date
Đường dây nóng:

Nơi lưu giữ cùng thời gian

Đăng lúc: 00:00:00 20/02/2023 (GMT+7)

Ngược dòng lịch sử, vào cuối năm 1946, Thanh Hóa là vùng tự do, hậu phương rộng lớn, quan trọng của cuộc kháng chiến. Dù bận trăm công ngàn việc, ngày 20-2-1947, Bác Hồ đã về thăm tỉnh Thanh Hóa. Lần đầu tiên Bác về thăm đã trở thành mốc son quan trọng trong lịch sử Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa nói chung và Đảng bộ, Nhân dân thành phố Thanh Hóa nói riêng. Nhân dịp này chúng tôi mời quý vị và các bạn ghé thăm Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nơi đây lưu giữ những kỷ vật thiêng liêng về Bác qua 4 lần Người về thăm Thanh Hóa. Qua bao đổi thay, những kỷ vật ấy vẫn sống mãi trong lòng người dân Thanh Hóa.

z4123178479560_8675db8f16d59b9e51dfae4807963360.jpg

Năm 2000, nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tấm lòng tôn kính sâu sắc, Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa đã phát động, quyên góp quỹ xây dựng khu văn hóa tưởng niệm Hồ Chí Minh. Khu Văn hóa tưởng niệm có diện tích 12.000 m2 , kinh phí xây dựng do nhân dân đóng góp và Nhà nước đầu tư trên 10 tỷ đồng. Chỉ sau một năm, công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng (từ tháng 9/2001).  Đây là công trình văn hóa ý nghĩa thể hiện tình cảm tri ân sâu sắc của nhân dân Thanh Hóa đối với “vị cha già kính yêu” của dân tộc.

Khu Văn hóa tưởng niệm được đặt trên gò đất cao so với mặt đường 4m với nhiều hạng mục công trình kiến trúc đẹp uy nghiêm kết hợp hài hòa giữa vẻ đẹp truyền thống và hiện đại. Trước cổng chính là bức bình phong được chế tác bằng đá nguyên khối Granit (có ở Đà Nẵng) nặng hơn 3 tấn được các bàn tay nghệ nhân trạm khắc chữ trang trọng “Hồ Chí Minh- anh hùng giải phóng dân tộc- danh nhân văn hóa thế giới- lãnh tụ kiện xuất của nhân dân Việt Nam”. Đây được xem là thế giới linh thiêng trong tâm linh của người dân Thanh Hóa bởi chính nơi đây đang cất giữ những kỷ vật thiêng liêng liên quan trực tiếp đến cuộc sống sinh hoạt, sự nghiệp chính trị cứu nước của chủ tịch Hồ Chí Minh và miền ký ức về lịch sử hào hùng của người dân xứ Thanh.

z4123178468493_4cc8127fff92e4bb3540004cc4d7d4ef.jpg

Trong quá trình hoạt động và lãnh đạo cách mạng, với tầm nhìn sâu rộng, Bác đã đặt rất nhiều kỳ vọng về quê hương Thanh Hóa, vì Thanh Hóa là một tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng, một tỉnh đông dân, luôn dẫn đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, làm tốt nhiệm vụ kháng chiến, đặc biệt là tỉnh có tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên phong phú đã đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến. Thanh Hóa là một trong những tỉnh vinh dự được đón Bác Hồ về thăm nhiều lần.

Nằm im ắng, tĩnh lặng trong tủ kính trưng bày của Khu Văn hóa tưởng niệm là những bức ảnh cũ, những hình ảnh Bác chụp chung với nhân dân Thanh Hóa chứa chan tình cảm sâu sắc. Đây là kỷ niệm ngày 20/2/1947, lần đầu tiên Bác về thăm Thanh Hóa, thời điểm thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta một lần nữa. Trong lúc nhân dân Thanh Hóa đang gấp rút chuẩn bị mọi mặt cho kháng chiến, Bác về Thanh Hóa khẩn trương, tranh thủ từng phút từng giờ, bí mật làm việc với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa tại Rừng Thông- huyện Đông Sơn bàn về “Cán bộ” và “kháng chiến”. Bác mong muốn: “Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu thì phải làm sao cho mọi mặt chính trị, kinh tế, quân sự phải là Tỉnh kiểu mẫu. Làm một người kiểu mẫu, một làng kiểu mẫu, một huyện kiểu mẫu, một tỉnh kiểu mẫu. Quyết tâm làm thì sẽ thành kiểu mẫu. Tôi kêu gọi đồng bào trong tỉnh xắn tay áo làm đi, lần sau về đây, tôi sẽ thấy mỗi người là một người kiểu mẫu”. Tất cả kỷ niệm của Bác khi về thăm Thanh Hóa  đều để lại dấu ấn với người dân Thanh Hóa bởi những hình ảnh, kỷ vật đó đều được Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh cất giữ, nâng niu và trân trọng. Tại đây có nhiều hạng mục công trình, trong đó có Nhà dâng hương với diện tích trên 500m2, trưng bày trên 120 tài liệu, hình ảnh và hiện vật về bốn lần Bác về thăm Thanh Hóa và những hình ảnh Thanh Hóa làm theo lời Bác. Nằm trang trọng bên cửa ra vào đó chính là chiếc tủ kính đựng bộ quần áo kaki đã bạc màu, chiếc gậy cầm tay, đôi dép cao su và chiếc máy chữ đã theo Bác suốt cả cuộc đời. Rời mắt khỏi chiếc tủ kính, rơi vào tầm ngắm của chúng tôi là chiếc rổ tre, cuộn dây thừng và tấm lưới Bác cùng với ngư dân xóm Sơn- thuộc thị xã Sầm Sơn kéo lưới. Những vật dụng tưởng chừng đơn giản nhưng lại có giá trị tinh thần lớn lao, cho thấy Bác là một người giản dị, gần gũi và luôn chăm lo đến đời sống sinh hoạt của người dân, đặc biệt là người dân xứ Thanh.

z4123178492161_90aa61ac8ff45a2671a705e4ca9046d1.jpg

z4123178486061_70425237a3f8e59f41659a12ce627d5e.jpg

z4123178474444_289c94aeeca6c49d2aa21e4d2a6d507f.jpg

z4123178486617_8275abc36af3f95e34b71e3ab1a5c098.jpg
Những bức ảnh quý Bác Hồ về thăm Thanh Hóa (Tư liệu)

Cùng với những hình ảnh đen trắng đóng khung trang trọng là những công điện của Bác khen ngợi nhân dân Thanh Hóa, những bức huyết tâm thư của người dân Thanh Hóa hứa với Bác phấn đấu trở thành tỉnh kiểu mẫu, những bài báo, những cuốn sách Bác yêu thích, những tấm bằng khen Bác viết bằng giấy ngợi khen các cụ lão dân quân Hoằng Trường bắn rơi máy bay bằng súng bộ binh, Trung đội nữ dân quân Hàm Rồng- Nam Ngạn… những chiếc cờ đã phai màu theo thời gian… Xen lẫn những kỷ vật hàng chục năm về trước là những kỷ vật, hình ảnh về thành tích của Thanh Hóa trong thời kỳ đổi mới được tỉnh và Thành phố tặng khen.

Nhân dịp này, tại Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ có nhiều hoạt động ý nghĩa được diễn ra như: tổ chức cho các đoàn của Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị, phường, xã trên địa bàn tỉnh đến báo công, dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ công lao to lớn của Bác.

Khắc ghi lời dạy của Bác, những năm qua, Đảng bộ và nhân dân thành phố Thanh Hóa đã đoàn kết, nhất trí, chung sức, chung lòng, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, lập nên những chiến công to lớn, đóng góp quan trọng vào những thắng lợi của tỉnh và cả nước. Tiếp bước cha anh trong thời kỳ đổi mới, thế hệ trẻ hôm nay phải trân trọng những giá trị lịch sử để lại, giữ gìn và phát huy bản sắc vốn có của dân tộc. Với những giá trị truyền thống của dân tộc, trường tồn với thời gian, Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự là địa chỉ đỏ- địa chỉ văn hóa có sức sống trường tồn trong tâm hồn người dân xứ Thanh nói riêng và người dân Việt Nam nói chung.

 

Kim Dung