date
Đường dây nóng:

Khởi sắc thị trường xuất khẩu lao động

Đăng lúc: 00:00:00 07/04/2022 (GMT+7)

Thời gian qua, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài gặp nhiều khó khăn, thách thức do dịch COVID-19 bùng phát ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Song, với sự quan tâm của các cấp, các ngành, sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các địa phương, năm 2021 toàn tỉnh đã đưa được 6.030 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Bắt đầu từ những ngày đầu tháng 3 năm 2022, tình hình dịch Covid-19 đã cơ bản ổn định khiến cho thị trường xuất khẩu lao động cũng khởi sắc trở lại.

xuat khau ld.jpg

Công ty xuất khẩu lao động Thiên Ân đào tạo cho công nhân đi làm việc tại nước ngoài

Tại Công ty Thiên Ân, hiện tại đơn vị này đã hoàn tất  thủ tục cho hơn 100 công nhân đi làm việc tại nước ngoài, trong số đó chủ yếu là đi làm việc tại thị trường Đông Âu, Đài Loan, Nhật bản… Đối với toàn bộ lao động đi làm việc tại nước ngoài đã được Công ty đào tạo về ngoại ngữ, các nghề theo nhu cầu việc làm của họ nhằm nâng cao chất lượng cho người lao động.

dai dien dn.jpg
Ông Nguyễn Văn Kiên - Công ty Thiên Ân trao đổi với phóng viên

Trao đổi với chúng tôi, đại diện Công ty Thiên Ân cho biết: “Đơn vị đã đào tạo cho có hàng nghìn người đi làm việc tại nước ngoài. Từ nguồn ngoại tệ họ gửi về, nhiều gia đình đã đầu tư sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm tại chỗ, vươn lên thoát nghèo, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chất lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng không ngừng được nâng cao cả về tay nghề và ngoại ngữ. Khi về nước dễ tìm kiếm được việc làm tại các doanh nghiệp liên doanh với thu nhập cao, ổn định”.

Bước sang năm 2022, thách thức đi kèm với cơ hội bởi hiện các nước trên thế giới đã chuyển dần sang trạng thái “bình thường mới”. Cơ hội đi làm việc ở nước ngoài đối với người lao động đang dần hé mở. Thực tế cho thấy ngay từ những ngày đầu năm, một số thị trường đã có tín hiệu tích cực như Nhật Bản và Hàn Quốc. Ngoài các chương trình mà hai bên đã ký kết như EPS (Hàn Quốc) và IM Japan (Nhật Bản), các quốc gia này đang đẩy mạnh việc thu hút nguồn nhân lực có chất lượng, tay nghề cao từ Việt Nam. Đây là tín hiệu đáng mừng, cho thấy người lao động Thanh Hóa nói chung và thành phố nói riêng đã dần khẳng định được tay nghề, kỹ năng và trình độ của mình với các thị trường truyền thống.

Theo các đơn vị chuyên hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu  lao động cho biết: Sau một thời dài siết chặt để phòng, chống dịch COVID-19, ngày 1-3 vừa qua Nhật Bản bắt đầu mở cửa đón lao động ngoài nước. Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản hiện đang rất “khát” lao động. Mức lương cơ bản cũng khá tốt, tương đương từ 33 đến 38 triệu đồng/người/tháng. Nguồn cung lao động của Việt Nam nói chung, Thanh Hóa nói riêng khá tiềm năng. Người lao động lại chăm chỉ, siêng năng, chịu khó.  Hơn nữa, Việt Nam là nước phòng, chống dịch COVID-19 khá tốt nên thủ tục nhập cảnh cũng dễ dàng hơn. Một thuận lợi nữa cho người lao động Việt Nam là sau khi kết thúc thời hạn hợp đồng 3 năm sẽ được gia hạn thêm từ 2 đến 5 năm. Khi về nước, người lao động dễ tìm kiếm được việc làm bởi Nhật Bản đang đầu tư rất nhiều dự án tại Việt Nam, trong đó có Thanh Hóa.

Hiện nay  dịch Covid-19 cơ bản được khống chế, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến xuất khẩu lao động (XKLĐ) để đạt mục tiêu đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là bảo đảm an toàn cho lao động khi đi lao động tại nước ngoài.

Thu Hiền