date
Đường dây nóng:

Ý nghĩa của phong trào hiến máu nhân đạo

Đăng lúc: 00:00:00 07/08/2022 (GMT+7)

Có thể nói, máu là món quà vô giá giúp con người duy trì sự sống. Ngày nay khoa học, y học tuy đã có sự phát triển vượt bậc nhưng vẫn chưa có một loại thuốc hay một loại dịch thể nào có thể thay thế được máu. Bởi vậy, muốn cứu sống được người bệnh có nguy cơ mất máu cao cũng như trong điều trị các bệnh hiểm nghèo cần truyền máu không có cách nào khác con người cần được hiến tặng, chia sẻ những giọt máu hồng của mình để góp phần vào việc duy trì sự sống cho những người cần máu.

lanh dao hien mau.JPG
Lãnh đạo thành phố Thanh Hóa tham gia hiến máu

Hiểu được tầm quan trọng của máu đối với con người, trong những năm qua, phong trào hiến máu tình nguyện trên địa bàn thành phố Thanh Hóa đã trở thành nét đẹp truyền thống quý giá của dân tộc, thể hiện tinh thần nhân đạo cao cả, biết sẻ chia những khó khăn giữa người với người trong cuộc sống. Theo đó, ngay từ đầu năm Ban chỉ đạo hiến máu tình nguyện thành phố xây dựng kế hoạch, vận động  mỗi cá nhân, tập thể trên địa bàn cùng đồng cảm và chia sẻ đối với những người bị bệnh hiểm nghèo cần máu. Năm 2021, Ban chỉ đạo vận động  HMTN thành phố đã vận động hơn 1.600 người đăng ký tham gia hiến máu, thu về được 1440 đơn vị máu, đạt 142,5%, vượt chỉ tiêu tỉnh giao. 

tinh nguyen vien2.JPG

anh1.JPG
Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, LLVT thành phố tham gia hiến máu

Với thông điệp: “ Giọt máu cho đi - Cuộc đời ở lại” ngoài việc cứu sống tính mạng con người, hiến máu còn mang lại sức khoẻ cho chính người hiến máu. Khoa học đã chứng minh việc hiến máu theo hướng dẫn của bác sỹ có lợi cho sức khỏe, nếu một người mất đi 10–15% lượng máu thì không ảnh hưởng gì đến lượng máu tuần hoàn trong cơ thể vì ngay lúc đó máu dự trữ sẽ được đưa ra lưu thông trong tuần hoàn máu. Khi tham gia hiến máu, máu của chúng ta được đổi mới hằng ngày, sản sinh lượng máu mới, các cơ quan sinh máu sẽ được kích thích và quá trình sinh tạo máu sẽ hoạt động với tốc độ gấp 8-10 lần so với bình thường. Hoạt động này nhằm nhanh chóng lấy lại sự cân bằng của cơ thể. Sau khi hiến máu khoảng 3-4 tuần, các thành phần trong máu phục hồi lại gần như bình thường, khi đó các thành phần trong máu được trẻ hoá, nâng cao sức đề kháng chống bệnh tật. Hiến máu nhiều lần giảm nguy cơ ứ đọng sắt và giảm nguy cơ bệnh tim mạch, rất có lợi đối với người có quá nhiều hồng cầu, sắt và lượng máu đặc.

Bên cạnh đó, người tham gia hiến máu được khám và tư vấn sức khoẻ miễn phí để đảm bảo đủ cân nặng, huyết áp bình thường, không bị mắc các bệnh về tim mạch, được kiểm tra và thông báo kết quả các xét nghiệm máu (hoàn toàn bí mật): nhóm máu, HIV, virut viêm gan B, virut viêm gan C, giang mai, sốt rét… Trong trường hợp người hiến máu có nhiễm hoặc nghi ngờ các mầm bệnh này thì sẽ được bác sỹ mời đến để tư vấn sức khỏe, phòng chống bệnh tật, được cấp Giấy Chứng nhận hiến máu tình nguyện của Ban Chỉ đạo hiến máu  tình nguyện. Ngoài giá trị về mặt tôn vinh, Giấy Chứng nhận hiến máu có giá trị bồi hoàn máu, số lượng máu được bồi hoàn lại tối đa bằng lượng máu người hiến máu đã hiến (trong trường hợp người hiến máu không may cần phải truyền máu). Giấy Chứng nhận này có giá trị tại các bệnh viện, các cơ sở y tế công lập trên toàn quốc và có giá trị suốt đời người hiến máu.

Phát huy truyền thống đó bằng những hành động thiết thực trong những năm qua, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, mở rộng đối tượng người tham gia hiến máu, được tỉnh đánh giá cao là đơn vị dẫn đầu. Năm 2022, Ban Chỉ đạo hiến máu tình nguyện thành phố kêu gọi, vận động  khoảng 1.400 cán bộ, viên chức, người lao động, LLVT ở 44 cơ quan, đơn vị và các tầng lớp Nhân dân, người đủ tiêu chuẩn, điều kiện cùng tham gia hiến máu. Phấn đấu vượt chỉ tiêu, kế hoạch tỉnh giao. 

Lê Thảo