date
Đường dây nóng:

Gia tăng trẻ chậm phát triển ngôn ngữ

Đăng lúc: 00:00:00 16/02/2023 (GMT+7)

Hiện nay, tình trạng trẻ chậm phát triển ngôn ngữ ở lứa tuổi 2-3 tuổi đang có chiều hướng gia tăng ở các trường học trên địa bàn thành phố Thanh Hoá.

Khảo sát tại một số cơ sở mầm non chuyên biệt trên địa bàn thành phố Thanh Hóa cho thấy rất nhiều trẻ nhập học trong tình trạng chậm nói, ngôn ngữ kém phát triển. Thậm chí có nhiều trẻ trước đây đã nói được nhiều, nhưng sau khi nghỉ dịch Covid - 19 thì không nói nhiều như trước. Tại Trung tâm giáo dục chuyên biệt Bầu Trời Xanh, phường Quảng Thành hiện có gần 40 trẻ tự kỷ theo học, trong đó chiếm khoảng 30% số trẻ chậm nói. Để giúp trẻ nhanh biết nói, cô giáo Quách Thị Thao- Chủ cơ sở cho biết: Đầu tiên các cô cùng với phụ huynh thường xuyên dạy, cung cấp vốn từ cho con trong lúc học, chơi, hoạt động hằng ngày dần dân trẻ sẽ cảm thụ, phát triển được vốn từ trong quá trình dạy học và chơi. Hướng dẫn và đáp ứng nhu cầu của trẻ qua đó khích lệ được vốn ngôn ngữ của trẻ và trẻ sẽ nói theo.

 20230214_093142.jpg
Cô giáo đang can thiệp và giảng dạy các phương pháp giúp trẻ nhanh phát triển ngôn ngữ.

Tại các trường mầm non công lập, tư thục, số trẻ chậm nói cũng chiếm khá nhiều so với trước đây. Các trường cho biết: số trẻ chậm nói đã ảnh hưởng rất lớn đến việc tiếp thu bài cũng như lực học và thi đua chung của lớp. Trung bình 1 lớp có từ 30-40 cháu thì cô giáo không thể dành hết thời gian hoặc có nhiều chuyên môn, phương pháp dạy riêng để kèm cặp, hướng dẫn trẻ được. Vì vậy, số trẻ chậm nói học tại trường công lập, tư thục thường bị thiệt thòi hơn so với các bạn cùng trang lứa. Tìm hiểu nguyên nhân, nhiều trường cho biết do ảnh hưởng của đại dịch Covid 19, ccs bậc phụ huynh để con ở nhà cho ông bà chăm không đưa đến trường nên các con không tiếp xúc và học các bài học trên lớp. Nhiều bậc phụ huynh thường cho con xem, chơi điện thoại để giết thời gian hoặc để các con đỡ nghịch, ăn cơm nhanh dẫn đến việc các con trở nên thụ động trong giao tiếp cũng như chậm nói.

20230214_092132.jpg
Trẻ chậm nói học nhóm cũng tạo hiệu quả
.

Theo UNICEF, Covid-19 đã gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ em trên toàn cầu. Tại Việt Nam, dịch khiến trẻ không được đến trường, hạn chế giao tiếp, vận động và phải đối mặt với các vấn đề về sức khỏe tinh thần, tâm lý như stress, căng thẳng và trong đó có nguy cơ chậm nói.

Theo Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cho biết, thời gian gần đây tại bệnh viện mỗi ngày tiếp nhận khá nhiều trẻ tới khám. Trong 10 trường hợp trẻ đến tư vấn tâm lý mỗi ngày tại bệnh viện thì có khoảng 2-3 trẻ có tình trạng chậm nói, chủ yếu ở độ tuổi 2 – 3 tuổi. May mắn, 95% trong số này là trẻ chậm nói đơn thuần, không kèm theo nguyên nhân vật lý hoặc tâm lý đi kèm. Chỉ một số nhỏ dưới 5% chậm nói liên quan đến bệnh lý do trẻ có bất thường hở môi hở hàm ếch, trẻ có biểu hiện bất thường về tâm thần, trẻ có thính lực kém, do biến chứng bệnh lý màng não, do rối loạn phổ tự kỷ… Các Bác sỹ tâm lý tại bệnh viện cho rằng, từ 2-3 tuổi là khoảng thời gian vàng để trẻ phát triển ngôn ngữ. Đối với trẻ chậm nói đơn thuần, nguyên nhân chậm nói hơn 80% do yếu tố tâm lý xã hội. Thời gian nghỉ ở nhà do dịch Covid-19, cha mẹ do bận rộn nên ít tương tác, giao tiếp với trẻ đồng thời tâm lý sợ trẻ quậy phá nên để trẻ tiếp xúc quá nhiều với thiết bị điện tử. Việc tiếp xúc nhiều với màn hình điện tử là cách giao tiếp thụ động, là một trong những nguyên nhân khiến trẻ chậm nói, không phát triển ngôn ngữ. Các bác sỹ đã đưa ra khuyến cáo, trẻ trên 2 tuổi mới được tiếp xúc với thiết bị điện tử, thời lượng tiếp xúc cũng ở mức hạn chế, không quá 2 giờ đồng hồ để không ảnh hưởng đến việc phát triển ngôn ngữ của trẻ.  Vai trò quan trọng của các vị phụ huynh đối với việc thực hiện các biện pháp kết hợp tại gia đình làm tăng khả năng nói của trẻ. Cần hạn chế cho các con tiếp xúc với các thiết bị điện tử và tăng khả năng tương tác, giao tiếp với trẻ. Nhiều bậc phụ huynh ban ngày rất bận, nhưng buổi tối có thể dành thời gian chơi với trẻ bằng các trò chơi tương tác như trốn tìm, nói chuyện, đá bóng, chơi vòng,… sẽ khiến trẻ thích thú và có thể bật được âm nói.Đặc biệt, nên dạy trẻ tiếp xúc bằng mắt càng nhiều càng tốt. Việc này giúp trẻ dần hiểu được người lớn nói gì. Trẻ muốn gì thì cha mẹ nên dạy bé chỉ những vật cần, dạy bé nói các đồ vật đó giúp cải thiện tình trạng giao tiếp phi ngôn ngữ, rối loạn ngôn ngữ, chậm nói ở trẻ rất hiệu quả. Mặt khác, cha mẹ cũng cần quan tâm tới chế độ dinh dưỡng giúp phát triển thể chất, trí não bởi đây là một quá trình phát triển liên tục từ trong bào thai cho tới khi trẻ được 2 tuổi và trong suốt giai đoạn học đường.

Vì vậy, chậm nói ở trẻ cần được phát hiện và can thiệp sớm bởi chậm nói sẽ dẫn tới một số kĩ năng khác cũng bị hạn chế theo như trẻ nhút nhát, không tự tin và có thể ảnh hưởng cả tới chỉ số IQ, chỉ số cảm xúc. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến trẻ phải đối mặt với nguy cơ tăng động, giảm chú ý, tư duy logic ngôn ngữ của trẻ bị hạn chế, thậm chí tự kỷ. 

 

Thanh Xuân