date
Đường dây nóng:

Thoát nghèo nhờ mô hình nuôi trồng thủy sản

Đăng lúc: 00:00:00 05/12/2024 (GMT+7)

Quảng Phú là phường có nhiều tiềm năng lớn về diện tích mặt nước để nuôi trồng thủy sản của thành phố Thanh Hóa. Tận dụng thế mạnh này, những năm qua, hoạt động nuôi trồng thủy sản của người dân đã phát triển mạnh mẽ với hàng loạt các các mô hình. Từ đó, giúp người dân thoát nghèo nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Những năm qua, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, UBND phường Quảng Phú đã triển khai, thực hiện các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ giảm nghèo phù hợp, tạo động lực giúp người dân từng bước vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt, việc triển khai chương trình giảm nghèo bền vững của phường những năm trước khi sáp nhập về thành phố có trọng tâm, trọng điểm theo phương châm "Nhà nước hỗ trợ, nhân dân đóng góp, cộng đồng giúp đỡ” là đòn bẩy để người dân Quảng Phú tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại, khuyến khích người nghèo vươn lên thoát nghèo phát triển kinh tế.

Để tạo điều kiện cho hộ nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập, phường Quảng Phú đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tổ chức hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản cho người dân, đặc biệt là các hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Từ đó nghề nuôi tôm, cá, cua nước lợ ở phường Quảng Phú phát triển mạnh đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân.

z6099041596471_c9c4fb4ce1b456cb1f81b7ccdc829b5e.jpg
Anh Trần Công Phong ở phố 2 phường Quảng Phú với diện tích nuôi trồng thủy sản của gia đình mình.

Gia đình anh Trần Công Phong ở phố 2 phường Quảng Phú là 1 điển hình về hộ gia đình thoát nghèo từ mô hình nuôi trồng thủy sản. Anh Phong tâm sự, trước đây cả 2 vợ chồng anh đều lao động tự do, việc làm không ổn định, gia đình đông con, cuộc sống gia đình rất khó khăn. Hơn 10 năm qua nhờ tận dụng được lợi thế của địa phương cùng với tinh thần vượt khó, cần cù trong lao động, anh Phong đã mạnh dạn đấu thầu 5ha diện tích để cải tạo nuôi tôm, cua, cá. Những loại con giống này anh đều mua từ các cơ sở cung ứng giống đảm bảo chất lượng. Cua chủ yếu gia đình anh lấy ở HTX Hoằng Châu Thanh Hóa; tôm, cá, lấy từ tỉnh Ninh Thuận.

Ban đầu khi tiếp cận mô hình nuôi trồng thủy sản, do chưa có kinh nghiệp, cộng với điều kiện thời tiết không thuận lợi, khó khăn chồng chất khó khăn, tuy nhiên không nản chí, anh tự học hỏi, tìm tòi kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản từ nhiều người sau đó về áp dụng thực tế tại diện tích nuôi trồng của mình. Trời không phụ công người, nhiều năm gần đây, anh đã  phát triển mạnh được nghề nuôi trồng thủy sản. Hiện nay anh tạo việc làm cho hơn 10 lao động tạo địa phương với mức thu nhập bình quân từ 4 đến 5 triệu/tháng. Mỗi năm trừ chi phí, cho doanh thu khoảng 500 triệu đồng.

z6099042840921_895292bda299109e1e8e80ef3287ecf2.jpg
Ông Nguyễn Trọng Bảo chăm sóc diện tích nuôi trồng thủy sản của mình.

Cũng như gia đình anh Phong, ông Nguyễn Trọng Bảo cũng là 1 trong những người có nhiều kinh nghiệm trong nuôi trồng thủy sản ở phường Quảng Phú. Do sức khỏe có hạn nên hiện nay ông đã thu hẹn diện tích nuôi trồng thủy sản còn 3ha. Mỗi năm cho thu nhập khoảng 1 tỷ, trừ chi phí ông dành dụm được 400 đến 500 triệu.  Hiện tại ông cũng tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương,

Hiện nay toàn phường có 55 hộ nuôi trồng thủy sản, sản lượng mỗi năm đạt trên 100 tấn. Thị trường tiêu thụ thủy sản tại đây chủ yếu là phục vụ du lịch hè Sầm Sơn. Nghề nuôi tôm, cua, cá nước lợ ở Quảng Phú cũng đang trở thành hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giúp người dân nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo. Để người dân phát triển kinh tế bền vững từ mô hình này, hằng năm, phường đã xây dựng kế hoạch và giao chỉ tiêu cụ thể cho Hội Nông dân; chỉ đạo các đoàn thể tuyên truyền cho người dân những lợi thế trong việc phát triển nghề nuôi thủy sản. Đồng thời, cũng phối hợp với các chương trình, dự án tổ chức các lớp chuyển giao kỹ thuật nuôi tôm, cua, cá, cách phòng chống các bệnh. Đến nay, hầu hết người dân đã biết cách chăm sóc và phòng các bệnh; các hộ đã đầu tư đóng lồng bằng ống nhựa, sử dụng phao nổi, nuôi cá bằng lồng lưới.

Có thể thấy, với sự giúp sức từ các chính sách hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản, các mô hình nuôi trồng thủy sản trên địa bàn phường Quảng Phú đã kết nối được người dân, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế lcủa địa phương trong phát triển nghề nuôi trồng thủy sản. Từ đó, từng bước xây dựng chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân. Nuôi trồng thuỷ sản cũng đã trở thành phương thức sản xuất mang lại hiệu quả cao cho người dân đây trở thành “điểm tựa” để người nông dân gắn bó với nghề nuôi trồng thuỷ sản nhờ được hỗ trợ từ khâu đầu vào cho đến đầu ra, giúp mang lại giá trị kinh tế cao, thu nhập ổn định.

 

Thu Hiền