date
Đường dây nóng:

Lễ chùa đầu năm, nét đẹp văn hóa của người Việt

Đăng lúc: 00:00:00 12/02/2024 (GMT+7)

Tết Nguyên đán là lễ tết quan trọng nhất của người Việt. Từ bao đời nay, Tết là dịp để mọi người hướng về nguồn cội, đoàn tụ sum vầy, nghỉ ngơi vui chơi sau một năm làm việc nhọc nhằn, vất vả. Tết cũng là cơ hội để lắng tụ, kết tinh, lưu giữ và lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp từ ngàn đời mà cha ông đã truyền lại. Một trong những nét đẹp văn hóa rất đáng quý của người Việt đó là đi lễ chùa vào dịp đầu năm mới.

IMG_8803.jpg

Trong tâm thức của người Việt, chùa là chốn tôn nghiêm, linh thiêng nhưng cũng rất gần gũi. Chùa là nơi có giáo lý nhà Phật hướng định con người đến các giá trị đạo đức thiện lành, hiểu biết, yêu thương, từ bi hỉ xả; khuyên mọi người tránh xa lầm lạc, tham, ác, sân, si… Chính vì thế, cửa thiền, cửa Phật, cửa chùa luôn rộng mở với mọi người và ai cũng cảm thấy bình yên, thảnh thơi, an lành, hạnh phúc…mỗi khi lui tới viếng thăm. Đi lễ chùa đầu năm để ước nguyện, cầu bình an cho một năm mới là một trong những hoạt động không thể thiếu của người dân trong dịp tết đến, xuân về. Đây cũng là nét đẹp văn hóa của người Việt được gìn giữ và phát huy từ thế hệ này qua thế hệ khác.

IMG_8802.jpg

Những ngày đầu năm mới, các ngôi chùa trên địa bàn thành phố Thanh Hoá luôn rực sáng ánh đèn, hương hoa, thu hút đông đảo du khách tìm tới. Người thì cầu tài, cầu lộc, cầu duyên, người thì cầu bình an, sức khỏe cho bản thân và người trong gia đình; cũng có những người đến chùa chỉ để tìm lấy những giây phút bình yên nhằm xua tan đi những lo toan, vất vả trong cuộc sống..

Đi lễ chùa đầu năm là nét đẹp văn hóa của người Việt Nam từ xa xưa và luôn được lưu giữ cho đến hôm nay. Nét đẹp đó thể hiện ở chỗ du khách, phật tử đến chùa trong những ngày đầu năm mới để cầu mong may mắn, tài lộc, dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, gia đình hạnh phúc... Trong nghi ngút khói hương hòa quyện với không khí ngày xuân đang tràn về giữa tiết trời se lạnh khiến ai nấy đều bồi hồi. Điều đáng ghi nhận là bà con Phật tử hoặc khách du xuân viếng chùa đều hành xử rất văn minh, lịch sự, thành tâm. Từ trang phục đẹp, kín đáo với áo dài truyền thống cho tới cung cách đi đứng, nói năng ứng xử đều nhẹ nhàng, vui vẻ, có văn hóa, không có hiện tượng gây phản cảm như chen lấn, xô đẩy hoặc bẻ cành, lặt lá trong chùa…

Để bảo đảm an toàn cho du khách, các địa phương đã sớm triển khai các phương án, trọng tâm là bố trí, sắp xếp một cách hợp lý. Ngoài ra, ban quản lý chùa cũng cử các phật tử, thanh niên phục vụ, tiếp đón người dân đến chùa một cách chu đáo, tận tình, dẹp bỏ tình trạng chen lấn, xô đẩy khi dâng hương và đảm bảo sự thành kính, tôn nghiêm. Đồng thời, tích cực dọn dẹp vệ sinh, trang trí đèn hoa tại các di tích trong dịp Tết Nguyên đán. Cùng với đó, hướng dẫn tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh khi đến với các di tích lịch sử - văn hoá.

IMG_8801.jpg

Đầu năm đến chùa để cầu nguyện bình an, may mắn chính là nét đẹp văn hóa tín ngưỡng, tâm linh của người Việt. Vấn đề là mỗi người cần phải nâng cao nhận thức và có cách ứng xử đúng đắn để vừa gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, vừa thể hiện nét đẹp văn hóa du xuân mỗi dịp tết đến xuân về.

 

Thu Hiền