng đã chứng kiến những tình cảm, tình quân dân trong chiến tranh của người dân nơi đây.

 z6460649780872_fff90da4ddba4d852676af402a2b126d.jpg

Tình quân dân trên trận địa Hàm Rồng (ảnh tư liệu)

Cách đây 60 năm, ngày mùng 3 và mùng 4 tháng Tư năm 1965, khi Mỹ leo thang chiến tranh ném bom ra miền Bắc, quân và dân Thanh Hóa đã sát cánh cùng các đơn vị bộ đội chủ lực, công an vũ trang làm nên chiến thắng Hàm Rồng lịch sử, với kỳ tích bắn rơi 117 máy bay của không lực Hoa Kỳ. Từ năm 1965 đến năm 1972, quân và dân ta đã kiên cường bám trụ, bảo vệ vững chắc cầu Hàm Rồng - huyết mạch giao thông quan trọng trên tuyến đường chiến lược Bắc - Nam. Trong suốt những năm tháng ấy, Nhân dân Hàm Rồng, Nam Ngạn, Yên Vực, Từ Quang, Đông Sơn đã không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, dũng cảm chiến đấu và phục vụ chiến đấu, trở thành hậu phương vững chắc cho trận địa lửa Hàm Rồng.

Giữa lúc bom đạn địch đang dội xuống dày đặc, dân quân Yên Vực (Hoằng Long) vẫn chèo thuyền vượt sông Mã chở đạn dược cho bộ đội cao xạ. Nữ anh hùng Ngô Thị Tuyển vượt đạn bom vác 98kg đạn, nặng gấp đôi trọng lượng cơ thể mình tiếp cho bộ đội. Tổ cứu thương Lò Cao gồm 6 cô gái băng mình qua lửa đạn địch tới các khẩu đội pháo để băng bó vết thương cho thương binh, tiếp đạn, lau đạn.

Bất chấp máy bay địch gầm rú, ném bom đánh phá, dân công làng Hạc Oa (Đông Cương) không quản hiểm nguy tiếp đạn, cứu thương cho các trận địa cao xạ đồi 75, C4, Quyết Thắng, Không Tên. Hàng trăm các mẹ, các chị trong làng Đông Sơn nấu cơm đưa ra từng trận địa cho bộ đội… đã đi vào lịch sử như một huyền thoại khiến dư luận nước Mỹ xôn xao, bạn bè yêu chuộng công lý và hòa bình trên toàn thế giới khâm phục.    

Chiến thắng Hàm Rồng ngày 3 và 4/4/1965 đã làm nức lòng quân, dân cả nước, trở thành động lực tiếp thêm niềm tin, ý chí để quân, dân cả nước tiếp tục tiến lên đánh thắng hoàn toàn đế quốc Mỹ và tay sai, giành lại độc lập tự do, thống nhất đất nước. Chiến thắng này đã khẳng định sức mạnh đại đoàn kết được hun đúc từ ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Sức mạnh ấy đã được người Thanh Hóa nhân lên tạo thành một thứ vũ khí phi thường đánh thắng kẻ thù ngay từ trận đầu tiên.

z6460649798731_afd454bee51d6266ae71b5cc52eab328.jpg
Cầu Hàm Rồng hôm nay.

Chiến tranh đã qua đi, cây cầu Hàm Rồng cùng hai chữ “Quyết Thắng” uy nghiêm tạc vào sườn núi như một biểu tượng sáng ngời về chủ nghĩa yêu nước và anh hùng cách mạng của dân tộc Việt Nam. Với mỗi người con Thanh Hóa, Hàm Rồng - Sông Mã còn là hiện thân của quê hương, vừa gần gũi, thân thuộc, vừa rất đỗi thiêng liêng, tự hào.

 

Thu Hiền