date
Đường dây nóng:

Nguy cơ bùng phát Sốt xuất huyết tại các chợ truyền thống

Đăng lúc: 00:00:00 07/07/2022 (GMT+7)

Hiện trên địa bàn thành phố Thanh Hóa có 39 chợ dân sinh. Đây là nơi tiềm ẩn nguy cơ cao bùng phát dịch Sốt xuất huyết trên diện rộng nếu không có biện pháp phòng, ngừa hiệu quả.

 z3549329854854_8ee8861b09416640ef08eac84fec3617.jpg

Cán bộ y tế phường Tân Sơn tuyên truyền, hướng dẫn tiểu thương chợ  Tây Thành thực hiện công tác phòng chống, chống dịch bệnh Sốt xuất huyết

Mới đây, trạm y tế phường Tân Sơn đã cử cán bộ y tế đến kiểm tra việc thực hiện công tác phòng chống, chống dịch bệnh Sốt xuất huyết tại chợ Tây Thành. Qua kiểm tra cho thấy, bên cạnh thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch vẫn còn một số hạn chế có thể gây nguy cơ bùng phát dịch, đó là: cống rãnh thoát nước tại chợ không được đậy kín, các tấm đan bằng khung sắt được hàn cách xa nhau khoảng 5cm vẫn còn nhìn thấy các chất thải ở dưới, đôi lúc bốc mùi hôi thối…tạo cơ hội cho loăng quăng, muỗi phát sinh.

Bà Nguyễn Thị Thanh, tiểu thương chợ cho biết: “Do tôi kinh doanh mặt hàng hàng hải sản nên thường vào cuối mỗi buổi chợ, nhất là vào lúc 7h tối, chỗ chúng tôi ngồi có rất nhiều muỗi bay vào. Nhưng tôi không biết có phải là muỗi vằn hay không? Có lẽ mùi tanh của hải sản cộng với cống rãnh không được che đậy kín là nguyên nhân gây ra nhiều muỗi. Sau khi được cán bộ y tế phường tuyên truyền, giải thích, những ngày tới để tránh muỗi đốt, chúng tôi sẽ cố gắng giữ gìn môi trường xung quanh sạch sẽ hơn”.

z3549329862817_d78a30f34c87ee0e4c4e4e486b9a0c1e.jpg
Nước thải ứ đọng tại rãnh thoát nước trong chợ gây nguy cơ bùng phát dịch bệnh Sốt xuất huyết tại chợ

Là chợ lớn nhất tỉnh Thanh Hóa có lưu lượng người dân đến mua, bán rất đông, thời gian qua, chợ đầu mối thực phẩm Đông Hương đã chú trọng đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch Sốt xuất huyết  nhằm khống chế không để xảy ra dịch bệnh. Chợ thường xuyên tuyên truyền đến các tiểu thương về nguyên nhân, cách phòng, chống dịch bệnh Sốt xuất huyết; vận động các tiểu thương không vứt hoa quả hỏng ra ngoài quầy mà để trong túi bóng, để  đúng nơi quy định; thường xuyên tổng vệ sinh môi trường xung quanh vào cuối buổi chợ, đặc biệt không để có vật chứa đọng nước làm phát sinh lăng quăng; cọ rửa, dọn dẹp mái hiên, nóc nhà, máng xối tại các quầy hàng…Vào cuối buổi chợ, cán bộ thú y thường xuyên phun tiêu độc khử trùng xung quanh chợ…Các cống rãnh trong chợ được xây rộng để thoát nước thải và được che kín bằng các tấm bê tông.

Theo Sở y tế Thanh Hóa hiện có 26 huyện, thị, thành phố đã xảy ra dịch bệnh Sốt xuất huyết. Để dịch bệnh Sốt xuất huyết không xảy ra trên diện rộng, nhất là tại các chợ dân sinh trên địa bàn thành phố Thanh Hóa, thời gian qua, UBND các phường, xã đã tăng cường công tác tuyên truyền đến cộng đồng dân cư về nguyên nhân và các biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất; thường xuyên kiểm tra xử lý các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải nơi sinh sản của muỗi, kịp thời loại trừ ổ chứa lăng quăng, bọ gậy, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Sốt xuất huyết theo quy định; đẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động phòng, chống dịch bệnh Sốt xuất huyết, huy động toàn bộ các cấp, chính quyền, tổ chức, đoàn thể và Nhân dân xây dựng phong trào diệt muỗi, lăng quăng, làm giảm mật độ muỗi trong thời gian ngắn nhất để ngăn chặn dịch bệnh; chủ động dự báo và phát hiện sớm ca bệnh, áp dụng hiệu quả các biện pháp dự phòng đặc hiệu, bao vây và xử lý kịp thời ổ dịch; năng cao năng lực, kỹ năng hệ thống giám sát và kiểm soát dịch bệnh đáp ứng kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch; đảm bảo các điều kiện phương tiện, các trang thiết bị, thuốc, vật tư, hóa chất để ứng phó kịp thời khi dịch bệnh xảy ra.

Bệnh Sốt xuất huyết lây từ người bệnh sang người lành qua trung gian muỗi vằn. Thời tiết nắng nóng liên tục kéo dài xen lẫn các đợt mưa bất chợt, thuận lợi cho sự phát sinh lăng quăng, muỗi, tăng nguy cơ lây lan bệnh Sốt xuất huyết. Mỗi tiểu thương và người dân trong chợ cần hành động ngay để bảo vệ cho chính mình và người thân.

Thanh Xuân