date
Đường dây nóng:

Bệnh viện đa khoa thành phố Thanh Hóa đảm bảo an toàn PCCC trong hoạt động khám chữa bệnh

Đăng lúc: 00:00:00 22/08/2024 (GMT+7)

Là đơn vị y tế thường xuyên có đông bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đến khám, chữa bệnh, cộng với đặc thù là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây cháy nổ cao nên Bệnh viện đa khoa thành phố Thanh Hóa luôn chú trọng thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC), đảm bảo an toàn cho hoạt động khám, chữa bệnh.

Với chức năng khám chữa bệnh đa khoa, Bệnh viện thành phố Thanh Hóa thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh,  cung cấp dịch vụ chuyên môn, kỹ thuật về y khoa, phục hồi chức năng  và các dịch vụ y tế khác theo quy định của pháp luật. Đi kèm theo đó là khối lượng lớn các trang thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ cho các hoạt động chuyên môn dễ xảy ra nguy cơ cháy nổ như: các loại phim X quang, các hóa chất nguy hiểm, các chất ôxy hóa mạnh, chăn màn, quần áo, tư trang của bệnh nhân... 


z5751544116265_ba542291d3587576eb9d3adefbb814a2.jpg
Thiết bị chữa cháy tại chỗ được Bệnh viện bố trí những vị trí dễ quan sát và vận hành khi có sự cố xảy ra.

Ngoài ra, tại Bệnh viện còn có nhiều khu vực gây nguy hiểm như: khu vực hấp, sấy, khu vực căng tin, khu vực kho dược hóa chất và các bãi giữ xe lộ thiên trong khuôn viên. Tại Bệnh viện hàng ngày cũng thường xuyên tập trung số lượng đông người, khoảng hơn 300 người bao gồm cả nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân... Nếu xảy ra tình huống cháy nổ, mức độ khó khăn, phức tạp trong việc thoát nạn, cứu nạn từ các tầng cao xuống mặt đất, đặc biệt với bệnh nhân không tự mình di chuyển, người già, trẻ em...

Trước thực trạng đó, Bệnh viện đa khoa thành phố Thanh Hóa đã chủ động triển khai các phương án đảm bảo phòng chống cháy nổ tại từng khoa, phòng, bộ phận và toàn thể đơn vị. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về phòng, chống cháy nổ để mỗi cán bộ, nhân viên y tế đều nắm bắt và chấp hành nghiêm. Bệnh viện  đã xây dựng nội quy PCCC, dán tại các khu vực dễ nhìn thấy như tại các khoa, các phòng bệnh, khu vực nhà xe... 

z5751544101120_a19840e8c35d0211dbac9a4feb051c9d.jpg
 Họng nước chữa cháy đặt phía ngoài khu nhà điều trị bệnh viện.

Hệ thống giao thông từ trục đường Trường Thi vào bệnh viện thuận lợi, nguồn nước trong bệnh viện đảm bảo cho việc phòng cháy và chữa cháy có gồm:1 bể nước ngầm 320m3; 2 bể nước mỗi bể 50m3 được đặt trên tầng 5 nhà điều trị; 04 bể nước mỗi bể 2.5m3 trên tầng 5 nhà khám chữa bệnh lâm sàng, hành chính. Việc bố trí phương tiện dụng cụ chữa cháy đơn vị đã trang bị  91 bình chữa cháy chuẩn theo quy định, bố trí điều tại các khu vực trong bệnh viện.  Đơn vị có 10 họng nước chữa cháy vách tường, kèm theo lăng, vòi chữa cháy; 04 máy bơm chữa cháy; 02 bể chứa cát PCCC; Thang nhôm; Đèn pin; Búa tạ…được trang bị đầy đủ. Riêng tại khu nhà 5 tầng (Khu khám chữa bệnh lâm sàng, hành chính) đã trang bị hệ thống báo cháy tự động 8 kênh; hệ thống chữa cháy vách tường; hệ thống đèn chiếu sáng sự cố, EXIT thoát nạn đảm bảo về chất lượng đáp ứng sẵn sàng cho công tác phòng cháy, chữa cháy tại đơn vị.  Bệnh viện có đội chữa cháy tại chỗ với 25 người.

z5751544136279_003aa397c1eeaf20c30b00bfafadb1c4.jpg
Tiêu lệnh PCCC được đặt tại vị trí hành lang các tầng trong bệnh viện.

Để chủ động ứng phó với các tình huống cháy nổ có thể xảy ra, Bệnh viện đã xây dựng phương án chữa cháy tại cơ sở, giả định một số tình huống dễ xảy ra cháy để tổ chức diễn tập triển khai chữa cháy, làm rõ vai trò, trách nhiệm của từng thành viên trong tham gia chữa cháy... Từ đó rút kinh nghiệm để làm tốt hơn công tác phòng ngừa, đảm bảo an toàn cho người và trang thiết bị trong hoạt động khám, chữa bệnh. 

Theo ông Vũ Quang Huy -  Đội trưởng Đội PCCC – CNCH - Bệnh viện đa khoa thành phố Thanh Hóa  cho biết: Trước tình trạng đã xảy ra cháy nổ tại những khu vực tập trung đông người trên địa bàn cả nước, mỗi cán bộ, nhân viên y tế tại Bệnh viện đều được tham gia các lớp tập huấn kiến thức về phòng, chống cháy nổ để chủ động trong công tác đảm bảo trong đơn vị. Bệnh viện  cũng mong muốn được trang bị thêm nhiều phương tiện, trang thiết bị để hoàn thiện hệ thống PCCC, giúp cán bộ, nhân viên y tế yên tâm hơn khi thực hiện nhiệm vụ...Mỗi cán bộ trong đơn vị thực hiện nghiêm túc các  quy định, nội quy, yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tích cực đề phòng không để nạn cháy xảy ra, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng về lực lượng, phương tiện để khi cần chữa cháy kịp thời, có hiệu quả. Có trách nhiệm bảo quản phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tuyên truyền cho mọi người cùng tham gia công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Để ngăn ngừa và hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ cháy nổ gây ra, trong thời gian tới, ngoài sự chủ động từ phía Bệnh viện đa khoa thành  phố, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH cần  tăng cường công tác kiểm tra an toàn PCCC, kịp thời phát hiện những  thiếu sót không đảm bảo an toàn, khắc phục ngay, không để sự cố cháy, nổ xảy ra. Phối hợp với Bệnh viện tổ chức huấn luyện nghiệp vụ, thực tập phương án chữa cháy nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng trong công tác PCCC cho lực lượng PCCC cơ sở.

 

Thu Hiền