date
Đường dây nóng:

Một Hội An lung linh giữa lòng thành phố Thanh Hóa

Đăng lúc: 00:00:00 03/09/2023 (GMT+7)

Những ngày này, hàng nghìn du khách, người dân trên địa bàn đã đến Công viên Hội An, thành phố Thanh Hóa để chiêm ngưỡng, hòa mình vào không khí, cảnh quan văn hóa đặc sắc.

Trang trí đèn lồng tại các gian hàng.jpg
Đèn lồng được trang trí tại trước các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm.

Công trình phố cổ Hội An thu nhỏ bao gồm: chùa Cầu, 15 căn nhà gỗ, trong đó có 9 căn nhà 1 tầng và 6 căn nhà 2 tầng. Những công trình này được xây dựng đúng theo nguyên mẫu gốc tại Hội An và có tỉ lệ nhỏ hơn. Đặc biệt, từ ngày 30/8 – 4/9, tại đây đã diễn ra các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao chào mừng 78 năm ngày Quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Tham gia các hoạt động, du khách sẽ được trải nghiệm về không gian đặc trưng của các gian hàng giới thiệu sản phẩm Ocop, bước vào thế giới lung linh sắc màu được trang trí từ cổng công viên vào đến khu vực nhà truyền thống Hội An.

Các con đường cũng được trang trí đèn lồng đẹp mắt.jpg
Các con đường cũng được trang trí đèn lồng đẹp mắt
.

Để tạo điểm nhấn cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao chào mừng 78 năm ngày Quốc khánh 2/9, thành phố Thanh Hóa đã trang trí hàng trăm chiếc đèn lồng tạo không gian lung linh, huyền ảo phục vụ khách du lịch tham quan.

Đến với công viên Hội An, du khách sẽ bị hút hồn bởi sắc màu huyền bí của những chiếc đèn lồng giăng kín các ngả đường. Mỗi chiếc đèn lồng mang một vẻ đẹp huyền ảo, nhẹ nhàng và sâu lắng, được treo lơ lửng dưới những hàng cây, trên các mô hình tái diễn lại khung cảnh phố cổ Hội An, chùa cầu và nhiều không gian khác. Đèn lồng Hội An có đủ kích cỡ, chủng loại với nhiều sắc màu mê hoặc.

Chùa Cầu vào buổi tối lung linh, huyền ảo..jpg
Chùa Cầu vào buổi tối lung linh, huyền ảo.

Được biết, để làm nên một chiếc đèn lồng hoàn hảo,người thợ đã dùng nguyên liệu chính là tre và vải lụa. Tre dùng để tạo khung lồng đèn là loại tre già được ngâm kỹ bằng nước muối từ 10-15 ngày. Sau đó, tre được phơi khô, chẻ ra và vót mỏng thành từng nan tùy theo kích cỡ của từng loại đèn. Nan được gắn vào hai vòng gỗ ở hai đầu rồi kết nối bằng các sợi dây dù. Cuối cùng người thợ sẽ dùng tay chỉnh sửa để có một khung đèn cân xứng. Vải bọc đèn thường là vải lụa tơ tằm nhiều màu sắc, có độ dai. Trước tiên vải được cắt ra làm nhiều mảnh tùy theo kích thước của đèn sau đó bôi keo rồi dán lên khung đèn. Khi căng vải đòi hỏi người thợ phải khéo léo để căng thẳng góc ở những đoạn cong. Dán vải xong, người thợ sẽ dùng kéo cắt tỉa, sau đó dùng chuôi gắn vào khung đèn. Chuôi đèn được làm bằng sợi tơ nhân tạo gắn với một viên bi gỗ. Thế là hoàn thành một chiếc đèn lồng”.

Đèn lồng là điểm nhấn trang trí tại công viên Hôi An 1.jpg

Đèn lồng là điểm nhấn trang trí tại công viên Hôi An 2.JPG

Đèn lồng là điểm nhấn trang trí tại công viên Hôi An 3.jpg
Đèn lồng là điểm nhấn trang trí tại công viên Hôi An.

Phiên bản dãy phố cổ Hội An dường như được thu nhỏ giữa lòng thành phố Thanh Hóa. Đèn lồng Hội An rất đẹp, nhẹ nhàng mang nét văn hóa độc đáo riêng của phố Hội. Đêm về, công viên Hội An mang một vẻ đẹp hết sức nên thơ. Thả bộ chầm chậm trên những con đường nhỏ trong công viên, ngắm nhìn không gian tái hiện cổ kính, trầm mặc nhưng lung linh ánh đèn lồng, du khách sẽ ngỡ như mình đang lạc vào phố cổ của thành phố Hội An của tỉnh Quảng Nam.

Kim Dung