date
Đường dây nóng:

Chuyện đi chúc Tết

Đăng lúc: 00:00:00 22/01/2023 (GMT+7)

Tết Nguyên đán Quý Mão2023 là dịp gia đình vui vầy sum họp, trao cho nhau nụ cười và những lời chúc tụng, mừng tuổi để bày tỏ lòng hiếu thảo, tình thương yêu của mọi người trong gia đình. Mỗi lời chúc tượng trưng cho mong ước một năm mới an vui, may mắn và hạnh phúc. Phong tục chúc Tết là một nét đẹp văn hóa, mang nhiều điều tốt đẹp tới những người thân xung quanh mình.

 ảnh chúc tết.jpg

Ảnh minh họa

Ngày tết, mọi thành viên trong gia đình đều sum vầy bên nhau, bày tỏ tình yêu thương và mong muốn cho mọi người được vạn sự như ý. Theo tục lệ từ ngàn xưa, trong những ngày đầu năm mới, mọi người thường đi chúc Tết người thân, bạn bè với lời chúc tốt lành. Xưa đã có câu “Mồng một Tết cha, Mồng hai Tết mẹ, Mồng ba Tết thầy”, đó là đạo lý tốt đẹp nói lên sự quan tâm và tình thân giữa con người với nhau. Phong tục chúc Tết đầu năm còn thể hiện sự tri ân của con cháu với ông bà cha mẹ hai bên nội, ngoại. Cùng với đó là tinh thần “Uống nước, nhớ nguồn” bao đời của người Việt.

Sáng ngày mồng Một - ngày đầu tiên của năm mới, các gia đình sẽ chúc thọ cha mẹ, ông bà và thắp hương cúng bái tổ tiên để tỏ lòng thành kính. Đây cũng là nét truyền thống văn hóa của mỗi gia đình, mỗi dòng họ và của cả dân tộc. Nhiều câu chúc ý nghĩa sẽ được gửi gắm đến người thân như: Con chúc ông bà luôn mạnh khỏe, sống lâu trăm tuổi, bách niên giai lão, chúc cho sức khỏe dồi dào, vạn sự như ý, chúc gia đình làm ăn phát đạt, buôn may bán đắt… Kèm theo lời chúc là thái độ vui vẻ, tươi cười, cung kính, lễ phép và thân thiện. Quanh năm làm ăn vất vả, ít có điều kiện qua lại thăm hỏi nhau, ngày Tết là cơ hội để mọi người đến chúc nhau những lời chúc tốt đẹp, cùng ôn lại chuyện đã qua, tình cảm cũng ngày càng gắn bó sâu đậm.

Trong 3 ngày Tết, mọi người sẽ đi chúc tụng họ hàng, làng xóm, bạn bè và những người đã giúp đỡ, đồng hành cùng mình trong thời gian qua. Không chỉ mang đến niềm vui đầu xuân, việc qua thăm hỏi nhau, gặp gỡ đầu năm cũng là dịp để mỗi người nói lời cảm ơn đến những người xung quanh mình. Việc cảm ơn này cũng ý nhị nhắn nhủ rằng một năm mới tới, còn nhiều điều tốt đẹp sẽ mong muốn được đồng hành cùng nhau.

Chuyện đi chúc tết bao giờ cũng kèm theo lỳ xì, mừng tuổi đầu năm. Đã từ lâu, mừng tuổi đầu năm hay còn gọi là lỳ xì đã trở thành một phong tục, là một trong những nét văn hóa truyền thống mỗi dịp tết đến xuân về. Những chiếc phong bao lì xì màu đỏ bên trong chứa tiền mới, gọi là tiền may mắn, tượng trưng cho sự kín đáo, không muốn có sự so bì dẫn đến chuyện xích mích, không vui trong ngày Tết. Phong bao mừng tuổi còn tượng trưng cho tài lộc, nhiều người nhận được hay cho đi càng nhiều bao lì xì thì càng tin rằng mình đã phát tài phát lộc... Ý nghĩa chính không nằm ở giá trị của đồng tiền mà quan trọng là ở thông điệp: con cháu mong ông bà bách niên giai lão, bố mẹ muốn con cái chăm ngoan, học giỏi, ông bà mong con cháu làm ăn phát đạt, ăn nên làm ra, trẻ em thì hay ăn chóng lớn…

Tuy nhiên, điều đáng buồn ở đây, trong nhiều trường hợp, nhiều hoàn cảnh tục mừng tuổi đầu năm đang bị “biến tướng” đi khá nhiều. Và không ít những trường hợp dở khóc dở cười đã xảy ra xung quanh chuyện mừng tuổi. Có trẻ khi khách đến chơi nhà đã chạy ra đòi tiền lỳ xỳ, có trẻ lại đòi chọn tiền mừng tuổi… Lại có nhiều trẻ được lì xì xong, đứng ngay trước mặt người lớn bóc lì xì để lấy tiền và vứt phong bao lì xì lại. Một số trẻ bóc phong bao lì xì ra với vẻ mặt vui mừng, phấn khởi vì được mừng đồng tiền to, lúc lại tỏ thái độ không hồ hởi, tiu nghỉu với món tiền mừng tuổi đó vì số tiền quá ít. Và có lẽ chính điều này cũng làm cho người lớn phải ái ngại, lo lắng mỗi khi đi đến nhà người thân, người quen để chúc Tết. Để dạy cho trẻ hiểu ý nghĩa của việc nhận tiền lì xì đầu năm phải có sự kết hợp giữa người cho và người nhận. Phụ huynh cần nói với trẻ về ý nghĩa của việc mừng tuổi và cách nhận cũng như sử dụng tiền mừng tuổi, dạy dỗ trẻ biết quý trọng đồng tiền được làm ra từ sức lao động, biết trân trọng những giá trị tinh thần từ phong tục mừng tuổi đầu năm, để mừng tuổi đầu xuân luôn là nét đẹp văn hóa trong những ngày Tết nguyên đán cổ truyền và người đi chúc tết luôn có tâm lý vui vẻ, thoải mái mỗi khi đi chúc Tết.

Ngày Tết với nhiều người, chuyện mừng tuổi ông bà, cha mẹ, người thân... là câu chuyện không hề đơn giản, bởi mỗi người mỗi hoàn cảnh, mỗi điều kiện gia đình khác nhau. Vẫn biết, mừng tuổi là nét đẹp văn hóa ngày tết, một chút gọi là lấy lộc lấy may cho khởi đầu một năm mới nhưng sao có nhiều người vẫn quá quan trọng vào chuyện mừng tuổi bao nhiêu tiền. Bởi, họ quan niệm rằng tiền mừng tuổi càng lớn càng khẳng định “đẳng cấp, vị thế” không chỉ ngoài xã hội mà cả chính gia đình mình. Đó là một quan niệm sai lầm bởi với người thân trong gia đình không phải vì tiền mừng nhiều mà họ yêu quý mình thêm một chút, điều quan trọng vẫn là cả năm, cả đời mình sống với họ ra sao. Do vậy, chúng ta đừng nên nặng nề về câu chuyện mừng tuổi, điều đó sẽ ảnh hưởng đến tư tưởng của con trẻ, người thân của chúng ta.

Tết là những ngày trang trọng và tươi vui của cả nước, là thời điểm chúng ta đón chào một năm mới và tạm biệt năm cũ, hay còn gọi là khoảnh khắc giao mùa, đất trời dường như cũng đổi khác. Trong những ngày này, chúc tết trở thành phong tục tập quán được lưu truyền và dần trở thành nét đẹp trong văn hóa ngày Tết, mang lại nhiều may mắn, nhiều hy vọng và bình an. Một năm mới với nhiều khởi đầu mới, ai cũng có những ước mơ, hoài bão riêng. Tất cả đều mong mọi điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới. 

 

Kim Dung