date
Đường dây nóng:

Thành phố Thanh Hoá xây dựng mô hình “Trường học an toàn giao thông”

Đăng lúc: 00:00:00 12/09/2024 (GMT+7)

Thời gian qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, trên địa bàn thành phố Thanh Hóa tình trạng số lượng phương tiện tham gia giao thông hoạt động ngày một gia tăng nhanh chóng, mật độ phương tiện hoạt động qua lại trên địa bàn ngày một đông, dẫn đến lưu lượng phương tiện tham gia giao thông rất lớn (tập trung ở các tuyến đường trọng điểm và trong các khung giờ cao điểm) gây nguy cơ mất an toàn giao thông; tình trạng tai nạn giao thông gia tăng trong đó có lứa tuổi học sinh.

z5822774596324_5822d475fa37d44a5aa1a9276c34f5cf.jpg
Công an phường Phú Sơn tuyên truyền luật an toàn giao thông cho học sinh trường THCS Trần Phú.

Theo thống kê của Công an thành phố, chỉ tính riêng trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 36 vụ tai nạn giao thông liên quan đến đối tượng thuộc lứa tuổi học sinh, làm 08 người chết, 37 người bị thương. Tai nạn giao thông đã để lại những hậu quả hết sức thương tâm cho nhiều gia đình và xã hội, bên cạnh đó, tình trạng vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) trong lứa tuổi học sinh còn nhiều (riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng chức năng đã xử phạt 445 trường hợp học sinh vi phạm pháp luật về TTATGT, phạt tiền 108 triệu đồng).

Từ thực trạng trên, để tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 31 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm TTATGT cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới; Quyết định số 3518 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Xây dựng, nhân rộng, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình tự quản trong công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2023 - 2026" (gọi tắt là Đề án 3518); Chủ tịch UBND thành phố Thanh Hoá đã ban hành Kế hoạch chỉ đạo xây dựng mô hình “Trường học an toàn giao thông”.

Mục đích của kế hoạch này nhằm xây dựng, củng cố, duy trì và nhân rộng có hiệu quả hoạt động của các mô hình “Trường học an toàn giao thông” nhằm tạo sự chuyển biến thực sự về nhận thức, ý thức, trách nhiệm và thói quen tham gia giao thông của cán bộ giáo viên, phụ huynh, học sinh và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn, góp phần phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất vi phạm, không để xảy ra TNGT liên quan đến lứa tuổi học sinh.

Mặt khác huy  động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó lấy lực lượng Công an và ngành giáo dục làm nòng cốt; tăng cường công tác phối hợp để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.

Với mục đích đó, UBND tỉnh đã lựa chọn địa bàn thành phố Thanh Hóa xây dựng 01 mô hình “Trường học an toàn giao thông” chỉ đạo điểm cấp tỉnh là Trường Tiểu học Trần Phú và Trường Trung học cơ sở Trần Phú, phường Phú Sơn thuộc địa bàn thành phố Thanh Hoá.  UBND thành phố Thanh Hóa lựa chọn mô hình “Trường học an toàn giao thông” chỉ đạo điểm cấp thành phố là Trường Tiểu học Ba Đình thuộc phường Ba Đình, thành phố Thanh Hoá. Đồng thời giao UBND các phường, xã chủ động rà soát, đánh giá, lựa chọn tối thiểu 01 mô hình “Trường học an toàn giao thông” để chỉ đạo điểm cấp xã trên địa bàn.

Mô hình trường học an toàn giao thông ngoài các biện pháp về đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, thành lập các tổ công tác, thì công tác tuyên truyềnlà không thể thiếu nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền đoàn thể chính trị xã hội, đặc biệt là đội ngũ của giáo viên, phụ huynh và học sinh trong công tác bảo đảm TTATGT cho lứa tuổi học sinh với nhiều nội dung, hình thức khác nhau, điển hình như: Tổ chức khảo sát, đánh giá nhận thức, hiểu biết pháp luật về TTATGT của học sinh, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT cho phù hợp, ít nhất 01 lần/tháng; tổ chức cho nhà trường, giáo viên, học sinh và phụ huynh ký cam kết thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về TTATGT.  Đưa chỉ tiêu việc thực hiện pháp luật về TTATGT là một trong những căn cứ để đánh giá xếp loại thi đua của cán bộ, giáo viên và học sinh..Tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng bảo đảm TTATGT (Tập huấn kiến thức pháp luật bảo đảm TTATGT; kỹ năng bảo vệ hiện trường; sơ cấp cứu nạn nhân gặp nạn; phân luồng giao thông, xử lý các tình huống gây mất an ninh trật tự, tình huống cứu nạn, cứu hộ trong các vụ việc về giao thông, trật tự; kỹ năng tập hợp và phát huy vai trò quần chúng tham gia xây dựng phong trào, các biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình...) cho các thành viên Ban Chỉ đạo tham gia mô hình “Trường học an toàn giao thông".

Hy vọng từ mô hình an toàn giao thông sẽ tạo sự chuyển biến thực sự về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, giáo viên, phụ huynh, học sinh và các Nhân dân trong việc chấp hành quy định về trật tự an toàn giao thông, góp phần đảm bảo an ninh trật tự khu vực cổng trường học, phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất vi phạm, không để xảy ra tai nạn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh.

 

Thu Hiền