date
Đường dây nóng:

Phường Đông Hương: Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản phẩm nem giò, chả

Đăng lúc: 00:00:00 25/09/2023 (GMT+7)

Với nhiều năm kinh nghiệm làm giò, chả, sản phẩm của các cơ sở Chế biến thực phẩm trên địa bàn phường Đông Hương được đông đảo người tiêu dùng thành phố Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung đón nhận.

IMG-5481.JPG

Hiện nay, trên địa bàn phường Đông Hương có hàng chục cơ sở sản xuất nem, giò chả. Phần lớn các cơ sở chế biến đều đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, có chứng nhận của cơ quan chức năng và được đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài nước đón nhận.

Cơ sở sản xuất nem giò chả Trần Hoài Thanh số 16/26/403 đường Hàm Nghi, phố Cóc Hạ 1 đã đầu tư xây dựng được nhà xưởng có quy mô rộng rãi trang bị đầy đủ hệ thống trang thiết bị máy móc hiện đại phục vụ cho việc sản xuất. Những sản phẩm sạch của Cơ sở được lựa chọn từ nguồn nguyên liệu của các cơ sở uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Sau đó được đội ngũ công nhân lành nghề có kiến thức đầy đủ về vệ sinh an toàn thực phẩm chế biến theo công thức gia truyền tạo nên đặc trưng riêng.

IMG-5479.JPG

Nghề làm nem, giò, chả ở phường  Đông Hương đã có từ lâu đời, nó đã trở thành nghề truyền thống và là niềm tự hào của người dân xứ Thanh. Nghề được hình thành và phát triển bắt đầu từ những thập niên 70 của thế kỷ XX.

Không giống như các nơi khác, nghề làm nem, giò, chả ở Đông Hương nổi tiếng trước hết bởi nguyên liệu được chọn lựa cẩn thận và tinh tế, trãi qua các công đoạn công phu và một công thức bí truyền tạo nên hương vị rất riêng cho nem, giò, chả nơi đây.

Để làm nem ngon phải có bí quyết gia truyền mà không dễ gì có được. Nem được làm bằng thịt lợn nạc lọc kỹ để bỏ gân, giã nhỏ mịn. Bì lợn cạo sạch, luộc chín thái chỉ trộn với thịt nạc xay, nêm muối tinh rang khô, nước mắm ngon, mì chính hạt tiêu và thính. Thính được làm từ gạo rang chín vàng thơm rồi xay thật nhỏ. Cách tra thính nhiều hay ít, sớm hay muộn, cũng là bí quyết riêng của từng nhà nem. Tất cả được ủ một thời gian để lên men. Sau đó thịt được vê tròn thành từng viên hình trụ hoặc tròn. Người làm nem khéo léo lót một nhánh lá đinh lăng bánh tẻ nhỏ, đôi ba lát tỏi mỏng và ít lát ớt tươi rồi dùng lá chuối gói lại sao cho chặt và kín. Nem chua thường được chấm với tương ớt, các vị ngọt - chua - cay hoà quyện vào nhauchẳng dễ gì mà quên được.

Cùng với nghề làm nem chua, nghề làm giò lụa ở Đông Hương cũng có tiếng nhiều năm nay. Vào những ngày giáp Tết, khách hàng ở khắp nơi tìm về đặt giò để tiêu dùng hay làm quà biếu cho bạn bè, người thân. Làm giò cũng lắm công phu, thịt mông được lọc ra cho vào cối giã liên tục. Vừa giã vừa rút các sợi gân lẫn trong thịt. Giã cũng phải có kỹ thuật để sao cho thịt phải quánh ở đầu chày thì mới được. Khi thịt đã mịn, quánh dẻo thì cho một chút nước mắm thơm và gia vị vào. Muốn cho giò thơm ngon bắt buộc phải gói bằng lá chuối. Lá chuối cũng phải chọn kỹ, lá nõn lần trong, lá bánh tẻ lần giữa, lá già lần ngoài. Làm như vậy, khi luộc xong giò càng thơm ngon, dậy mùi và đẹp mắt. Giò lụa được coi là ngon khi dùng dao cắt ngang mà không dính dao, miếng giò cắt ra hơi có màu hồng hồng, mặt giò xuất hiện lỗ lăn tăn tròn nhỏ.

Nếu ai đó đã từng thưởng thức cái vị ngọt, mềm mà vẫn giòn thơm của khoanh giò Đông Hương hay vị chua chua cay cay của nem, vị ngọt bùi của chả ngon đến lạ lùng và nổi tiểng trong nền văn hóa ẩm thực Việt Nam thì khó lòng mà quên được.

 

Thu Hiền