date
Đường dây nóng:

Tác hại từ đồ ăn vặt ngoài cổng trường

Đăng lúc: 10:43:55 03/10/2023 (GMT+7)

Thực phẩm “bẩn” bủa vây trường học, những món ăn độc hại nhất ngoài cổng trường, tác hại từ đồ ăn cổng trường… hàng loạt những cảnh báo gắt gao, nhưng xem ra tình trạng này vẫn không thuyên giảm trong suốt nhiều năm qua.

IMG-5642.jpg

Theo quan sát của chúng tôi, giờ tan học tại các cổng trường, không khó để bắt gặp hình ảnh học sinh tụ tập thành từng nhóm mua quà vặt. Những thứ học sinh  thường mua khó có thể nhận biết bằng mắt thường. Chẳng hạn như cái gọi là que cay, nem tôm thịt hổ, thạch dừa… thì đều không có nhãn mác, hoặc có thì toàn là chữ Trung Quốc. Giá của những đồ ăn vặt này cũng rất “vừa túi tiền” với học sinh, chỉ 1.000-5.000 đồng mỗi loại.

Không chỉ có những loại đồ ăn đóng sẵn mà cổng trường học còn bị bủa vây bởi những chiếc xe hàng rong mà học sinh quen gọi là hàng “xiên bẩn”. Có lẽ chỉ có người bán biết thực chất những que chiên giá 2 nghìn đồng này là cái gì và tại sao bị gọi là “xiên bẩn”. Còn bọn trẻ, sẽ chẳng thể cưỡng lại được những chiếc xiên nóng giòn, thơm ngậy, rất kích thích cái bụng đói meo sau 5 tiết học.

Thời gian qua, tại các trường học trên địa bàn thành phố Thanh Hóa, nhất là các giờ chào cờ, sinh hoạt tập thể, học sinh ít nhiều đã được các giáo viên dạy về an toàn thực phẩm, phụ huynh cũng nhận thức rất rõ vấn đề mất an toàn vệ sinh, ngộ độc thực phẩm từ sản phẩm trôi nổi ngoài cổng trường. Thế nhưng, thực tế vẫn có muôn vàn tình huống để khó có thể “nói không” với đồ ăn vặt cổng trường.

Theo số liệu từ cơ quan chức năng, có tới 70%- 80% thức ăn đường phố trong đó có quà vặt cổng trường được xác định là bị nhiễm khuẩn như E.coli- loại vi khuẩn gây tiêu chảy, bệnh đường ruột và khuẩn gây tả. Đa phần những đồ ăn vặt ở cổng trường là sản xuất thủ công và không rõ nguồn gốc xuất xứ, chính vì vậy, nguy cơ ngộ độc là rất cao. Cũng theo khuyến cáo của lực lượng công an, hiện nay có nhiều loại ma túy trà trộn vào các loại đồ uống, bánh kẹo cho trẻ em và giới trẻ nên nhiều học sinh vô tình ăn phải.

Vì thế, để giảm thiểu tối đa nguy cơ này, cùng với việc tuyên truyền của giáo viên, các gia đình nên bố trí cho con ăn uống ở nhà đầy đủ và mang theo các đồ ăn nhẹ để con sử dụng trong những giờ nghỉ. Quan trọng hơn là việc giải tỏa những hàng quán không đủ điều kiện bày bán trước cổng trường, kiểm soát các sản phầm bày bán bằng các test nhanh, kiểm tra xuất xứ, giấy chứng nhận của các sản phẩm này.

Hiện nay, các món quà vặt ngoài cổng trường gần như không kiểm soát được các loại hóa chất, phụ gia độc hại. Việc sử dụng phẩm màu, hóa chất công nghiệp có thể khiến trẻ mắc các bệnh mãn tính về gan, thận, thần kinh và gây ung thư.

 

Thu Hiền