Không nên chủ quan trước cúm mùa
Theo các chuyên gia y tế, cúm mùa thường xảy ra vào thời tiết lạnh, đặc biệt giai đoạn chuyển mùa Đông Xuân. Năm 2024 và tính đến thời điểm hiện nay, tại các cơ sở y tế trên cả nước nói chung và thành phố Thanh Hóa nói riêng đã điều trị cho hàng nghìn ca bệnh cúm mùa, trong đó có nhiều trường hợp nặng và phải thở máy. Trong những ngày thời tiết liên tục trở lạnh, mưa, gió mùa, bệnh cúm có chiều hướng gia tăng. Người dân không nên chủ quan trước bệnh cúm mùa.
Ảnh minh họa.
Cũng theo các chuyên gia y tế bệnh cúm mùa (seasonal flu) đã có từ rất lâu ở hầu hết các nơi trên thế giới, thường gây ra bởi virus cúm A/H1N1, A/H3N2 và cúm B, lây trực tiếp từ người sang người qua đường hô hấp. Những người có bệnh nền, người có hệ miễn dịch yếu và phụ nữ mang thai 3 tháng đầu cần đặc biệt chú ý đề phòng.
Bệnh biến chứng nặng, hay xảy ra trên các bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền như tim mạch, hô hấp, nội tiết, người đang dùng các thuốc ức chế miễn dịch... Ở trên người khỏe mạnh có hệ miễn dịch tốt, các biểu hiện cúm thường nhẹ, như: sổ mũi, ngạt mũi, hắt hơi, ho, đau người, sốt; nếu được nghỉ ngơi, giữ ấm, ăn uống đầy đủ, uống thuốc cảm cúm thông thường thường tự khỏi và không phải nhập viện. Tuy nhiên, ở những người có hệ miễn dịch yếu mang bệnh nền, bệnh mạn tính hoặc người cao tuổi thì virus sẽ tấn công mạnh vào hệ hô hấp và gây ra những biến chứng như: viêm phổi, bội nhiễm các vi khuẩn, viêm cơ tim, suy hô hấp nặng, suy đa tạng có thể phải thở máy, lọc máu, nguy cơ tử vong cao.
Theo các chuyên gia y tế, cần phân biệt rõ triệu chứng cảm lạnh và bệnh cúm. Cảm lạnh (cold) là cơ thể bị nhiễm gió lạnh, mưa lạnh thường gây mệt mỏi qua loa vài ngày tự khỏi, còn cúm (flu) là một bệnh do tác nhân là virus cúm gây ra các triệu chứng đường hô hấp như: Ho, sốt, ngạt mũi, hắt hơi, khó thở... và có thể gây biến chứng nguy hiểm cần phải điều trị. Thuốc kháng virus điều trị cúm là: Oseltamivir (Tamiflu) giúp điều trị giảm nhanh triệu chứng, tuy nhiên cần phải có chỉ định và theo dõi chặt chẽ của bác sỹ chuyên khoa.
Bên cạnh đó các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo những đối tượng như: người cao tuổi, người có hệ miễn dịch yếu, người mắc các bệnh nền, bệnh mạn tính, bệnh ung thư, phụ nữ chuẩn bị mang thai hoặc đang mang thai, trẻ em dưới 5 tuổi... nên chủ động tiêm phòng cúm hằng năm để phòng bệnh. Vaccine cúm mùa sẽ giúp hệ miễn dịch của chúng ta chống đỡ được virus khi có dịch cúm; nếu mắc bệnh sẽ giảm nguy cơ tiến triển nặng. Cần lưu ý, việc tiêm phòng vaccine cúm cần nhắc lại hằng năm chứ không phải tiêm 1 lần mà miễn dịch lâu dài.
Đối với phụ nữ mang thai 3 tháng đầu, nếu mắc cúm mùa cần phải được theo dõi chặt chẽ, vì virus cúm ảnh hưởng đến sự phát triển của bào thai có thể gây dị dạng thai. Vì vậy, phụ nữ trước khi mang thai cần chủ động tiêm vaccine phòng cúm, kể cả khi đã có thai vẫn có thể tiêm được vaccine cúm. Bệnh cúm mùa có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, tuy nhiên hoàn toàn có thể phòng ngừa nhờ tiêm vaccine. Ngoài ra, cũng cần chú ý đến các biện pháp phòng bệnh không đặc hiệu như: Tăng cường vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, vệ sinh tay, giữ ấm, ăn uống đầy đủ dưỡng chất, vệ sinh môi trường như: Tránh không khí ẩm thấp, thiếu ánh nắng, vệ sinh bề mặt, hạn chế tiếp xúc nơi đông người.
Thu Hiền
- Nâng cao cảnh giác trước hành vi lừa đảo trong hoạt động du lịch
- Hiệu quả của các khuôn viên văn hóa, thể dục - thể thao ở khu dân cư
- Bảo vệ trẻ trước tình trạng quà vặt "bủa vây" ngoài cổng trường
- Vẫn còn nhiều người dân đi xe đạp trong công viên Hội an
- “Hạnh phúc cho mọi người” góc nhìn từ ngày quốc tế hạnh phúc 20/3
- Lịch sử và ý nghĩa của Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3
- Cảnh báo gia tăng trường hợp bị chó, mèo, vật nuôi cắn, gây chấn thương
- Nhiều người dân đã chủ động tiêm vắc xin phòng dịch cúm
- Không nên chủ quan trước cúm mùa
- Mua sắm Tết online lên ngôi
