Đi lễ chùa cần công đức đúng nghĩa
Người Việt nói chung và thành phố Thanh Hoá nói riêng, khi đi đến các đền, chùa thường có tâm nguyện phát nguyện cúng dường mong tích góp công đức, cầu mong may mắn. Nếu như trước đây, vào dịp đầu năm tại các đình, đền, chùa, trong các lễ hội việc đặt tiền công đức tràn lan, bừa bãi, thậm chí người dân nhét tiền vào tay tượng phật, thánh, bình hoa, mâm lễ, thả ao hồ… gây phản cảm thì nay, tình trạng này đã được cải thiện rõ nét.
Đi lễ chùa là nét đẹp văn hóa của dân tộc, kèm với đó là chút công đức thể hiện tấm lòng thành, đóng góp để cải tạo, tu bổ đình, đền, chùa. Theo khảo sát của chúng tôi tại một số đền, chùa, cơ sở tín ngưỡng lớn trên địa bàn thành phố Thanh Hoá việc đặt tiền công đức khắp nơi đã giảm so với mọi năm, thậm chí nhiều đền, chùa tình trạng này không còn. Theo quan sát của chúng tôi thay bằng việc đặt tiền lẻ bừa bãi, nhiều người đã công đức tại bàn đón tiếp hoặc chỉ đặt tiền tại chính điện, tạo thuận lợi cho công tác quản lý của các đền, chùa, xây dựng văn minh khi tham gia lễ hội, đi lễ chùa.
Để có được sự chuyển biến tích cực này, việc đầu tiên phải kể đến là sự phân cấp quản lý di tích, tích cực vào cuộc của các cơ sở tín ngưỡng. Hiện nay hầu hết các cơ sở tín ngưỡng đều đặt hòm công đức và có bàn đón tiếp khách đến lễ. Tùy từng quy mô diện tích, khuôn viên của đền, chùa mà số lượng, kích thước hòm công đức được bố trí tại các địa điểm với tên gọi khác nhau, phổ biến như: “tiền giọt dầu”, “hòm công đức”, “phát tâm phóng sinh”, “cúng dàng tam bảo”…Tại nhiều cơ sở tín ngưỡng tôn giáo, ban quản lý đền, chùa thường xuyên phối hợp với du khách nếu bắt gặp trường hợp rải tiền lung tung, cố nhét tiền lên tượng thánh, quan đều nhắc nhở. Đồng thời, nhà đền, nhà chùa phân công người thu gom tiền lễ, tiền công đức bỏ vào hòm công đức, sau khi du khách thắp hương trên các ban thờ. Nhờ đó, hình ảnh phản cảm, tiền rơi lộn xộn đã không còn. Trong khuôn viên hay trước cửa nơi thờ tự cũng không còn dịch vụ đổi tiền lẻ.
Được biết ngay từ trước tết, các cơ sở tôn giáo đã triển khai các văn bản của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, của tỉnh, của thành phố về công tác tổ chức, quản lý lễ hội đến cán bộ văn hóa cơ sở, ban quản lý di tích, bộ phận thường trực các đền, chùa do đó, việc thực hiện văn minh khi tham gia lễ hội nói chung và việc đặt tiền công đức nói riêng cơ bản đã đảm bảo quy định. Từ đó, góp phần đem lại thành công trong tổ chức các lễ hội, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho Nhân dân và du khách thập phương.
Có thể nói đặt tiền công đức là một nét văn hóa đẹp khi đi lễ chùa. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết đặt tiền công đức đúng cách. Bên cạnh việc nhiều người dân khi đi lễ chùa đã có nhận thức đúng, chuyển biến tích cực, đặt tiền công đức đúng cách thì vẫn còn một bộ phận người dân rải tiền lung tung, làm mất đi giá trị đồng tiền Việt Nam, cùng tâm lý phô trương khoe của, “hối lộ thần linh” mong cầu cho bản thân. Thiết nghĩ các cấp, ngành chức năng cần tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trong Nhân dân về nét đẹp văn hóa, ý nghĩa và cách đặt tiền dầu đèn đúng, góp phần xây dựng văn minh khi đi lễ chùa.
Thu Hiền
- Mua sắm Tết online lên ngôi
- Tập trung ứng phó với cơn bão gần biển Đông (cơn bãoTrami)
- Giá thực phẩm, rau xanh tăng nhẹ sau bão số 3
- Cảnh báo về quà tặng có dòng chữ “OKVIP - hôm nay 1 tỷ ngày mai 1.000 tỷ”
- Từ 1/7, người dân được xuất trình giấy tờ lái xe qua VNeID
- Đảm bảo an toàn thực phẩm trong mùa nắng nóng
- Làm đẹp hiệu quả, an toàn
- Hyundai Thanh Hóa Khuyến mại dịch vụ “Chào hè rực rỡ - Khuyến mại hết cỡ”
- Tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người
- Thí sinh dự thi kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Trường THPT Chuyên Lam Sơn năm học 2024 - 2025 vào ngày 22 và 23/5/2024