Khơi dậy văn hóa đọc từ mô hình “Thư viện xanh” trong nhà trường
Thời gian gần đây, ngày càng nhiều trường học trên địa bàn tỉnh nói chung và thành phố Thanh Hóa nói riêng xây dựng mô hình “Thư viện xanh” nhằm tạo môi trường thuận lợi để học sinh dễ dàng tiếp cận sách, báo, nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 329 của Thủ tướng Chính phủ và khơi dậy niềm đam mê đọc sách đối với thế hệ trẻ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay trên địa bàn thành phố Thanh Hóa, phấn lớn các trường tiểu học và THCS đều dành những khoảng không gian, diện tích nhất định để bố trí thư viện thân thiện, thư viện xanh..., với hàng nghìn bản sách, báo, tài liệu tham khảo. Việc xây dựng, phát triển văn hóa đọc đang là một trong những hoạt động trọng tâm của nhiều nhà trường nhằm rèn luyện năng lực tự học, hình thành thói quen đọc sách, giúp học sinh phát triển, mở rộng kiến thức, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập.
Không gian thư viện xanh tại trường tiểu học Quảng Thành.
Cùng theo tìm hiểu của chúng tôi, khác với mô hình thư viện truyền thống, mô hình “Thư viện xanh” được xây dựng theo không gian mở, thân thiện, hài hoà với thiên nhiên. Các góc của thư viện được bố trí giỏ hoa, chậu cây xanh, trang trí, kẻ vẽ những bức họa vui nhộn, bắt mắt, kích thích nhu cầu đọc trong học sinh. Ấn tượng đầu tiên khi đến Trường Tiểu học Quảng Thành, ngôi trường vừa được công nhận trường đạt chuẩn mức độ 2, là không gian “Thư viện xanh” có khẩu hiệu “Dẫu có bạc vàng trăm vạn lạng – chẳng bằng kinh sử một vài pho” được xây dựng ngay trong khu vực thư viện xanh. Với hàng trăm đầu sách đủ các lĩnh vực: văn học, giáo dục pháp luật, giáo dục kỹ năng sống, truyện tranh, tạp chí… được đặt trong tủ ngay ngắn, phục vụ nhu cầu đọc của học sinh sau những giờ học. Tại “Thư viện xanh” có ghi nội quy đọc sách và giới thiệu những quyển sách mới cho học sinh dễ tra cứu, nắm bắt. Nguồn sách này chủ yếu do nhà trường huy động sự đóng góp của thầy cô, học sinh, phụ huynh. Không gian “Thư viện xanh” cũng là nơi nhà trường tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: Trưng bày các gian sách theo chủ đề, tuyên truyền giới thiệu sách bằng hình thức trực tiếp, trực tuyến… nhằm tạo cho học sinh một sân chơi bổ ích, lý thú, giúp các em giao lưu, học hỏi, rèn luyện kỹ năng đọc sách hiệu quả, đưa phong trào đọc sách trở thành một nét đẹp văn hóa.
Từ ngày mô hình “Thư viện xanh” được xây dựng, đi vào hoạt động, số lượng học sinh trong trường tham gia đọc sách, báo ngày càng đông. Việc rèn luyện thói quen đọc sách đã giúp các em mở rộng tri thức, học hỏi thêm nhiều kiến thức bổ ích, qua đó góp phần giáo dục đạo đức, nhân cách sống cho các em. Để nâng cao chất lượng văn hóa đọc, cán bộ phụ trách thư viện và các thầy, cô giáo đã hướng dẫn cho học sinh cách chọn lựa những cuốn sách hay, bổ ích, phù hợp với sở thích, lứa tuổi... Đồng thời, khuyến khích học sinh nâng cao ý thức tự học, tự nghiên cứu và phát triển ngôn ngữ tiếng Việt, hướng tới xây dựng môi trường văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng.
Mô hình “Thư viện xanh” không chỉ tạo môi trường thân thiện cho học sinh, giúp các em được tiếp thu những kiến thức mới, vừa được học, vừa được chơi, được thư giãn sau những giờ học tại trường, mà còn giúp các em phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thẩm mỹ, về năng lực, phẩm chất, tâm hồn và nhân cách, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục tại các nhà trường. Hiện nay ngành Giáo dục và đào tạo đã và đang khuyến khích nhân rộng mô hình “Thư viện xanh” tại các trường học, quy định đây là một trong những tiêu chí đánh giá trường “xanh, sạch, đẹp, an toàn”.
Có thể khẳng định việc xây dựng mô hình “Thư viện xanh”, “Thư viện thân thiện” đã khơi dậy niềm đam mê sách trong học sinh, nâng cao hiệu quả văn hoá đọc trên địa bàn thành phố Thanh Hóa. Hy vọng trong thời gian tới, ngành giáo dục, cấp ủy chính quyền các địa phương sẽ tiếp tục đồng hành cùng các nhà trường thông qua hoạt động trao tặng, luân chuyển sách, báo, tổ chức thư viện lưu động… và sẵn sàng hỗ trợ tập huấn chuyên môn cho cán bộ thư viện các nhà trường để hoạt động của các thư viện xanh phát huy hết hiệu quả mang lại nguồn tri thức cho học sinh những chủ nhân tương lai của đất nước.
Thu Hiền
- Giáo dục truyền thống, khơi dậy niềm tự hào dân tộc cho học sinh
- Công bố Quyết định thành lập Ủy ban MTTQ và các đoàn thể thành phố Thanh Hóa
- HĐND thành phố Thanh Hóa tổ chức kỳ họp thứ nhất, nhiệm kỳ 2021-2026: Bầu các chức danh chủ chốt HĐND và UBND thành phố
- Công bố quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thành lập Đảng bộ thành phố Thanh Hóa và các quyết định về công tác cán bộ
- Thư chúc mừng năm mới 2025
- Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Chào năm mới - 2025”
- Ngay trước thềm năm mới 2025 - Mở “cánh cửa” cho tương lai
- Thành phố Thanh Hóa sẵn sàng cho chào năm mới 2025
- Phường Nam Ngạn khánh thành bàn giao nhà cho hộ gia đình khó khăn về nhà ở theo chỉ thị 22
- Công bố quyết định thành lập Đảng bộ phường Hoằng Quang và Hoằng Đại