date
Đường dây nóng:

Cẩn trọng với “giặc lửa” trong việc đốt vàng mã

Đăng lúc: 00:00:00 07/08/2022 (GMT+7)

Mặc dù đã được cơ quan chức năng của thành phố Thanh Hóa khuyến cáo nhưng tình trạng thắp hương, đốt vàng mã hiện nay đang có xu hướng tăng mạnh nhất là trong tháng 7 Âm lịch nên có thể xảy ra cháy nổ bất cứ lúc nào. Vì vậy, trong thời điểm này, người dân cần cẩn trọng khi thực hiện các nghi thức tâm linh để tránh xảy ra mối họa lớn từ cháy nổ.

Theo văn hóa và tín ngưỡng dân gian, tháng 7 âm lịch được gọi là “tháng cô hồn”. Đây là thời điểm người dân tiến hành rất nhiều hoạt động thờ cúng, tâm linh để mong cầu sự bình an, tránh xui xẻo trong cuộc sống và công việc. Vì thế, nhiều gia đình dù kinh tế không khá giả cũng cố gắng để sắm đầy đủ bộ lễ cúng trọn vẹn, thể hiện đạo lý làm con.

IMG-3940.jpg
Người dân đốt vàng mã tháng 7 âm lịch (ảnh chụp lúc 11 giờ ngày 3/8/2022)

Nhà giàu thì sắm ôtô, máy bay, biệt thự. Nhà nghèo thì cũng xe máy, quần áo, giày dép…giá mỗi loại từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng. Dạo một vòng trên địa bàn thành phố Thanh Hóa những ngày này, có thể thấy người dân đều đổ đến các chợ dân sinh mua sắm vàng mã rất đông. Thế nhưng ít ai nghĩ rằng, đốt nhiều vàng mã, nhiều đồ dùng đắt tiền, thậm chí sắm mâm cao, lễ đầy thì người “cõi âm” chắc gì đã nhận được, mà chỉ gây lãng phí, tốn kém, ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ…Việc thắp hương thờ cúng tổ tiên, đốt vàng mã trong những ngày lễ tết, rằm tháng 7 vốn đã tồn tại trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt từ lâu đời nay. Tuy nhiên, chính những thói quen này cũng tiềm ẩn các nguy cơ cháy nổ luôn được các cơ quan chức năng khuyến cáo. Trên địa bàn thành phố Thanh Hóa trong nhiều năm qua cũng đã xảy ra các vụ cháy, nổ liên quan đến việc thắp hương hay đốt vàng mã.

Những vụ cháy, nổ xảy ra do thắp hương, đốt vàng mã chủ yếu xuất phát từ nguyên nhân như bố trí nơi thắp hương thờ cúng chật chội không đảm bảo khoảng cách phòng cháy chữa cháy, để quá nhiều vàng mã gần vị trí thắp hương dẫn đến việc khi xảy ra sự cố, rất dễ bắt cháy gây ra hỏa hoạn. Hệ thống các thiệt bị điện sử dụng trên bàn thờ không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, tiết diện dây dẫn điện không đảm bảo về cường độ dòng điện, hệ thống điện không có át tô mát đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, dẫn đến dễ xảy ra chập điện.

Đối với việc đốt vàng mã, người dân thường đốt vàng mã ở vị trí không đảm bảo khoảng cách an toàn phòng cháy chữa cháy dễ tiếp xúc với các vật liệu dễ cháy, đốt trong các vật liệu dễ cháy, trong quá trình đốt không có người trông coi, tàn lửa có thể cháy lan sang các vật dụng xung quanh.

Trong những ngày tháng 7 âm lịch, một hình ảnh rất dễ bắt gặp trên khắp các con phố tại thành phố Thanh Hóa là người lập bàn thờ cúng với nhang đèn nghi ngút khói trước cửa nhà, trước đầu ô tô, xe máy và sau đó kết thúc nghi lễ bằng việc đốt vàng mã ngay trên nền đất, để mặc cho gió thổi tàn tro còn đỏ rực bay tứ tung.

Nhằm chấn chỉnh việc đốt vàng mã – tục lệ mang tính tâm linh lâu đời của người dân đi vào nền nếp hơn, người dân khi thắp hương thờ cúng, hết hương mới được ra ngoài, đốt vàng mã phải trông coi và có biện pháp phòng cháy chữa cháy không để cháy lan. “Người dân khi bố trí nơi thắp hương thờ cúng, các vật dụng trang thiết bị trên bàn thờ đảm bảo khoảng cách an toàn phòng cháy chữa cháy, luôn có biện pháp ngăn chặn cháy lan, việc thắp hương phải có người trông coi, tránh việc thắp hương vòng qua đêm, đặc biệt khi sử dụng nến cần phải được kê trên các đế đỡ không cháy, việc thăm hương thờ cúng cần đảm bảo trang trọng nghiêm túc theo tinh thần tín ngưỡng thắp hương thờ cúng”.

Thu Hiền