Bệnh đau mắt đỏ đang tràn lan tại các trường học có nguy cơ thành dịch
Hiện tại chưa có thống kê cụ thể nhưng theo ghi nhận của phóng viên tại các trường tiểu học, THCS và THPT trên địa bàn thành phố Thanh Hóa có rất nhiều học sinh bị nhiễm bệnh đau mắt đỏ và đang có tốc độ lây lan rất nhanh có nguy cơ thành dịch.
Tại các trường Tiểu học Điện Biên 1; Tiểu học Điện Biên 2; Mầm non Trường Thi; THCS Đông Thọ; THPT Hàm Rồng; THPT Đào Duy Từ…vv ghi nhận hàng chục học sinh, thậm chí có trường hàng trăm học sinh bị nhiễm bệnh đau mắt đỏ và tốc độ lây lan rất nhanh. Không chỉ trẻ em, nhiều người lớn cũng bị đau mắt đỏ trong thời gian gần đây.
Theo các bác sĩ chuyên khoa có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh đau mắt đỏ, trong đó virus là nguyên nhân phổ biến nhất. Các trường hợp đau mắt đỏ do virus thường có các triệu chứng: chảy nước mắt, đổ ghèn trong, sưng phù mi, cộm. Bên cạnh đó, một số người có thể bị đau mắt do vi khuẩn Haemophilus Influenzae, Staphylococcus tấn công gây nên tình trạng chảy nước mắt, phù mi, ghèn vàng hoặc xanh. Ngoài ra, một số người có thể bị dị ứng với lông vật nuôi, phấn hoa, bụị. Ở trẻ nhỏ, đau mắt đỏ có thể đi kèm triệu chứng viêm mũi, họng, viêm đường hô hấp, sốt nhẹ... Đặc biệt, bệnh có thể xuất hiện giả mạc gây chảy máu, làm bệnh lâu khỏi. Bệnh thường khởi phát từ vài giờ đến vài ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh. Ban đầu, triệu chứng bệnh thường xuất hiện ở một mắt, sau đó lan sang hai mắt. Bệnh đau mắt đỏ rất dễ lây lan qua nhiều đường: do tiếp xúc trực tiếp với các chất tiết của mắt thông qua khăn rửa mặt, quần áo, nước bể bơi... hoặc lây qua tay của người đã mắc bệnh.
Vì vậy để phòng tránh bệnh và lây bệnh, các chuyên gia cũng lưu ý, những phương pháp dân gian như xông nước thuốc, nhỏ chanh, đắp lá nha đam hay đắp lá trầu không… để điều trị đau mắt đỏ có thể khiến mắt sưng phù, bỏng. Khi bị đau mắt đỏ, người bệnh cần đi khám chuyên khoa mắt và tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ. Hàng ngày người dân nên nhỏ nước muối sinh lý (Natri Clorid 0,9%) để rửa mắt sau khi đi ngoài đường hoặc đi bơi về; hạn chế dụi tay vào mắt, mũi, miệng; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn tay. Tại trường học, cơ quan, gia đình, cần tránh tiếp xúc trực tiếp, gần gũi với người bệnh, giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, nhất là hai bàn tay; cách ly người bệnh, dùng riêng các dụng cụ như khăn, chậu rửa, kính mắt, vỏ gối…vv.
Thu Hà
- Người dân có cần làm lại thẻ căn cước khi sáp nhập tỉnh, thành?
- Cảnh giác với cuộc gọi nháy máy 1-2 giây rồi tắt, bạn có thể là nạn nhân tiếp theo bị lừa đảo
- Nâng cao cảnh giác trước hành vi lừa đảo trong hoạt động du lịch
- Hiệu quả của các khuôn viên văn hóa, thể dục - thể thao ở khu dân cư
- Bảo vệ trẻ trước tình trạng quà vặt "bủa vây" ngoài cổng trường
- Vẫn còn nhiều người dân đi xe đạp trong công viên Hội an
- “Hạnh phúc cho mọi người” góc nhìn từ ngày quốc tế hạnh phúc 20/3
- Lịch sử và ý nghĩa của Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3
- Cảnh báo gia tăng trường hợp bị chó, mèo, vật nuôi cắn, gây chấn thương
- Nhiều người dân đã chủ động tiêm vắc xin phòng dịch cúm
